Diễn đàn do Trung tâm thực hành công tác xã hội ĐH Mở TP.HCM tổ chức sáng nay (20-5) tại Trung tâm sinh hoạt Thanh thiếu niên miền Nam (Q.3, TP.HCM).
Bảo vệ sức khỏe sinh sản thế nào?
Qua vở kịch ngắn về việc một số thanh thiếu niên đường phố quan hệ tình dục với nhiều người và khi biết một người trong số đó bị nhiễm HIV, các bạn thanh thiếu niên đường phố đã thắc mắc: “Sẽ phải làm gì trong trường hợp này?”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Anh Thư (Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM) đã cùng các bạn gỡ rối bằng những câu chuyện vui vẻ.
Phóng to |
Nhóm bạn thanh thiếu niên đường phố tự tin trình bày và trả lời thắc mắc của khán giả - Ảnh Thu Thảo |
Bác sĩ Anh Thư hướng dẫn các bạn đồng đẳng viên và thanh thiếu niên đường phố như: quan hệ tình dục an toàn, biện pháp tránh thai an toàn, các bệnh lây lan qua đường tình dục…
“Mỗi năm có trên 1 triệu trường hợp nạo hút thai ở Việt Nam, trong đó có 300.000 trường hợp ở tuổi vị thành niên” - bác sĩ Anh Thư đã đưa ra con số đáng lo ngại về tình trạng nạo phá thai.
Bạn N. - thanh thiếu niên đường phố - chia sẻ với các bạn khác về kinh nghiệm tránh thai mà bạn từng biết: “Khi thai còn nhỏ mà không muốn giữ thì nên uống thuốc tránh thai, còn nếu nạo phá thai thì phải tái khám để bác sĩ kiểm tra cho kỹ".
Phóng to |
Các bạn đồng đẳng viên và thanh thiếu niên đường phố thảo luận nhóm về nguy cơ mắc phải khi quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục quá thường xuyên - Ảnh: Thu Thảo |
“Uống thuốc, nạo phá thai hay các cách khác thì không có biện pháp nào tốt hơn biện pháp nào. Điều quan trọng là các bạn phải biết sử dụng các biện pháp phòng tránh thai để bảo vệ sức khỏe và tránh những hậu quả về sau”. |
Chị Lê Thị Mỹ Hiền - giám đốc Trung tâm thực hành công tác xã hội ĐH Mở - cho biết: “Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với thanh thiếu niên đường phố là vấn đề rất cần thiết. Qua diễn đàn, đại diện các câu lạc bộ thanh thiếu niên đường phố và các đồng đẳng viên tham gia sẽ truyền đạt lại thông tin cho các bạn thanh thiếu niên đường phố khác có kiến thức bảo vệ sức khỏe sinh sản”.
Tránh những suy nghĩ lệch lạc
Nhiều bạn thanh thiếu niên đường phố còn có những suy nghĩ lệch lạc về sức khỏe sinh sản. Bạn P. thắc mắc: “Thanh thiếu niên đường phố thường mặc chung đồ của nhau rất nhiều, thậm chí cả đồ dơ. Như vậy có nguy cơ mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục không?”.
Bác sĩ Trần Trọng Hoàng - ĐH y khoa Phạm Ngọc Thạch - giải thích: “Vi trùng rất dễ chết trong môi trường không khí (nhiều nhất sống được 3 giờ ở điều kiện thường và 1 tuần ở điều kiện tối ưu) nên không có khả năng lây bệnh khi mặc chung quần áo hay ngồi chung ghế”.
Phóng to |
Những suy nghĩ lệch lạc về sức khỏe sinh sản đã được bác sĩ Trần Trọng Hoàng (ĐH y khoa Phạm Ngọc Thạch) giải thích cặn kẽ - Ảnh: Thu Thảo |
Vì sao quan hệ tình dục lại ảnh hưởng đến thận, nước muối có giết chết vi trùng không, thủ dâm có dẫn đến vô sinh không… Tất cả những thắc mắc đó đã được bác sĩ Hoàng giải thích kỹ càng bằng nhiều ví dụ sinh động.
Đồng đẳng viên Trương Thị Ngọc Khánh hào hứng: “Khi được tham gia diễn đàn này, mình rất thích. Được cung cấp thông tin và trao đổi trực tiếp với bác sĩ, sẽ giúp mình có thêm nhiều kiến thức để giúp các bạn thanh thiếu niên đường phố có suy nghĩ đúng đắn hơn”.
Diễn đàn càng sôi động hơn khi các bạn thanh thiếu niên đường phố và đồng đẳng viên đã trao đổi về những nguy cơ khi quan hệ tình dục sớm và quan hệ tình dục quá thường xuyên như mệt mỏi, ốm yếu, mắc các bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến tinh thần…
Bên cạnh đó, nhiều nhóm nhấn mạnh về ảnh hưởng đến tương lai của bản thân và xã hội do suy nghĩ lệch lạc, có thai ngoài ý muốn, nghỉ học, sinh con mà không đủ khả năng nuôi con…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận