![]() |
3/50 công nhân ở lại Nhà máy Fukushima Daiichi chuẩn bị làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng khi sự cố nổ lò phản ứng số 4 xảy ra - Ảnh: NHK |
6.911 người thiệt mạng, vượt qua ngưỡng 6.434 người của thảm họa động đất Kobe năm 1995, theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật. Khoảng 10.754 người vẫn đang mất tích. Vẫn còn 850.000 hộ gia đình trong cảnh mất điện. Chính quyền đang xem xét khả năng di tản hàng chục ngàn người sang các khu vực không bị tàn phá. |
Theo Kyodo News, ngày 18-3, chính quyền Nhật và Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) vẫn đang chạy đua với thời gian để làm nguội các lò phản ứng hạt nhân ở Nhà máy Fukushima Daiichi.
Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) đã điều động 11 xe tải tới nhà máy để phun nước vào các lò phản ứng, trong khi Cơ quan Cứu hỏa Tokyo cũng cử 30 xe và 140 lính cứu hỏa tới hiện trường.
Trong ngày hôm qua, tổng cộng 50 tấn nước đã được đổ vào lò phản ứng số 3, nóng nhất trong tổng số sáu lò phản ứng ở Nhà máy Fukushima Daiichi.
Một ngày trước đó, bốn trực thăng quân sự đã liên tục đổ 60 tấn nước xuống các lò phản ứng, nhưng ngày 18-3, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết không sử dụng trực thăng giội nước nữa mà không giải thích rõ lý do. Nguồn tin Kyodo News cho biết các trực thăng này có dấu hiệu nhiễm phóng xạ.
Trong khi đó, các công nhân TEPCO đang cố gắng sửa đường dây điện dẫn đến ít nhất hai lò phản ứng nhằm khởi động lại các máy bơm nước dùng để làm nguội các thanh nhiên liệu hạt nhân.
Tuy nhiên, kể cả khi đường dây điện được phục hồi thì cũng chưa rõ hệ thống máy bơm có hoạt động được hay không do chúng có thể đã bị hư hại trong trận động đất và các vụ nổ ở nhà máy. Ngoài ra, các kỹ sư TEPCO cũng lo ngại chập điện có thể gây ra thêm một vụ nổ mới nữa.
Kyodo News dẫn lời người phát ngôn Chính phủ Nhật Yukio Edano cho biết các bể chứa thanh nhiên liệu ở lò phản ứng số 3 và số 4 vẫn đang rất nóng, trong khi lại không được che phủ hoàn toàn để tránh rò rỉ phóng xạ. Không có nước làm nguội, các thanh nhiên liệu sẽ tiếp tục nóng lên và rò rỉ phóng xạ. “Lò phản ứng số 3 là ưu tiên hàng đầu” - ông Edano cho biết.
Tuy nhiên, người phát ngôn Cơ quan An toàn công nghiệp và nguyên tử Nhật (NISA) Hidehiko Nishiyama thừa nhận chưa thể xác định được hiệu quả của việc đổ nước vào các lò phản ứng.
Ông Nishiyama cũng cho biết chính quyền đã tính đến phương án chôn vùi các lò phản ứng bằng cát và bêtông giống như cách giải quyết thảm họa Chernobyl. “Giải pháp đó đang ở trong tâm trí của chúng tôi, nhưng nhiệm vụ hiện nay vẫn là làm nguội các lò phản ứng”.
Các chuyên gia Cơ quan Khí tượng Nhật (JMA) cho biết hiện gió vẫn đang thổi bụi và khói có khả năng nhiễm phóng xạ từ Nhà máy Fukushima Daiichi theo hướng ra Thái Bình Dương. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định lan truyền phóng xạ từ nhà máy vẫn chỉ ở mức “địa phương” và không gây nguy hiểm cho con người.
NISA khẳng định tỉ lệ phóng xạ trong không khí ở nhà máy đã giảm nhẹ sau khi trực thăng và xe tải đổ nước vào các lò phản ứng. Tuy nhiên, ông Edano thừa nhận ở một số khu vực tỉ lệ phóng xạ vẫn đang khá cao.
Theo báo New York Times, dữ liệu từ Hệ thống đo đạc không trung (AMS) của Mỹ cho thấy mức độ phóng xạ “có hại” đang tồn tại trong phạm vi 30km tính từ Nhà máy Fukushima Daiichi, còn phóng xạ mức độ thấp đang tồn tại ở gần Tokyo, cách nhà máy 220km về phía nam.
AFP cho biết ngày 18-3, giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Aman thông báo trong một vài ngày tới một nhóm chuyên gia IAEA sẽ đến đánh giá tình hình và đo mức độ phóng xạ ở khu vực quanh nhà máy, đồng thời đo mức độ phóng xạ ở Tokyo.
IAEA cũng kêu gọi Nhật đưa thêm thông tin về khủng hoảng hạt nhân tới công chúng. Mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cử chín chuyên gia đến Tokyo để hỗ trợ Nhật Bản đối phó với thảm họa hạt nhân sau khi Nhật chính thức nhờ Mỹ hỗ trợ. Trong số các xe tải phun nước có một xe tải quân sự Mỹ.
Đo phóng xạ miễn phí cho công dân Việt Nam về từ Nhật Bản Ngày 18-3, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học - công nghệ) đã có hướng dẫn công dân VN từ Nhật Bản (những vùng có nguy cơ nhiễm phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân) có thể đến đo, xác định có bị nhiễm xạ hay không tại 56 Linh Lang (Hà Nội). Việc đo kiểm được thực hiện hoàn toàn miễn phí. Cùng ngày, Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật và ứng phó sự cố bức xạ thuộc Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã tổ chức kiểm tra nhiễm phóng xạ cho bốn công dân Việt Nam trở về từ Nhật Bản gồm ba người sống ở Tokyo và một lưu học sinh ở Sendai. Kết quả kiểm tra cho thấy không có đồng vị phóng xạ trong cơ thể người được kiểm tra, và kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc phóng xạ trong ngày xác định chưa có phát hiện phóng xạ tại Việt Nam. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã có hướng dẫn ứng phó với sự cố hạt nhân bằng hình ảnh (đăng tải trên www.varans.vn). M.QUANG - L.ANH Nhật nâng mức nghiêm trọng của thảm họa từ 4 lên 5 Theo Kyodo News, ngày 18-3, Cơ quan An toàn công nghiệp và nguyên tử Nhật đã nâng khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy Fukushima Daiichi từ cấp độ 4 (tai nạn với mức rò rỉ phóng xạ nhỏ, còn lõi lò phản ứng bị hư hại quan trọng) lên cấp độ 5 (tai nạn với mức rò rỉ phóng xạ hạn chế, còn lõi của lò phản ứng bị hư hại nghiêm trọng) theo cấp độ sự kiện nguyên tử quốc tế từ 0 đến 7. Trước đó, Cơ quan Nguyên tử Pháp xác định vụ Nhà máy Fukushima đã ở cấp độ 6 (tai nạn nghiêm trọng), chỉ dưới thảm họa Chernobyl cấp 7 (tai nạn lớn). Mới đây, Thủ tướng Nhật Naoto Kan đã cam kết sẽ công bố thêm thông tin về thảm họa hạt nhân cho người dân và các nước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận