09/05/2014 16:06 GMT+7

Tọa đàm Sự ra đời trí khôn ở trẻ em

HƯƠNG GIANG
HƯƠNG GIANG

TTO - Ngày 8-5, tại Viện trao đổi Văn hóa với Pháp (TP.HCM), nhà xuất bản Tri thức và nhóm Cánh Buồm đã tổ chức tọa đàm nhân dịp ra mắt tác phẩm của nhà triết học, tâm lý học hàng đầu thế kỷ 20, Jean Piaget: Sự ra đời trí khôn ở trẻ em do nhà thơ Hoàng Hưng dịch.

c4Y1mMdF.jpgPhóng to
Quang cảnh buổi tọa đàm

Jean Piaget (9-8-1896 – 16-9-1980) là một nhà tâm lý học và triết học người Thụy Sĩ, nổi tiếng về những nghiên cứu nhận thức luận với trẻ em.

Lý thuyết phát triển nhận thức và góc nhìn nhận thức luận của Piaget được gọi chung là “Nhận thức luận di truyền” (genetic epistemology).

Piaget hết sức coi trọng việc giáo dục trẻ em. Là giám đốc một văn phòng giáo dục quốc tế, năm 1934 Piaget đã tuyên bố: “Chỉ có giáo dục mới có khả năng cứu các xã hội của chúng ta khỏi sự sụp đổ có thể xảy ra, dù sự sụp đổ do bạo lực hay sự sụp đổ dần dần”.

Xuất phát từ việc quan sát tỉ mỉ ba đứa con của mình (Laurent, Lucienne và Jacqueline) trong suốt hai năm đầu đời, Jean Piaget khám phá thấy trẻ nhỏ xây dựng “kiến thức” thông qua chính hành động của chúng.

Ông nhận ra mối quan hệ giữa trí khôn với hai quá trình cơ bản đồng hóa và điều tiết: trẻ nhỏ đồng hóa các dữ liệu của thế giới xung quanh và điều tiết chúng thành “hiểu biết” thông qua những cấu trúc tư duy.

Ông quan tâm tới những câu trả lời sai của trẻ em để lý giải những mong đợi lớn hơn như tư duy trẻ em và tư duy người trưởng thành khác nhau ra sao? Trẻ em nhìn thế giới khách quan ra sao và lý giải như thế nào?...

Từ đó, ông đi tới bức tranh toàn cảnh về con đường phát sinh và phát triển nhận thức của con người kể từ khi ra đời.

Ông kết luận, ngay từ trong nôi, trẻ đã chứng tỏ hoạt động cảm giác và vận động mang tính trí khôn, chuyển dần thành tư duy cụ thể rồi đến trừu tượng. Đến cuối năm đầu tiên thì hoạt động này thể hiện mọi tính chất của sự hiểu mang tính trí khôn. Piaget gọi thời kỳ ra đời trí khôn của trẻ là thời kỳ trí khôn thực hành.

Tư tưởng giáo dục của Piaget là đào tạo những người sáng tạo tương lai thay vì những kẻ tuân phục mô hình hiện hành sẵn có của người lớn. Đây cũng chính là ý nghĩa khẩu hiệu của nhóm Cánh Buồm: hiểu trẻ em - dạy trẻ em.

Được biết, nhóm Cánh Buồm (đại diện là nhà sư phạm Phạm Toàn) sau khi cho ra mắt 16 đầu sách bậc Tiểu học, đã tiếp tục với Tủ sách Tâm lý học Giáo dục. Chọn dịch Piaget mở đầu cho Tủ sách là chọn giới thiệu một vấn đề tính từ gốc.

Rất đông các bạn trẻ đến tham dự tọa đàm và đặt câu hỏi xoay quanh vấn đề “Chỉ dẫn và dạy trẻ em học”. Trong đó một cậu bé khoảng 7 tuổi theo mẹ đến buổi tọa đàm hỏi nhà sư phạm Phạm Toàn: “Nếu học sinh học quá nhiều thì óc trong đầu có đựng được hết không?”. Tiếng cười khích lệ lan khắp khán phòng, và với giọng hóm hỉnh, nhà sư phạm Phạm Toàn đã trả lời: “Nếu học theo lối nhớ thì rất khó, nhưng nếu học theo cách tự mình tìm ra chân lý thì vô hạn.”

Một đầu sách khác của Jean Piaget là Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em do Nguyễn Xuân Khánh dịch cũng sẽ ra mắt tại VN trong thời gian tới.

sqqnuz1z.jpg
Nhà sư phạm Phạm Toàn chia sẻ
e6rIXdAg.jpg
Trao đổi sau tọa đàm
HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên