13/02/2012 09:56 GMT+7

Tình nẫu

 HUỲNH THẠCH THẢO
 HUỲNH THẠCH THẢO

AT - Tôi quen Thạch từ thời sinh viên ngành y. Nó là dân xứ nẫu chính gốc. Ngày đầu tiên, cả lớp cứ ngẩn người khi thấy trước mặt là một anh chàng nông dân rặt: áo sơmi cộc tay bỏ vào quần, tóc rễ tre cắt ca rê ba phân, mắt nhìn dáo dác như tìm kiếm một vật gì đấy cùng nụ cười cầu tài…

b6Q43cVL.jpgPhóng to

Minh họa: Văn Xuân Lộc

Lúc nghe Thạch nói, giọng miền Trung giữa hai đèo có đồi núi, sông suối, ruộng năm hai mùa thì nhận ra liền. Không cao. Lùn là chắc. Da ngăm đen, vệt đỏ nơi cổ của nắng cháy. Và hiền. Cái gì cũng lạ nhưng không dám hỏi, mà có hỏi người đối diện cũng ngớ người một lát để lọc từ ngữ từ miệng, cử chỉ từ tay, hoặc mắt, hoặc âm thanh phát ra: “Cái gì hé?”; “Dậy na?”, “Cho tui mượn chút coi?”. Và cả bọn cười sặc, lăn ra cười khi Thạch ngây ngô cười theo, gãi gãi đầu, mặt đỏ gấc.

Thạch lại hiền, chưa một lần giận hay cộc cằn với mọi người. Mà ký túc xá thì vô thiên lủng chuyện từ nơi ăn, chốn ở, nơi học đến nơi trai gái theo giường tầng, theo giờ, theo ngày với cả bọn từ các tỉnh về.

Lúc ấy, ngành y là nhất. Nam đương nhiên ít hơn nữ so cánh bách khoa hay tổng hợp, nhưng y là nơi kỷ luật được coi trọng. Ngoại trừ các sinh viên nhà khá giả hay tại thành phố xin ra ngoài, thì đa số bọn tôi đều vào ký túc xá nghe tiếng kẻng sáng, trưa, chiều, tối mà lên lớp, mà ngủ, mà vệ sinh, mà thực tập… Thạch là người chỉn chu nhất, cứ theo giờ mà thực hiện nội quy.

Thằng Hoành đôi lúc bỡn cợt: “Thằng đá kia, đi ngủ chắc cũng áo trong quần, đi toalet thì quần ngoài áo!”. Thạch nghe vẫn nhe răng cười. Nhưng có Thạch phòng tôi khỏe hẳn, nó quét dọn chu đáo mỗi sáng dù không tới phiên.Đứa nào ngủ bỏ ăn nó vẫn lấy phiếu đem cơm về, đứa nào không lên lớp vẫn mượn vở hay sách của Thạch mà nghiền ngẫm. Nhưng được nhất là Thạch khéo tay vô cùng. Đơm cúc, khâu khuy, mạng chỗ rách cho cả bọn..., nó làm tất tật. Khi làm xong nó vẫn cười dù đứa nào quên một câu cảm ơn đúng nghĩa.

Thạch tỉ mẩn và thận trọng trong công việc thì khi học lại càng chăm chú hơn.Nó quan sát rất kỹ trên mô hình cơ thể người của năm học đầu tiên và đối chiếu qua tài liệu. Chính việc đó sẽ cần thiết khi tiếp tục chuyển tiếp qua các năm và đi vào thực tập bệnh viện.

Khi bọn tôi cứ tà tà vừa học vừa chơi, vừa bình phẩm mô hình, vừa nhẩn nha xương, cơ, khớp, thần kinh. Học giỏi là một việc nhưng tài năng khi ứng xử trong công việc điều trị lại là một việc khác, thầy đã dạy đố cãi. Học và thực tế luôn khác, các đàn anh đã phán.

Cứ chiều thứ bảy là ký túc xá vắng hoe, đến khuya chủ nhật từng đứa mò về vẫn thấy Thạch cần mẫn bên chao đèn gấp giấy cho ánh sáng khỏi tỏa lan phiền người khác. Ôi dào, thằng xứ nẫu đang cày trên cánh đồng tri thức coi chừng tẩu hỏa nhập ma có ngày! Thằng Duy vẫn châm chọc và có lúc lôi nó ra quán uống rượu với chân gà luộc hấp hành. Cả bọn trố mắt khi nó nhìn chân gà hầm nở bung rồi nói: “Cẳng chân gà nhiều cơ hơn người!”. Khiếp!

Trà là cô bạn đẹp nhất khóa bọn tôi, dân thành phố hẳn hoi. Dáng người thanh, da trắng bột lọc, nói năng nhỏ nhẹ với mắt bồ câu đen láy, thì khối thằng chết. Mà chết thiệt. Cả khóa cứ ngẩn tò te khi Trà trong áo blu trắng vào bệnh viện thực tập làm y tá năm hai. Bác sĩ hỏi một câu chết người: “Trong thuốc đỏ các bạn thanh trùng vết thương sao lại chống chỉ định các loại vết thương hở?”. Năm phút tĩnh lặng, Thạch trả lời: “Có thủy ngân nên ảnh hưởng cầu thận cấp”. Đúng, chịu khó nghiên cứu. Mọi ánh mắt nhìn về dân xứ nẫu khác hẳn nhưng Thạch thì đỏ mặt, lúng túng còn Trà thì cười nhẹ, nhìn sâu vào mắt Thạch.

Thực tập trên người thật, hẳn nhiên là trong bồn hóa chất của các xác ướp. Đây là lúc lý thuyết được bung ra tận cùng theo giải phẫu bệnh lý và anh nào tránh né chắc chắn lúc ra trường chỉ thành sát thủ. Vậy mà nhiều người vẫn ne né không đứng gần, chỉ có Thạch cúi người say mê trên các xác chết được đặt theo nhiều tư thế, rờ rẫm từng góc cạnh xương cơ. Khiếp hơn nữa, cả ngày chủ nhật chẳng thấy nó đâu. Tối về hỏi, nó cười: “Tui xuống khu ướp xác, bữa trước hổng thấy cơ hoành vùng bụng ra sao…”.

Và ngạc nhiên hơn, tối thứ bảy tuần sau, cả bọn đi ngang qua khu giảng đường nhìn vào lớp học sáng choang, thấy Thạch và Trà đang cắm cúi trên mô hình bằng sáp, hai mái đầu chụm lại sát sạt. Thằng Duy bật thốt: “Nẫu ơi là nẫu, mày hơn bọn tao trái tim nhưng mày thua con bé cái đầu!”. Quả thật, nhìn Thạch khi đứng gần bên Trà, bên trắng bên đen, bên cao bên thấp, bên gồ ghề bên mảnh mai, thật điên cái đầu.

Đề tài tình yêu của Thạch xứ nẫu và Trà thành phố bỗng nhiên được cả khóa bàn tán. Những thằng từng theo đuổi Trà nhìn Thạch bằng ánh mắt hằn học, chỉ có phòng bọn tôi là vun vào với những lời đùa tếu, nhưng Thạch chỉ gãi đầu và cười: “Có gì đâu hé, cô ấy hỏi tui thì tui chỉ…”.

“Mày chỉ chỗ nào, tao nghi quá, toàn mẫu khỏa thân!” - Duy đùa. “Coi chừng có ngày ăn đòn đứa khác!” - Khải phán. Và xảy ra thật. Hôm nhóm bọn tôi vào kíp trực khoa ngoại, đang rẽ vào cổng thì ba thằng bặm trợn chặn ngang tách Thạch ra một góc, thằng thứ tư cao ráo chợt xuất hiện ra hiệu để chúng đánh hội đồng. Thú thật, hai bên ngang ngửa số người nhưng bên tôi là lũ y sinh chân tay lều khều nên Thạch lãnh đủ là cái chắc.

Vậy mà không, chỉ một bước xoay người, Thạch đã tựa lưng vào tường để chống đỡ và tung ra những đòn hiểm. Một thằng bật ngửa, tiếp một thằng gục xuống và tụi tôi a vào khiến chúng chạy dạt. Thạch giập môi máu tuôn xối xả nhưng vẫn cười cười, lúc vào phòng tiểu phẫu, lại bảo: “Cái này xức cồn iôt he, bôi thuốc đỏ là viêm thận cấp liền”. Duy cười: “Bày đặt, có điều mày cấm hôn nửa tháng kẻo viêm môi!”.

Và cả bọn chợt nhớ Trà, cô ấy đang trực sản nên tôi định qua gọi thì cửa phòng bật mở, Trà xuất hiện, trắng ngần với áo blu, mắt rưng rưng đỏ đến bên thằng xứ nẫu. Trà run run lấy khăn tay lau mặt cho Thạch, môi mấp máy điều gì đó khiến cả bọn lui ra ngoài. Duy bảo: “Ước chi tao được như vậy”. Khải lắc đầu: “Mày trông giống khỉ, đâu phải như thằng xứ nẫu, dân gốc võ mà lại. Chao, sướng!”. Đèn phòng tiểu phẫu vẫn sáng dìu dịu, sân bệnh viện vẫn dịu mát với những tán cây xanh lá.

Sau sự cố, bọn tôi rủ được Thạch xứ nẫu và Trà thành phố rong chơi đây đó trong những ngày nghỉ. Có Trà, cả bọn tự nhiên lịch sự hẳn ra và có Trà, nhóm chúng tôi đẹp hẳn ra. Thử nghĩ một cô nhỏ trông thùy mị, dễ thương ngồi giữa nhóm ăn ốc, uống cà phê hay lang thang trên đường với mũ bê rê đen, quần jeans bạc, áo pull trắng thì khỏi chê. Có Thạch, càng an tâm vì nó có võ đố thằng nào gây sự lại hiền, mặc sức cả bọn trêu chọc. Trà chăm sóc Thạch thì rõ, nhưng Thạch vô cùng lúng túng trong mọi tình huống.

Cường bảo: “Nó học giỏi cho mình nhờ là được, hôm thi vấn đáp phần sản, không có nó thằng Duy toi là cái chắc”. Và có Thạch, lần đầu tiên cả bọn được Trà mời đến nhà. Căn biệt thự trong khu vườn xanh bóng cây cùng lối đi trải sỏi. Cô chủ mặc váy trắng, nơ trắng ra đón với nụ cười tươi rói hé chiếc răng khểnh khiến thằng Khải mắt tròn mắt dẹt, còn Duy thì rớt muỗng khi ăn đến hai lần. Chỉ có thằng xứ nẫu lần này là được việc, nó điềm nhiên trò chuyện cùng ba má Trà, đôi khi làm hai người thích thú bật cười. Té ra, gốc gác gia đình Trà cũng người miền Trung nắng đổ, mưa dầm.

Và những gì của ngày xưa thì Thạch đã từng nếm trải nên nó cứ thao thao kể, cứ cười toe, mắt long lanh sáng vì hai người nghe và hiểu được tiếng miền ngoài và bất chợt cả bọn nhận ra thằng xứ nẫu đẹp trai lẫn có duyên ngầm, hèn gì… Khi về đến ký túc xá, Duy vỗ vai Thạch, đùa đùa “chuột sa hũ nếp, nghen con!”.

Mặc nhiên cả bọn thừa nhận bộ đôi này. Trên hành lang bệnh viện, cả hai đi bên nhau trông rất đẹp đôi. Và trong ca phẫu, dù thực tập, thằng xứ nẫu mổ với các thao tác chuẩn xác thì Trà thành phố đưa dụng cụ rất chuẩn đến cả… chỉ khâu lớp bên ngoài! Các bác sĩ gật gù, còn bọn tôi thì lác mắt.Và khi cả hai thực hiện mở ổ bụng trước lúc bác sĩ chính đặt tay vào thì càng tuyệt vời hơn bởi mũi dao chuẩn xác của Thạch kèm theo bàn tay khéo léo của Trà mở rộng vùng mổ. Khải nói: “Công nhận kẻ tung, người hứng”, riêng tôi thì gật gù: “Cặp này đứng phẫu là yên tâm tuyệt đối”.

Cơn lũ miền Trung khủng khiếp được báo, đài phía Nam đưa tin liên tục khi thằng xứ nẫu đứng ngồi không yên và nó đã bỏ về ngoài ấy. Trà đến tìm, chỉ nhìn thấy chiếc hòm gỗ đặt đầy sách phía trên bên chiếc giường trống. Tuần sau, tôi cùng Duy về quê của Thạch. Sau lũ là tan hoang tất cả, là phải gầy dựng từ đầu.

Nhà Thạch trống hoác, vườn tược xác xơ với tâm trạng của nó cũng trống rỗng: em trai mất khi qua sông lúc nước cuộn dâng ồ ạt và mẹ nó thì ngã gục trước những mất mát. Hai thằng tôi đặt vào lòng tay đang run rẩy của Thạch lá thư của Trà. Nén nhang trên bàn thờ của người cha nay lại thêm đứa em và ở lại với nó hai ngày. Bọn tôi đi, Thạch tiễn bên bờ mương nước đầy phù sa có hàng sầu đông trơ lá và hẹn sẽ lên lại. Tôi hỏi nó có nhắn gì cho Trà, Thạch im lặng hồi lâu và lắc đầu. Về trường, đến cửa phòng ký túc xá, Trà chờ ở đấy từ bao giờ, tôi nhìn và cũng lắc đầu, Trà im lặng hồi lâu với nước mắt lưng tròng.

Thạch xứ nẫu lên, tiếp tục học nhưng tính nó khác hẳn, im lặng nhiều và nụ cười thân thiện hầu như mất hẳn. Năm cuối, vừa học vừa thực tập tốt nghiệp tốn nhiều thời gian với nhiều bệnh viện. Thỉnh thoảng, gặp Thạch xứ nẫu và Trà thành phố bên hành lang các khoa, Thạch luôn ngó mông lung trời mây còn Trà thành phố thì cúi đầu nhìn vào một điểm hoa lá dưới đất. Chịu.

Thôi thì cứ ra trường cái đã, đừng hỏi dễ gây phiền toái. Kết thúc khóa Thạch xứ nẫu đậu sát điểm lúc Trà thành phố đạt thủ khoa. Lần này, Thạch cười tươi rói như lúc nhập học, mắt nó ánh lên tia lửa của hạnh phúc. Trà đến bên nhóm ký túc xá ngày nào để mời cả bọn đến nhà ăn mừng thì thấy Thạch lúng túng như lúc thấy Trà nhìn sâu vào mắt nó lúc năm hai thực tập bệnh viện.

Lá thư của Thạch gửi cho cả bọn khi đến nhà Trà được chuyền tay nhau đọc: “Mình xin lỗi tất cả để lên ga kịp chuyến tàu đêm, người đất nẫu sẽ nhớ những kỷ niệm thời sinh viên yêu dấu, bảo với Trà mình yêu cô ấy lắm, yêu hơn cả bản thân mình và thương hơn mọi thứ để thương. Tiếc rằng mình phải về lại quê nhà, ở đó còn bao người chờ đợi…”.

Ba mươi năm trôi qua với bao thay đổi, nhóm ký túc xá trường y mỗi thằng về mỗi tỉnh và vẫn mặc áo trắng, thêm mái tóc vấn vương sợi bạc. Duy đã qua sở y tế, Khải đã là giám đốc một bệnh viện, Thạch xứ nẫu làm xong tiến sĩ ngoại khoa và ở nơi xứ nẫu, còn Trà thành phố được giữ lại trường làm giảng viên. Khi Trà gửi thư mời ngày hội trường có nhắn “Cố gắng sắp xếp công việc để chúng ta gặp nhau, lâu rồi… muốn thấy mặt dân nẫu”. Ừ, đã lâu hay quá lâu chúng ta chưa gặp mặt đông đủ. Khi gặp, bảo với Khải cho mượn phòng mổ để cặp đôi Thạch xứ nẫu và Trà thành phố lần này đứng cạnh nhau với kíp phẫu là bạn bè mà thao tác như ngày nào cách đây ba mươi năm. Xong rồi thì nẫu cứ về xứ nẫu.

820u0n93.jpgPhóng to

Áo Trắng số Tân Niên (số 2) ra ngày 01/02/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 HUỲNH THẠCH THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên