![]() |
Đủ vợ, đủ chồng, con cái đề huề, cửa nhà sung túc... Nhìn vẻ bề ngoài thì nhiều gia đình trông thật hoàn hảo, mỹ mãn, nhưng có ai biết được rằng trong nội tình họ lại lắm nỗi niềm éo le... Họ chỉ có mỗi cái chung duy nhất: Chung nhà, còn tất cả mọi thứ khác thì đã “riêng” tự khi nào! Tuy trong không còn “ấm”, nhưng họ vẫn còn đủ tỉnh táo để giao ước với nhau là làm sao để ở ngoài nhìn vào vẫn thấy còn “êm”!
Ngủ riêng
Chị P. thú nhận là đã từ lâu, vợ chồng chị không còn “đồng sàng” nữa. Cứ đêm đến là mạnh ai nấy ôm gối tìm chỗ ngủ. Anh mang ghế bố lên sân thượng hóng gió rồi ngủ luôn trên ấy, còn chị kéo cô con gái nhỏ vào phòng (trước là của hai vợ chồng) nằm thủ thỉ cho đỡ cô đơn. Tuy tuổi chị không còn trẻ nữa, nhưng cũng chưa “già háp” đến nỗi tắt lửa lòng. Rất nhiều lúc chị thèm một cử chỉ âu yếm, một lời nói ân cần của chồng nhưng sao mà hiếm hoi đến vậy.
Anh thì suốt ngày cứ chúi mũi vào công việc, hết hợp đồng này đến cuộc hẹn kia, đến lúc ngả được cái lưng thì chỉ muốn ngủ. Gọi là ly thân thì nghe có vẻ trầm trọng quá, vì thực ra họ cũng không có gì mâu thuẫn với nhau cả, chỉ vì sự ham muốn của anh đã đặt vào chỗ khác (danh vọng, tiền tài...), chứ không còn là chị nữa rồi! Thành ngữ “Đầu gối tay ấp” bây giờ đối với chị, nghe sao mà xa xôi, diệu vợi gì đâu!
Ăn riêng
Cách nay hơn chục năm, tôi có làm gia sư cho một gia đình nọ với 2 cô cậu học trò nhỏ. Nhiều buổi đến gặp đúng bữa ăn, tôi chỉ thấy 3 mẹ con ngồi trước mâm, dù người chồng đang hiện diện ngay trong nhà. Ban đầu, tôi nghĩ chắc bà mẹ tranh thủ cho các con ăn trước vì còn phải học với cô giáo, nhưng lâu dần, tôi thấy tình trạng vẫn như thế, sinh nghi có chuyện bất thường gì đây. Nhất là sau đó, đang ngồi dạy học, tôi lại nghe tiếng lục đục ở dưới bếp, rồi tiếng xào nấu, mùi nước mắm, dầu ăn bay lên... sau đó anh chồng bới một tô cơm, ôm ra một góc ngồi ăn!
Dọ hỏi mấy đứa con, tôi còn kinh ngạc nhiều hơn khi biết đã từ lâu, trong nhà họ có đến 2 cái bếp và cái gì cũng... rạch ròi đơn vị hai: nước tương, nước mắm, lu gạo, nồi, chảo... được đặt ở 2 nơi cách xa nhau, để không ai đụng vào của ai! Dĩ nhiên, ăn mà riêng thì mọi thứ khác cũng riêng: phòng làm việc, phòng ngủ, xe cộ... Tuy ở cùng, nhưng họ ghét nhau ra mặt, gặp người này thì nghe nói xấu người kia và ngược lại... Chuyện xảy ra đã khá lâu, chứ như thời bây giờ, cơm hộp trên từng cây số, tôi chắc rằng nhà ấy đã dẹp hết 2 cái bếp.
Đi riêng
Hàng xóm chẳng bao giờ trông thấy vợ chồng nhà ấy đi sóng đôi với nhau, cũng như trông thấy chồng chở vợ đi đâu cả. Ông tập thể dục buổi sáng, bà đi bộ ở công viên với mấy bà bạn già vào buổi tối. Ông xách xe đi đâu cả buổi, còn bà cứ nhờ con gái chở đi chợ, đi sắm đồ... Dự đám cưới, hễ có bà thì vắng mặt ông; đi lễ nhà thờ, ông giấc sáng, còn bà giấc chiều... Lần nào đi chơi xa, ông cũng viện cớ phải trông nhà, hối thúc bà cứ thoải mái đi cho thư giãn đầu óc (kiểu đuổi khéo) với các con, khỏi cần lo lắng gì cho ông cả! Mấy đứa con cho biết nguyên nhân: Họ “khắc tinh” lắm, người này nói thì người kia nghe sao mà “nghịch nhĩ” quá, còn người kia mà làm gì, người này nhìn thấy cũng ngứa hai con mắt đến thế không biết! Họ bèn chọn giải pháp tốt nhất là “đường ai nấy đi”.
Và... không nói
“Ốc đảo lặng lẽ như thế nào thì bố mẹ con cũng im lìm như thế đó”. Đó là lời của mấy đứa con anh chị B. nói về cha mẹ chúng. Đã từ lâu họ đã “tịnh khẩu”. Không nói với nhau đã đành, họ còn không nghe, không thấy, không lấy (đồ xài), không biết gì về nhau nữa mới là siêu chứ, dù họ ở rất gần nhau, đi ra đi vào gặp nhau mỗi giờ! Hồi mới giận, họ còn có lúc “giao dịch” với nhau, cầu ô thước chính là mấy đứa con: “Nói với ba mày”..., “bảo với mẹ mày là”... nhưng càng về sau, họ càng bất cần nhau và họ cắt luôn cái “sạn đạo” không thương tiếc, coi như “tình nghĩa đôi ta có thế thôi”. Đôi khi, nghĩ lại, tịnh khẩu cũng có cái hay, vì muôn sự tại miệng mà!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận