Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) diễn ra ngày 12-3.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ, trong khi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện không đồng tình.
Ông Nguyễn Doãn Khánh cho rằng “cần quy định nguyên tắc giải quyết vụ kiện hành chính là tòa án cấp cao xử lý vụ kiện thủ trưởng cơ quan hành chính cấp tỉnh, tòa án cấp tỉnh xử lý vụ kiện liên quan đến người đứng đầu cơ quan hành chính cấp huyện, tòa án cấp huyện xử lý vụ kiện liên quan đến người đứng đầu cơ quan hành chính cấp xã”.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết: “đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo luật.
Vì quy định này không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp về mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện. Đồng thời, quy định như vậy không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ thẩm phán TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong giải quyết sơ thẩm án hành chính”.
Người chủ trì cuộc họp - Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu - chưa kết luận vấn đề này mà để trình Quốc hội thảo luận.
Liên quan đến việc có hay không quy định cho phép người đứng đầu cơ quan hành chính bị kiện được ủy quyền cho cấp dưới tham dự phiên tòa, ông Nguyễn Văn Hiện cho biết nhiều ý kiến trong Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định người ra quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện phải trực tiếp ra tòa, bởi chỉ người ấy mới có thẩm quyền hủy bỏ quyết định hành chính do mình ban hành.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Đây là một dự luật đồ sộ với 447 điều, quy định nhiều nội dung phức tạp về thủ tục, quy trình, thẩm quyền... giải quyết các vụ việc, vụ án dân sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị ban soạn thảo (TAND tối cao) rà soát, nghiên cứu sửa đổi để khắc phục những bất cập lớn đang tồn tại ở lĩnh vực này như án dân sự tồn đọng rất nhiều, chất lượng xét xử chưa cao, xử đi xử lại nhiều lần không có hồi kết thúc.
Theo ông Lý, một trong những quy định quan trọng nhất của Hiến pháp mới được bổ sung đó là nguyên tắc tranh tụng phải được đảm bảo.
“Nhưng tôi đọc trong dự thảo luật này chỉ thấy quy định tranh tụng rõ ràng trong xét xử sơ thẩm, đến giai đoạn xét xử phúc thẩm thì dự thảo luật lại không dùng khái niệm tranh tụng mà chỉ nói là cung cấp thông tin, hỏi đáp..., như vậy tôi hiểu là không có tranh tụng” - ông Lý băn khoăn.
Đề cập vấn đề này, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình hứa sẽ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ nguyên tắc tranh tụng trong dự luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận