![]() |
Minh họa: Nguyễn Thanh |
Bên kia đầu dây là tiếng “ừ” ngái ngủ kéo dài.
“Em sẽ viết truyện thật luôn. Về tình đầu hồi em 9 tuổi. Sufu thấy sao?”.
“Chắc em tính viết truyện cười!” - Vẫn âm thanh nhừa nhựa. Nhưng rõ ràng còn kèm mấy tiếng cười khìn khịt.
Tôi bắt đầu thấy nong nóng mũi:
“Sao cười?”
“Mắc cười mà! 9 tuổi. Con nít con nôi. Biết gì. Tăng tuổi lên thêm xíu nữa đi, bé!”
“Kệ em. Ai cấm người ta yêu lúc 9 tuổi?”
“Chà. Không phải chỉ thích thích kiểu trẻ con hả? Yêu luôn sao? Con nít quỷ!”
“Kệ em!”
Tôi cúp máy cái rụp. Biết thừa thế nào cũng có kẻ đi ngủ với cái miệng cười toét đến mang tai.
Sufu - sư phụ - tôi đấy, trung tâm giải quyết mọi gút mắc công việc, tình yêu, hôn nhân, gia đình của tôi. Dù rất là thường xuyên xảy ra cái cảnh cho ý kiến thì ít mà chọc quê nhiều.
Sao lại mắc cười khi tôi nói mình yêu lúc 9 tuổi chứ? Tôi rất nghiêm túc mà. Cậu bạn trai đó, giờ chỉ cần nhắm mắt là tôi có thể tưởng tượng ra ngay dáng vóc, từng đường nét khuôn mặt, nụ cười.
Tôi gọi cậu là Tình Đầu.
Tình Đầu năm ấy chừng 10 tuổi. Tôi gặp cậu trên đồng cỏ một ngày trời đầy mây trắng. Tôi chạy lên đồi, ùa về phía chúng và nhận ra: Đó là những cụm - mây - cừu.
Tôi chưa bao giờ được thấy tận mắt một bầy cừu như thế, trước đây.
Tôi mới 9 tuổi. Và năm đó là lần đầu tiên tôi được về quê ngoại nghỉ hè.
Nên bầy cừu, với tôi, vẫn là một thú vị kỳ diệu.
Tôi ra đồng cỏ ngắm chúng mỗi ngày. Dần dà quen, tôi còn bắt được cả những chú cừu con lông lúc nào cũng như ươn ướt, mà sạch bong thơm thơm mùi sữa. Ôm chú nào vào lòng thì bốn cái chân nhỏ khẳng khiu cũng khua tít mù như đòi: “Cho em xuống, cho em xuống!”.
“Bạn phải đút cỏ cho chúng ăn cơ! Chúng mới yên cho bạn ôm. Như vầy nè!”
Một ngày, có thằng nhóc đột nhiên lù lù xuất hiện trước mặt tôi, hướng dẫn cách bắt cừu.
Nó cũng ôm một con cừu nhỏ trên tay y hệt tôi. Nhưng tay kia nó còn cầm thêm vài cọng cỏ. Thủng thẳng, nó dư dứ đám cỏ trước mặt chú cừu non. Chú cừu khoái chí đớp ngay lấy, sung sướng nhai nhai, không quẫy chân lấy một lần.
Tôi tròn xoe mắt nhìn nó.
Mái tóc xoăn lòa xòa trùm quanh khuôn mặt bầu bầu. Đôi mắt to tròn veo choán hết cả chỗ của cái mũi bé tí hếch lên. Cái áo dài tay nó mặc nom lụng thụng trên dáng người lùn xịt mà chắc nụi. Còn màu da nó nữa. Thật là một sự đối chọi ghê gớm với cái cười trắng bóc. Biết đâu chừng nó đến từ châu Phi đấy cũng nên.
“Mình tên Tí Xíu. Bạn là Công chúa Bạch Tuyết hả?”
Câu hỏi của nó làm tôi há hốc cả mồm.
“Bạn mặc toàn màu trắng! Nón cũng trắng!” - Nó gãi đầu, rồi đưa ra một ngón tay - “Ngày nào tụi mình cũng lén dòm bạn. Ở chỗ kia”
Lập tức có một thoáng lào xào chỗ bụi cây ngón tay nó chỉ vào.
“Tụi nó nói bạn... bạn… đẹp giống Công chúa Bạch Tuyết!”
Nói xong một hơi, nó ù té chạy, mang theo cái mặt càng đen sì sì.
Bụi cây lăn ra năm, sáu hình người cũng đen thui, áo dài tay ôm bụng cười bò lăn bò càng trên bãi cỏ.
Vậy là không chỉ làm quen với bầy cừu, tôi còn có thêm cả đống bạn mới: Những đứa trẻ chăn cừu.
Chúng tôi hay chạy tít lên thềm cỏ dôi lên cao, nơi luôn rợp mát nhờ một gốc cây gòn cổ thụ. Cả bọn bứt cỏ gà mọc đầy quanh mấy chiếc rễ cây lớn, tha hồ ngoéo vào, giật rồi hét vang mỗi lần “gà” của đội nào gãy đầu thua cuộc.
Đôi lúc chắc cũng bực mình vì đám trẻ ồn ào quá, bác gòn già hay cắc cớ thả xuống một vài trái gòn khô, thường là rớt trúng ngay đầu mấy tay to giọng nhất.
Hình phạt của bác gòn thế mà lại là một món quà tặng hết sức tuyệt vời.
Đám con trai mạnh tay đập nứt lớp vỏ trái nâu sẫm cứng ngắc, lôi ra những sợi bông trắng nhẹ bổng thi nhau thổi tung lên trời.
Tôi và Cà Na - đứa con gái duy nhất trong đám trẻ chăn cừu - ngồi nhặt những hạt gòn tròn xoe đen nhánh, gom thành một bụm nhỏ để dành làm mắt cho mấy chú chó, chú cừu Tí Xíu nặn xếp đầy trên một rễ gòn.
Tí Xíu khéo tay lắm. Không lúc nào ra đồng cỏ mà trong túi nó không có một bọc đất sét để lúc buồn buồn lại lôi ra vò, nặn.
Như lúc này đây, khi mà cả đám con trai loi choi nhảy tới nhảy lui để bắt những sợi bông bay lên bay xuống. Tí Xíu thảnh thơi nằm gối đầu trên một bụi cỏ, nặn tượng. Nắng đọng thành chấm tròn ngồ ngộ trên chóp mũi và một cọng cỏ nhay nhay chìa ra bên mép nó. Càng nhìn càng giống vẻ mặt một chú cừu.
“Cỏ ngọt lắm hả anh Tí Xíu?” - Cà Na ngồi xổm ngay bên nó, mắt tròn xoe.
Làm một điệu bộ rất hách xì hằng, nó phẩy phẩy tay:
“Cũng thường thôi. Tại mày không biết chứ…”
Chợt bắt gặp cái nhìn của tôi, nó ngừng ngang câu đang nói, ngó lơ lên tán cây gòn.
Chắc nó ngó cũng hơi lâu, nên khi ánh mắt rớt xuống thì đã nghe hai ba cái miệng khác réo ầm lên:
“Á… Cừu tràn qua ăn bắp ông Tư kìa! Thằng Tí Xíu canh gì kỳ quá...”.
Gần chục cái chân ào ào chạy xuống. Tí Xíu ngớ ra rồi cũng co giò phóng vèo vèo. Nó phải đuổi kịp đám bạn phụ lùa mấy chú cừu ăn hỗn, không thì gay.
Chả là hôm nay tới phiên nó làm nhiệm vụ canh cừu cho cả bọn mà.
Không ai biết mỗi ngày Tí Xíu đều tặng tôi một món quà.
Bên trên gốc bác gòn có một cái bộng. Đó là chỗ giấu quà bí mật.
Cuối buổi chiều, khi cả đám tíu tít bận bịu gom lại bầy cừu để lùa về, tôi luôn cố tình loanh quanh chỗ gốc cây gòn. Chỉ cần thò tay vào bộng cây là chạm ngay vào món quà Tí Xíu để sẵn. Lúc là một con thuyền ghép bằng những vỏ trái gòn khô. Lúc là con cừu đất sét có lông là những cụm bông gòn gắn chi chít. Lúc còn cả một trái xoài, hay một trái ổi chín thơm lừng.
Tôi đựng những món quà của Tí Xíu trong cái nón trắng rộng vành mình đội. Bà không biết nên cứ phàn nàn hoài: “Con nhỏ này quậy gì mà cái nón vài bữa là dơ hầy!”.
Những món quà của Tí Xíu càng làm tôi thấy nó dễ thương quá cỡ.
Sáng sáng nhóng mắt ra đồng cỏ, thấy thoáng mấy cái chấm trắng tròn trĩnh lừng lững hiện ra dưới nắng là tôi chạy tót ngay lên đồi. Đàn cừu nhà Tí Xíu lúc nào cũng ra đồng sớm nhất.
Trên lưng con cừu đực đầu đàn Tí Xíu hùng dũng ngồi, tay huơ huơ cây khèo dài như kỵ sĩ đang phi ngựa. Kỵ sĩ nhảy phóc xuống đất ngay khi thấy tôi. Chàng mỉm nụ cười mím chi, gãi đầu, gãi tai rồi nói:
“Bạn ăn khoai nướng không?”.
Nếu có điều gì làm tôi nhất định chọn Tí Xíu là Tình Đầu thì đó là: nó biết nướng khoai lang ngon cực kỳ.
Một đống lửa nhóm bằng củi, lá khô. Một cái que dài xiên lủng lẳng mấy củ khoai mập ú. Tí Xíu ngồi quay tới quay lui cái que cho khoai chín đều, trong lúc cả đám bọn tôi chồm hổm xung quanh, gõ gõ lên mấy cục gạch xếp làm bếp lò, rần rần hát:
“Quay heo đi. Quay heo đi. Heo chín thì… Ngọt mê ly!”
Câu hát ngô nghê chờn vờn trong khói.
Khói thơm nồng mùi đất, mùi cây cỏ, mùi của cả những giọt sương sớm mai trong vắt. Khói làm cái trắng bóc của Tí Xíu lúc chìa con - heo - khoai to nhất về phía tôi, cứ bảng lảng, mà ấm sực.
Ấm như vị khoai nướng trẻ con chỗ khét, chỗ sượng trân nhưng lại ngọt lịm trên đầu lưỡi. Và ấm đến nỗi những mùa hè sau nữa, lúc chỉ còn một mình trên đồng cỏ trơ mấy đám cây bụi héo rũ, lá chìm lỉm trong màu cát, tôi cứ nghe văng vẳng trong gió câu mời:
“Bạn ăn khoai nướng không?”
Dù Tí Xíu đã theo ba mẹ dọn nhà đi sau những ngày hè năm đó mất rồi.
oOo
Thế thì có gì là quá không nếu tôi gọi Tí Xíu là Tình Đầu?
Câu chuyện tôi viết về Tình Đầu Tí Xíu liệu có đúng như Sufu nói sẽ làm thiên hạ tưởng tôi đang viết truyện cười?
Vậy, nhân vật của tôi, hình tượng thật trong câu chuyện kỷ niệm mối tình đầu của tôi, rốt cuộc thì cậu ta (anh ta) là ai? Là ai đây?
Hay là tôi viết về anh chàng Cơm Tấm tôi quen hồi học Sư phạm năm hai?
Chàng, thì dạo ấy tôi gọi: Tình Yêu.
Thực lòng mà nói thì chả bao giờ tôi nghĩ sẽ có lúc gọi Cơm Tấm là Tình Yêu.
Chàng người cao dong dỏng, dáng gầy gầy, rặt đám con trai văn nom yếu xìu chung lớp tôi ngán như ngán mỡ. Trong lúc mẫu đàn ông lý tưởng của tôi: người chắc nụi, bụng sáu múi, tung hoành ngang dọc tứ phương thì chàng, độc một kiểu tạp dề trước ngực, lúi húi sau bếp lò, nướng thịt.
Vậy nên, ngay từ đầu, trong định nghĩa của tôi, chàng chỉ là anh chàng bán cơm tấm đầu con hẻm tôi ở trọ, không hơn không kém.
Dù con bạn ngày nọ phát hiện miếng sườn trong dĩa tôi lúc nào cũng nhỉnh hơn miếng nó vài phân. Dù mấy bữa xe trật sên, xì lốp tôi chưa kịp xăn tay áo thì từ đâu xuất hiện một dáng người dong dỏng, mang tạp dề.
Đó là tên con trai duy nhất tới giờ tôi gặp ra đường mà vẫn để nguyên cái tạp dề trước ngực. Cái tạp dề làm tôi lẩn như chạch mỗi lần thấy thấp thoáng xa xa.
“Mày vô duyên. Nó vừa nướng thịt vừa đi giao cơm liên tục. Chẳng lẽ cứ mặc tạp dề rồi cởi, cởi rồi mặc liên tục vậy sao? Mất công chớ!”
“Mất công còn hơn kỳ cục!”
“Ờ… Ở đó mà kỳ đi. Người tốt vậy không chịu. Mai mốt có đứa nhảy vô giật mất. Rồi ngồi đó mà tiếc, nha em”
Tôi chẳng bị lung lay gì bởi câu hù dọa ấy của con bạn đâu. Chả là thứ gì quen mắt với mình rồi mới thấy: Ừ, thì cũng không đến nỗi nào!
Chàng có mảnh khảnh, gầy gò. Nhưng dân kỹ thuật lạnh lạnh, lầm lì cũng khá đàn ông. Chàng phụ mẹ trường kỳ đứng sau lò nướng. Nhưng khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, hồng ửng sau lớp khói nghi ngút lắm lúc nhìn cũng lãng đãng, mơ màng.
Phát hiện này làm tôi mấy lần cắm muỗng, ngồi ngơ ngẩn ngó dĩa cơm.
Thì ra chút khói nướng khoai từ trong tuổi thơ len theo tôi mãi đến tận giờ. Sao tên con trai nào tôi nhìn qua màn khói cũng lung linh thế này không biết.
Tiếc là khói thịt nướng thì nhìn từ góc độ nào cũng chả thi vị bằng khói nướng khoai. Nên kẻ đứng sau nó, trầy lên trật xuống, tôi mới cho nắm được một ngón tay.
Tên con trai nào dù thuộc loại thích ngậm miệng nhất thì khi yêu cũng đều trở nên một tay bẻm mép. Nên tôi mới được một bài thơ thế này:
“Ngón hồng ướp nắng, em ướp tôiĐón đưa từ ấy chẳng xa xôiNgón hồng có biết hồn tôi lạcĐêm về mơ ngón được sánh đôi!”
Bài thơ ấy, tôi cứ tưởng là phút xuất thần duy nhất của Cơm Tấm khoái đeo tạp dề. Mà công trạng lớn nhất thuộc về tôi. Tất nhiên. Không có chất xúc tác làm cảm hứng, đến thi sĩ đại tài còn chả sáng tác được thứ gì ra hồn nữa là… Huống chi đầu óc chắc là chỉ toàn bản vẽ và thịt nướng của chàng Cơm Tấm.
Dè đâu, tôi đã ôm một cục tưởng bở thật là to.
Lượng thơ đăng báo của Cơm Tấm đủ đè bẹp gí một đứa học văn mà chả viết lách gì ra hồn như tôi.
Lật hết tờ báo này đến tờ báo nọ có rành rành đầy đủ họ tên, lẫn gương mặt cười tí tởn của Cơm Tấm ở phần giới thiệu tác giả, tôi đi từ ngạc nhiên này sang choáng váng khác. Ông lang già tốt bụng không biết tâm trạng của tôi, cứ cười khùng khục tự hào khoe thằng cháu giỏi giang ở thành phố.
Chắc ông nhầm vẻ mặt đang méo xẹo của con nhỏ ngồi trước ông là vẫn còn bị cơn đau bong gân chân hành hạ, nên chìa ra cho tôi chai thuốc rượu:
“Hay lắm! Về thoa thêm ngày hai lần. Từ rày đi đứng ngó chừng nghen cháu!”
Khổ. Tôi mà không bước hụt cái mương nước sau rẫy ngoại lần về hè này, thì đâu đã bị lôi đến gặp ông. Đâu đã tình cờ cầm lên tờ báo có ảnh cái tên sáng sáng, chiều chiều toe toét canh me tôi trước cổng trường trên thành phố.
Trái đất kể ra đúng thiệt tròn.
“Rảnh qua ông chơi. Bây học làm cô giáo dạy văn chắc đọc thơ hay. Bữa nào qua đọc giùm ông. Mắt giờ già ngó vào chữ là lèm nhèm. Muốn coi thằng Tí Xíu nó viết cái gì cũng không được… Thiệt tình!”
Lần này thì quỹ đạo vòng tròn Trái đất quả là đã hất tôi đi một cú kinh hồn!
oOo
Tin nhắn Sufu đến lúc tôi còn lăn qua lăn lại theo đúng cái kiểu mà Sufu hay nói là: ráng nướng cho chín đều trên nệm.
Vẻn vẹn ba từ ngắn ngủi: “Chiều anh về!” mà kéo hẳn lên giúp tôi cả hai mí mắt lười nhác chỉ manh nha đợi thời cơ cụp xuống.
Nắng xỏ chỉ qua khe cửa trên đầu nằm tự bao giờ. Những sợi chỉ nắng dệt trước tôi một tấm màn ánh sáng mỏng mảnh đính rõ ràng vài hạt bụi không khí li ti.
Tôi chồm dậy, mở toang cửa sổ. Tấm màn ánh sáng đột ngột mở ra thành một khoảng thênh thang, vàng rờ rỡ.
Màu vàng loang trên nền xanh ngút ngát của đồng cỏ trong bức ảnh cưới trước mặt tôi.
Màu vàng lốm đốm trộn cùng những chấm trắng tròn trĩnh của bầy cừu nhởn nhơ dạo phía xa xa.
Và màu vàng làm nụ cười chú rể Sufu của tôi sáng bừng lên, lấp la lấp lánh.
Không món tóc xoăn nào lòa xòa quanh gương mặt bầu bầu thời còn là Tình Đầu Tí Xíu. Không cả dáng người dong dỏng, gầy gầy dạo làm chàng Cơm Tấm Tạp Dề lẽo đẽo sau tôi.
Nhưng tôi biết nụ cười anh dành cho tôi là vẹn nguyên, duy nhất.
Tôi không tin có những con người từ khi sinh ra đã được sắp đặt để yêu nhau. Nhưng số phận tuyên bố là tôi sai bét qua việc chứng minh quy luật Trái đất tròn.
Tôi không tham vọng có một tình yêu lãng mạn như tiểu thuyết. Nhưng anh chàng yêu tôi quả thực có cầm tay tôi đặt lên ngực trái mình và nói thế này:
“Đừng nhớ anh là Tí Xíu, Cơm Tấm hay một người nào khác. Chỉ cần em nhớ nhịp đập trái tim anh!”
Vậy đấy. Nên tôi chẳng có gì tiếc nuối hay băn khoăn cả. Dù rốt cuộc, từ đầu đến cuối, tôi chỉ yêu đúng được mỗi một người.
Áo Trắng số 15 ra ngày 15/08/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận