Phóng to |
Vườn thú Hà Nội, nơi tập trung đông trẻ đến vui chơi cũng là nơi hành nghề của hàng chục nghệ nhân tò he làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây). Mỗi người một góc, họ lặng lẽ nặn những con tò he đủ màu sắc sặc sỡ. Nhưng để có được một chỗ ngồi hành nghề tại vườn thú, những nghệ nhân ở đây phải mua chỗ.
Mưu sinh trên phố
Phóng to |
Một nghệ nhân trung tuổi đang tỉ mẩn nặn một chú tễu, bên cạnh đứa bé chừng 10 tuổi phong phanh trong chiếc áo cánh cũ mèm đang nhào lại bột cho nhuyễn. Đôi mắt ngây thơ của đứa bé chăm chú nhìn người cha gầy, khắc khổ đang cúi đầu cặm cụi nặn con giống cho khách. Người khách vui vẻ cầm con giống đứng lên. Đôi tay gầy guộc của người đàn ông vuốt lại tờ 2.000 đồng nhàu nát bỏ vào tráp. Đó là hai cha con nghệ nhân Nguyễn Văn Sự (làng Xuân La).
Từng rong ruổi từ Sài Gòn qua Nha Trang rồi về Hà Nội để đeo đuổi cái nghiệp “đầu đường cuối chợ” này, nhưng để có một chỗ ngồi ổn định trong vườn thú, mỗi tháng hai cha con anh nộp cho ban quản lý vườn thú khoản lệ phí 350.000đ. Anh tâm sự: “Đi rong mãi trên phố oải lắm, nhiều người làng tôi muốn mua một chỗ ngồi cố định ở đây mà không được...”.
Ở một góc công viên Thống Nhất (Hà Nội), rít điếu thuốc cho đỡ lạnh, Đặng Văn Trào (thôn Xuân La, xã Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Tây) thoăn thoắt ve, nặn hình những con giống. Đang mải mê với những con vật gần gũi bằng bột màu, đôi tay run rẩy vì lạnh, thấy chúng tôi anh ngẩng lên tươi cười: “Vừa nhận được một mối của khách đặt hơn 30 con để làm quà lưu niệm, họ muốn lấy ngay nên phải làm vội, thi thoảng kiếm được một mối thế này cũng đỡ...”. Anh tiếp lời: “Ở đây ít trẻ đến chơi, chỉ trông vào mấy ông Tây vào công viên tập thể dục tạt qua, thấy lạ lẫm, ngộ nghĩnh mua vài con thôi”.
Mờ sáng, khi những đứa trẻ Hà thành chưa vùng mình khỏi chăn thì Nguyễn Văn Hậu đã lóc cóc đạp xe từ quê ra phố để nặn tò he. Vượt hơn 30km trong gió rét đông nhưng gặp chúng tôi Hậu vẫn tươi cười: “Đạp mãi quen rồi nên tôi đâu ngại”.
Vỉa hè trước cổng Cung thiếu nhi Hà Nội là nơi Hậu vẫn ngày ngày nặn những con giống tò he kiếm sống. Ngày cuối tuần, những đứa trẻ quây quần bên hàng tò he. 12 con giáp vừa nặn được bày ra trên tráp đủ màu sắc sặc sỡ, bọn trẻ nhìn chúng với vẻ đầy háo hức. Chúng ngắm nghía, tò mò cầm lên xem rồi lại đặt xuống.
22 tuổi, nhưng Hậu đã năm năm rong ruổi trên những con phố Hà Nội cùng những con tò he xanh đỏ. Đôi tay khéo léo nặn từng chi tiết nhỏ của con rồng với nhiều màu sắc pha trộn, trông rất bắt mắt. Hậu cho hay: “Bọn trẻ bây giờ khoái chơi hình siêu nhân, thủy thủ mặt trăng, sôngôku, pikachu... hơn là chơi những con vật quen thuộc như trâu, gà, lợn... Nên nhiều lúc mình cũng phải tranh thủ đọc thêm truyện tranh, xem phim hoạt hình để nặn sao cho thật sinh động vừa ý bọn trẻ. Nhưng vẫn phải có đủ 12 con giáp để làm mẫu cho khách”.
Nặn một con tò he mất chừng năm phút, bán 2.000-3.000 đồng dù có khi cả ngày cũng chỉ bán được vài con giống, nhưng nghệ nhân trẻ này lại quan niệm: “Lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng mỗi lần nhìn những đứa trẻ vui đùa với nhau bên những con tò he, mình cũng vui lây mà thêm yêu nghề”.
Đang ngồi thu lu bên tráp tò he, thấy mấy bà hàng nước trà cuối đường Lý Thái Tổ nháo nhác thu dọn, Hậu cũng vội vàng gom những con tò he, đồ nghề vào tráp, đạp vội chiếc xe, nói với lại: “Tò he cũng là hàng rong mà...”. Chúng tôi chưa hết ngỡ ngàng thì phía cuối đường chiếc xe dẹp trật tự của công an phường đang tiến lại cổng cung thiếu nhi.
Hình ảnh Việt
Phóng to |
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận |
Ông Nguyễn Văn Thuận, một nghệ nhân có tuổi trong làng, cho biết: “Du khách đến với làng rất thích cái vẻ mộc mạc, giản đơn của mỗi con tò he và tìm hiểu về lịch sử làng nghề, rồi tự tay nặn những con tò he mình thích đem về làm kỷ niệm”. Hơn 40 năm cùng với những con tò he mưu sinh trên nhiều góc phố, nhưng những ấn tượng về chuyến mang tò he xuất ngoại sang Mỹ vẫn vẹn nguyên trong ông.
Cùng với những nghệ nhân tranh Đông Hồ, nón Làng Chuông, những liền anh, liền chị quan họ Bắc Ninh, những con tò he bé nhỏ của ông Thuận đã tạo nên một ấn tượng về nghề truyền thống VN với những người Mỹ có mặt tại Bảo tàng Smithsonion trong cuộc giao lưu “Những ngày văn hóa VN tại Mỹ” ở Washington D.C (do Bộ VH-TT phối hợp với Đại sứ quán VN tại Mỹ tổ chức nhân kỷ niệm mười năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ). Ở cái tuổi xưa nay hiếm ông Thuận vẫn say sưa với vẻ ngộ nghĩnh của mỗi con giống. Những bức ảnh chụp chung với người Mỹ trong “Những ngày văn hóa VN tại Mỹ” được ông cất giữ rất cẩn thận. Ông bảo: “Đó là hạnh phúc lớn nhất trong đời tò he của tôi”.
Phóng to |
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tố |
Từng mang tò he đi Nhật để tham gia hội chợ làng nghề quốc tế, nhưng nay nghệ nhân cội rễ nhất làng Đặng Văn Tố không còn đủ sức để đạp xe rong phố nữa. Những lúc buồn nhớ nghề, ông lại lôi tráp tò he ra dạy nghề cho lũ cháu lên năm. Ông nói: “Cái nghề “đầu đường cuối chợ” này lận đận lắm, lúc người ta nghỉ ngơi để vui lễ hội thì mình lại phơi mặt ở các góc phố để kiếm từng đồng”.
Mùa xuân, mùa lễ hội cũng là mùa kiếm sống của những nghệ nhân tò he trên mọi nẻo đường. “Tháng giêng mở đầu với hội Đống Đa, qua hội Cổ Loa, vòng về hội Lim, sau đó tản về hội quê...”. Đưa chúng tôi lịch lễ hội do chính ông viết, nghệ nhân Thuận cho biết: “Hiện ở khắp nơi trong cả nước từ Cà Mau đến Lạng Sơn chỗ nào cũng có người làng Xuân La kiếm sống. Nghề rong ruổi mà, mỗi người chọn một nơi khác nhau để hành nghề”.
Rồi ông Thuận bùi ngùi nói tiếp: “Thường đêm 30 tết là đêm mà những nghệ nhân trong làng kiếm được nhất, nhưng lúc giao thừa khi mọi người về nhà đoàn tụ thì những nghệ nhân tò he lại lầm lũi bước những bước mệt mỏi trở về nhà, có khi là nhà trọ. Không ít nghệ nhân bỏ tết, ngủ lại trên hè phố, ghế đá công viên để hôm sau lại tiếp tục cùng những con tò he rong ruổi...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận