17/03/2011 04:04 GMT+7

Tình yêu với rối

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Khá lâu rồi lại có một không khí múa rối nhộn nhịp và nhiều tiếng cười như thế tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM. Các bạn ngồi thành từng nhóm, chỉnh sửa lần cuối kịch bản, con rối và dặn dò nhau trước khi ra diễn. Một khoảnh sân khấu bé tẹo trở thành không gian “sống với nghệ thuật” của cả chục diễn viên.

9j7LUuxP.jpgPhóng to
Các diễn viên say sưa biểu diễn rối trong buổi bế giảng lớp tập huấn hôm 12-3 - Ảnh: Q.LINH

Buổi diễn báo cáo bế giảng lớp tập huấn múa rối sáng cuối tuần chộn rộn và ngập tiếng cười. Đó là thành quả của bốn ngày ngắn ngủi cho việc tiếp cận một bộ môn nghệ thuật vốn từng và vẫn được nhiều em nhỏ mê mẩn. Bốn ngày ấy, 54 học viên của các nhà thiếu nhi trong TP.HCM cùng bốn tỉnh bạn Đồng Nai, Kiên Giang, Bình Thuận và Quảng Ngãi sống trong môi trường mà nói theo lời họa sĩ Trí Đức - một trong những giáo viên đứng lớp - là “đậm đặc không gian rối nùi”.

Đến từ Nhà Thiếu nhi Kiên Giang, bạn Kim Ngân bày tỏ: “Trước giờ chúng tôi chỉ tạo hình con rối từ giấy bìa cứng khá đơn giản nhưng từ đây tôi biết rằng không thể làm đơn giản như thế mà cần đầu tư nghiêm túc, có vậy mới truyền đến các em tình yêu múa rối”. Một học viên lớn tuổi đến từ Nhà Thiếu nhi Quảng Ngãi - anh Tài Thể - hào hứng: “Nhất định những lớp tập huấn sau chúng tôi sẽ cử nhiều người trẻ đi học”.

Không khí buổi bế giảng làm những người đứng lớp nhớ lại “thời oanh liệt” của đội rối Nhà Thiếu nhi TP.HCM những ngày mới thành lập cách đây chừng 20 năm có lẻ. Những buổi lội ruộng đi biểu diễn vùng sâu vùng xa, những ngày tập đến quên cả thời gian. Thế rồi cuộc sống và nỗi lo toan mưu sinh đã làm nhạt dần không khí múa rối. Để đội rối cũng tan mà môn nghệ thuật ấy tưởng cũng chìm dần vào quên lãng. Rồi chính những người của đội rối ngày ấy nay lại cùng nhau phục dựng đội hình, truyền lại đam mê cho không ít bạn trẻ vẫn còn tha thiết với rối. Một trung tâm múa rối trực thuộc Nhà Thiếu nhi TP ra đời, biểu diễn định kỳ hằng tuần, đem lại tiếng cười cho không ít bạn nhỏ.

Giám đốc Nhà Thiếu nhi TP Phạm Ngọc Tuyền kể quan sát các bạn trong những ngày tập huấn mới thấy vui vì biết rằng còn đó một tấm lòng với rối. Các bạn say sưa đến quên ăn, đêm trước hôm diễn báo cáo làm việc đến 23g, có người chỉ lót dạ khúc bánh mì. Nhưng có lẽ điều làm các giáo viên đứng lớp vui nhất chính là nhiều gương mặt 8X, 9X đã học và thực hành rất nghiêm túc trong thời gian tập huấn.

Bằng tất cả sự năng động của mình, các bạn đã biết sáng tạo đưa thêm nhiều “chiêu” mới vào biểu diễn. Và sẽ có một sân chơi múa rối hoành tráng vào giữa năm nay, khi TP.HCM đăng cai tổ chức liên hoan múa rối khu vực phía Nam vào tháng 7. Các học viên và ban tổ chức lớp học đã hẹn như thế khi chia tay nhau!

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên