Tinh giản biên chế: cần tiêu chí rõ ràngĐưa ra khỏi bộ máy công chức yếu kémĐề xuất tinh giản biên chế khoảng 100.000 người
Phóng to |
Người dân bấm nút chấm điểm cán bộ sau khi làm thủ tục hành chính tại UBND Q.1, TP.HCM chiều 7-2 - Ảnh: T.Đạm |
Cần tính đến hiệu quả
Quyết định cắt giảm nhân sự, đó là dấu hiệu cho thấy bộ máy lãnh đạo đang muốn thay đổi, và cũng là dấu hiệu buộc các nhân sự thay đổi thái độ làm việc theo hướng tích cực hơn nhằm tránh việc điền tên mình vào danh sách cắt giảm. Do vậy, dự thảo của Bộ Nội vụ nhằm tinh giản 100.000 biên chế trong cơ quan hành chính quả là tin nóng nhất của những ngày đầu năm.
Người dân có quyền hi vọng vào quyết tâm chấn chỉnh bộ máy của Chính phủ. Tuy nhiên, khi nhìn chi tiết vào bản dự thảo, có một số vấn đề đằng sau con số 100.000 khiến chưa thể lạc quan được.
Dự thảo nêu ra năm nhóm cán bộ công chức bị cắt giảm. Tựu trung lại là những công chức dư thừa, chưa bố trí được công việc do việc chia tách, sáp nhập hoặc giải thể của bộ máy, do chuyên môn không còn phù hợp. Trong đó 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi cho nhóm nam từ 55-58 tuổi, nữ từ 50-53 tuổi có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên. Như vậy, bộ máy hành chính có thể đạt được chỉ tiêu cắt giảm 100.000 nhân sự nhưng mục đích chấn chỉnh bộ máy sẽ không đạt, vì nhóm đối tượng này sớm muộn cũng sẽ rời nhiệm sở dù được bồi thường hay không.
Thứ hai, con số 100.000 biên chế tinh giản bắt nguồn từ những nghiên cứu nào? Còn nhớ, có một vị lãnh đạo của Chính phủ từng tuyên bố có đến 30% cán bộ công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc. Như vậy, liệu có phải cắt giảm số lượng biên chế nhiều hơn mới đúng và đủ?
Đầu năm nói chuyện cắt giảm nhân sự thật chẳng vui mừng gì. Tuy nhiên, cắt để bộ máy mạnh hơn nhằm đem lại hiệu quả cho xã hội thì vẫn phải làm. Vấn đề là phải làm như thế nào để loại bỏ được hẳn những công chức yếu kém thật sự, chứ đừng làm theo kiểu chữa bệnh nặng mà nghe bệnh nhân kêu la rồi chùn tay, chỉ cho thuốc sát trùng ngoài da.
Đừng để mất người giỏi
Chuyện tinh giản biên chế nên bắt đầu từ đâu và làm như thế nào là một câu chuyện không dễ dàng chút nào, bởi những nguyên nhân sau:
Đa số công chức đều hoàn thiện bằng cấp đủ chuẩn và trên chuẩn. Chỉ cần nhìn vào những người đang nắm giữ các chức vụ cấp thấp nhất là cấp xã, phường cũng thấy được đa số họ đều đã có bằng cử nhân, một số người đứng đầu đã có bằng thạc sĩ..., việc giảm biên chế họ là vô cùng khó khăn. Mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức cũng luôn nằm trong những bảng thành tích đẹp. Đa số họ hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ, với các danh hiệu như: chiến sĩ thi đua cơ sở, lao động tiên tiến... nên sẽ khó tìm được những người có hai năm nằm ở mức hoàn thành nhiệm vụ để giảm biên chế. Nguyên nhân khác là nhiều công chức đều có quan hệ ruột rà, gửi gắm... nên chuyện lấy phiếu tinh giản biên chế về mức độ hoàn thành hoặc không hoàn thành nhiệm vụ sẽ rất khó...
Chính vì vậy, chỉ còn có hai nhóm đối tượng có thể tinh giản được là những người không phe cánh và những người chuẩn bị đến tuổi về hưu. Trong số những người không phe cánh thường có nhiều người có năng lực nhưng không muốn cầu cạnh, nịnh bợ nên họ bị lép vế trong các cuộc bầu bán phiếu tín nhiệm và đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Nếu những người này bị tinh giản thì rõ ràng chúng ta đánh mất những công chức có năng lực thật sự. Cho nên tinh giản một cách công tâm, đúng theo quy định là cả một vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu làm không cẩn thận, coi chừng người không có năng lực ở lại mà người có năng lực thì nằm trong diện tinh giản biên chế.
Phải loại bỏ công chức biến chất
Dự thảo nghị định tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ đã đề xuất năm trường hợp tinh giản biên chế. Tuy nhiên trong cả năm trường hợp đưa ra đều không đề cập những đối tượng cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật vì dính líu tới tiêu cực, tham nhũng hay vi phạm đạo đức nghề nghiệp (mà chưa tới mức bị xử lý hình sự), trong khi những đối tượng này phải là đối tượng đầu tiên bị loại khỏi đội ngũ cán bộ công viên chức nhà nước.
Ở nước ta, việc kỷ luật cán bộ công chức viên chức căn cứ vào Luật cán bộ công chức, Luật viên chức. Tuy nhiên, trong luật này phần quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức vi phạm quá sơ sài, chỉ đưa ra các hình thức kỷ luật mà không kèm theo nội dung vi phạm cụ thể, vì thế khi xét kỷ luật cán bộ công chức, viên chức phải dựa vào nghị định 34/2011/NĐ-CP và nghị định 27/2012/NĐ-CP. Trong hai nghị định này, hầu hết các lỗi vi phạm của cán bộ công chức, viên chức đều có thể chỉ bị xử lý khiển trách hoặc cảnh cáo, kể cả những vi phạm khá nặng.
Để việc tinh giản biên chế có thể đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ công chức yếu kém, thoái hóa biến chất, cần chỉnh sửa, bổ sung Luật cán bộ công chức và Luật viên chức theo hướng các hình thức xử lý kỷ luật trong luật phải nghiêm khắc hơn. Dự thảo nghị định tinh giản biên chế cần quy định thêm trường hợp những cán bộ công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật mà còn sai phạm cũng nằm trong đối tượng tinh giản biên chế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận