12/05/2009 03:03 GMT+7

Toàn cảnh căn cứ Thành đoàn từ 1960-1975

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Một tập sách đặc biệt về lịch sử Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định trong những năm từ 1960-1975 vừa ra mắt bạn đọc: Căn cứ Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định 1960-1975 (*). Là thành quả của Câu lạc bộ truyền thống Thành đoàn - những người đã động viên, vận động nhau ghi lại những tư liệu lịch sử, các thành viên trong ban biên soạn sách đã có cuộc họp bàn về cuốn sách vào sáng 11-5.

G5MeJiVP.jpgPhóng to

Hàng trăm tác giả cùng góp bài làm nên tập sách dày gần 700 trang, hệ thống thành các nội dung: Quá trình xây dựng và phát triển vùng căn cứ, Công tác ở vùng căn cứ, Những kỷ niệm khó quên, Sao của đất, Về thăm lại chiến trường xưa. Tất cả là một khối tư liệu sống động, ở đó có những em giao liên, anh cán bộ, mẹ chiến sĩ, có những kỷ niệm không quên của những học sinh Sài Gòn đấu tranh từ nội đô ra đến vùng căn cứ, có những tấm ảnh chụp làm kỷ niệm nhưng phải giấu kín đến bây giờ mới đưa ra vì những người trong ảnh đều là giao liên, ra vào vùng địch, nguyên tắc là không để bị lộ.

Người trong cuộc nhớ lại và kể về nhau bằng những mảng ký ức, nên những trang viết thấm đầy tình cảm. Những anh hùng, liệt sĩ Thành đoàn như Trần Quang Cơ, Bùi Minh Trực, Hồ Hảo Hớn, Võ Thị Bua, Hồ Trọng Quý... một lần nữa hiện lên trong sách này qua những dòng hồi ức của đồng đội.

Trong cuộc gặp mặt thành viên ban biên soạn sách, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan nhấn mạnh: sở dĩ phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh đô thị Sài Gòn lớn mạnh và duy trì được liên tục trong khoảng thời gian 1960-1975 là nhờ có hậu cứ vững chắc. “Cho nên nếu tủ sách truyền thống của Thành đoàn mà không có quyển Căn cứ Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định 1960-1975 là một thiếu sót lớn”.

Mà lịch sử của các vùng căn cứ Thành đoàn rộng lớn thật, trong 15 năm Thành đoàn có 40 căn cứ, xê dịch kéo dài qua 12 tỉnh thành. Một vùng hậu cứ chiến lược của một tổ chức Đoàn thanh niên như thế, kề vai sát cánh với thanh niên đô thị đấu tranh trên nhiều phương diện: chính trị, vũ trang quân sự, văn hóa văn nghệ... nếu không ghi lại sẽ chẳng mấy người còn biết.

Ngay cả người trong cuộc như chú Sáu Văn (Lê Thanh Văn) cũng bồi hồi xúc động khi đọc tập sách mới in: “Đọc sách mới thấy toàn diện căn cứ của Thành đoàn, vì hồi đó mỗi người ở cánh nào chỉ biết theo từng “lõm” ở cánh đó thôi. Tựu trung lại tập sách nói lên được chất trẻ của Sài Gòn - Gia Định ở vùng căn cứ, đối diện với hiểm nghèo, dùng ý chí để vượt qua những trận chiến không cân sức...”. Chú Năm Nghị (Phạm Chánh Trực) lại chú ý nội dung hoạt động của Thành đoàn ở vùng căn cứ cũng quy mô và tương xứng với các hoạt động tại nội đô lúc bấy giờ.

Nổi bật lên là lòng dân đối với cán bộ chiến sĩ Thành đoàn đã được phản ánh vào tập sách, làm bật lên tầm vóc ý nghĩa của phong trào thanh niên học sinh vừa lớn lao, vừa có sức thuyết phục và xúc động.

(*) Sách do NXB Trẻ, báo Tuổi Trẻ và nhà in Lê Quang Lộc cùng hợp tác xuất bản.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên