Các bị cáo Phương Anh, Phước, Hậu tại tòa - Ảnh: Tuyết Mai |
Theo đó, bị cáo Hậu chịu mức án 3 năm 27 ngày tù (trả tự do tại tòa), Phước 2 năm cải tạo không giam giữ, Phương Anh 2 năm tù treo về tội sử dụng trái phép tài sản.
Trước đó, các bị cáo bị VKSND TP.HCM truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
HĐXX nhận định các bị cáo đã mở tài khoản mua bán chứng khoán thật, nhưng bằng thủ đoạn mua bán lòng vòng đã gây thiệt hại cho Cổ phần chứng khoán Viễn Đông (công ty Viễn Đông) hơn 1 tỉ đồng.
Tuy nhiên, số lượng chứng khoán vẫn nằm trong tài khoản và quỹ quản lý chứng khoán của công ty Viễn Đông nên không thể kết luận các bị cáo này đã lấy tiền sử dụng và chiếm đoạt tiền của công ty.
Ngoài ra, các bị cáo chỉ hưởng lợi trên số tiền chênh lệch giá cổ phiếu. Hành vi vi phạm pháp luật là hành vi mượn tài khoản của người khác mà không xin phép.
Theo cáo trạng, công ty Viễn Đông được Ủy ban chứng khoán nhà nước cấp giấy phép hoạt động môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư, lưu ký chứng khoán.
Tháng 8-2009, Phan Thiên Hậu được nhận vào làm ở vị trí trưởng phòng môi giới và được phân công quản lý các hoạt động kinh doanh chứng khoán như: đặt lệnh, theo dõi, cập nhật kết quả giao dịch chứng khoán; thực hiện nghiệp vụ cầm cố, cho vay chứng khoán, phát triển và tìm kiếm khách hàng…
Để thực hiện nhiệm vụ này, Hậu được quyền truy cập và thực hiện trên phần mềm Bosc của công ty nên đã móc nối với Nguyễn Ngọc Phước, phó tổng giám đốc công ty Viễn Đông, thực hiện việc lưu ký khống (bán khống) chứng khoán để chiếm đoạt tiền.
Sau khi nhờ bạn bè, người thân mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty, dù tài khoản không có cổ phiếu nhưng Hậu và Phước vẫn chỉ đạo Phương Anh (nhân viên môi giới) lưu ký khống và khớp lệnh hàng nghìn cổ phiếu, sau đó bán lấy tiền tiêu xài.
Các bị cáo đã lựa chọn các mã chứng khoán có giá trị cao để thực hiện việc mua bán khống. Tổng thiệt hại 4,4 tỉ đồng.
Cuối năm 2009, công ty Viễn Đông phát hiện thiếu hụt chứng khoán nên đã làm đơn tố cáo lên cơ quan công an.
Tại tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi lưu ký khống các chứng khoán nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt.
Bị cáo Phước thừa nhận ban đầu có thỏa thuận với Hậu việc lưu ký 50.000 cổ phiếu ảo của một ngân hàng để ăn chia 50%. Tuy nhiên, sau khi giao dịch thành công Phước chỉ đạo Hậu mua 40.000 cổ phiếu để bù lại số lượng đã bán khống. Phước cho rằng mình không được hưởng lợi gì trong việc này.
Bị cáo Phương Anh cũng cho rằng không được hưởng lợi gì từ việc lưu ký chứng khoán khống mà chỉ làm theo sự chỉ đạo của Hậu.
HĐXX cho rằng các bị cáo lợi dụng quyền hạn, chức năng, có hành vi gian dối tạo ra chứng khoán khống để hưởng chênh lệch chứ không không chiếm đoạt tài sản như VKSND TP.HCM đã truy tố. Vì vậy, tòa đã tuyên các bị cáo trên phạm tội sử dụng trái phép tài sản với mức án như trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận