![]() |
Tơ dệt thủ công, công nghệ lạc hậu là một trong những nguyên nhân làm nhiều làng nghề tơ tằm Duy Xuyên mất khách |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Chưa bao giờ làng nghề nổi tiếng dâu tằm tơ Duy Xuyên bị ảnh hưởng nặng nề như bây giờ. 20 năm trong nghề tơ tằm, ông Nguyễn Một, chủ cơ sở tơ lớn nhất huyện Duy Xuyên, nói: "Giá tơ giảm như... xe xuống dốc không phanh"!
Đầu năm 2007, 1kg tơ loại 1 giá 500.000 đồng, tháng sau xuống 450.000 đồng, đến tháng sáu giảm nhanh còn 300.000 đồng/kg và hiện dao động từ 250.000-280.000 đồng. Giá tơ giảm làm giá kén giảm theo, từ 40.000 đồng/kg kén nay chỉ còn 25.000-28.000 đồng/kg. Giá tơ giảm đẩy nhiều gia đình lâm cảnh khó khăn.
Xác xơ xứ dâu tằm!
Trở về Duy Xuyên những ngày này, cảnh những nong tằm tràn đầy đường phơi nắng không còn như xưa. Nong đựng tằm dựa lưng vào tường nhà mốc meo hoặc cất giữ dưới trần nhà. Những bãi dâu dọc bãi bồi sông Thu Bồn không còn xanh mướt vì bị bỏ hoang hoặc một số hộ dân đã chặt gốc, giữ lại giống để giảm lỗ công chăm sóc.
Chuyên viên Phòng kinh tế huyện Duy Xuyên Huỳnh Văn Ánh nhìn nhận tình trạng này ập đến làng nghề quá nhanh. Ông Ánh cho biết diện tích trồng dâu từ 111ha cuối năm 2006, nay chỉ còn 66,4ha bởi người dân không đủ lực để đeo bám nghề đầy rủi ro này. Ở một số vùng, người trồng dâu đã chặt gốc trên 50% diện tích.
Những chủ kéo tơ cũng trầy trật không kém. Hàng trăm máy của hai Hợp tác xã ươm tơ Duy Trinh và Hợp tác xã ươm dệt thị trấn Nam Phước im lìm tiếng thoi đưa. Bốn cơ sở kéo tơ tư nhân của huyện với gần 200 công nhân đắp chiếu lò kéo tơ thủ công, các máy kéo tơ lúc quay lúc đứng. Một trong những cơ sở cầm chừng với nghề kéo tơ là cơ sở của ông Nguyễn Một. Cơ sở này trước đây có 40-45 công nhân, giờ chỉ giữ lại 15 người nhưng lắm khi chuyển sang nghề làm... chổi quét nhà.
Ông Nguyễn Một chỉ vào một đống to tơ trên 2 tấn chưa bán được, rồi nói: "Phải vay ngân hàng 300 triệu đồng mua kén đến kỳ hạn cho dân để họ bớt lỗ, phần mình làm cầm chừng để giữ người, giữ... khói lò”. Cơ sở có 10 máy dệt, trước đây mỗi ngày dệt từ 10-15m lụa.
Xứ tơ lại... nhập tơ!
Phần lớn lượng tơ Duy Xuyên xuất đi các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hà Tây, sang Thái Lan, Lào, Campuchia. Song từ đầu năm nay, các thị trường không nhập tơ Duy Xuyên. Nguyên nhân do tơ Duy Xuyên là loại tơ 28.30, tơ vàng, làm thủ công nên sợi tơ bở, dễ bị hỏng khi dệt. Lụa dệt từ các loại tơ này phẩm chất thấp, không đứng được trên thị trường. Sợi tơ này chỉ dùng dệt lụa ngang chứ không dệt được lụa bền và mịn. Vì thế các cơ sở dệt lụa ở ngay trong vùng trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ nhưng đành... nhập tơ từ nơi khác.
Anh Bùi Văn Thành cay đắng: "Muốn mua tơ của địa phương vừa có giá hợp lý, vừa chủ động nguồn nguyên liệu, giải quyết lao động cho bà con nhưng đành chịu. Bởi khi dệt lụa xong không bán được, khách hàng chê”. Trong lúc giá tơ ngay tại địa phương rớt thảm hại, bình quân 27.000 đồng/kg, các cơ sở dệt lụa ở đây cắn răng mua tơ từ nơi khác với giá 35.000 đồng/kg. Loại tơ nhập từ Thái Bình và Trung Quốc là loại tơ 20.22, sợi tơ mảnh nên dệt lụa mịn, bóng và chặt. Ông Huỳnh Văn Ánh thừa nhận nghịch lý: "Mỗi năm sản lượng tơ của huyện khoảng 10 tấn xuất bán hết, nhưng lượng tơ nhập về khoảng 70% số đó, giá trị lại cao hơn".
Theo một số chủ cơ sở dệt lụa, lụa Duy Xuyên bán với giá thành 60.000 đồng/m cho các shop ở Hội An, Đà Nẵng. Những tiệm này bán lại cho khách từ 80.000-90.000 đồng/m. Trong khi đó, lụa Trung Quốc, tơ bóng Trung Quốc sản xuất theo lối công nghiệp bán với giá rẻ hơn từ 17.000-20.000 đồng/m, mẫu mã lại đẹp nên du khách ưa chuộng hơn, mặc dù lụa công nghiệp này mau phai màu, cứng, không đẹp bằng lụa tự nhiên Duy Xuyên.
Những người trồng dâu, nuôi tằm, người ươm tơ dệt lụa đang bế tắc, loay hoay và chẳng biết đường ra...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận