Ông Nhung (trái) chăm sóc cho cha - Ảnh: S.Huyên |
Nhắc đến tên Trần Văn Nhung, người ta nhớ đến ngay biệt danh “thần mã” với sở trường là những cú dốc bóng tốc độ dọc cánh phải rồi tạt, bấm bóng chuẩn xác vào trung lộ cho trung phong hay tiền vệ lao lên kết thúc.
Cựu HLV Hồ Thanh Cang nhớ lại: “Thuở nhỏ, tôi từng chọn tiền vệ chạy cánh Trần Văn Nhung là thần tượng của mình khi được xem ông đá bóng trên sân Tao Đàn hay Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất). Ngoài những cú dốc bóng tốc độ dọc cánh phải, ông còn đáng gờm với những quả dứt điểm lợi hại vào góc hẹp. Lớn lên, khi vào tập năng khiếu ở AJS, tôi trở thành học trò ruột của ông vì cùng chơi ở biên phải. Với bất kỳ cầu thủ trẻ nào, ông cũng đều chỉ bảo tận tình, luôn giúp đỡ mọi người, tính tình hòa đồng dễ mến, đặc biệt ông không bê tha rượu chè, cờ bạc hay thuốc lá”.
Cựu danh thủ Trần Văn Nhung vừa trải qua lần tai biến thứ hai. Thật may là lần trước và lần này đều ở dạng nhẹ và được đưa đi cấp cứu kịp thời nên ông đều qua khỏi. Nhưng bệnh tình và tuổi già đã cản trở ông rất nhiều. Hằng ngày ông thường ngồi trên chiếc giường nệm cũ kỹ trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm yên tĩnh trên đường Lê Thị Riêng (quận 1) và niềm vui là những trận bóng đá trên truyền hình.
Chúng tôi đến thăm và được nghe “thần mã” kể lại cuộc đời không mấy suôn sẻ của mình. Năm 1953, sau hai năm quen nhau, ông và bà Dương Thị Tốt quyết định nên gia thất. Sống với nhau được gần hai thập niên, ông bà có được sáu người con (nay chỉ còn lại ba người). Cuối năm 1974, bà Tốt được cơ quan nơi làm việc cử đi học tại Hoa Kỳ rồi kẹt luôn ở đó sau ngày đất nước thống nhất. Một thân một mình phải tự mưu sinh trên đất khách quê người, cộng với bệnh tật và tuổi già nên bà ít khi về thăm chồng và con.
Ở lại VN, bốn cha con ông ngày ngày tự mưu sinh, đùm bọc lẫn nhau. Nhiều năm qua, “thần mã” sống chung với vợ chồng người con trai cả (cũng có tên khai sinh là Trần Văn Nhung, tự Pierre) trong ngôi nhà nhỏ ở con hẻm trên đường Lê Thị Riêng.
Ông Nhung “con” năm nay cũng đã 60 tuổi, đang làm bảo vệ cho một công ty tư nhân. Thời gian được nghỉ, ông luôn ở bên cạnh tâm sự, an ủi và chăm sóc cho cha. Thi thoảng ông lại chở cha đi cắt tóc hay dạo quanh phố phường bởi hai cơn tai biến khiến cha ông không còn đủ sức ra công viên tập thể dục sáng và chiều như thói quen của những năm trước.
Ông Nhung “con” tâm sự: “Bệnh tật, gia đình không mấy khá giả nhưng cha tôi rất lạc quan. Những lúc khỏe và tỉnh táo, ông thuật lại những chuyện xưa đúng vanh vách. Hằng tháng, ba anh em chúng tôi mỗi người một ít góp lại để lo việc thuốc thang, cơm nước hay cà phê và điểm tâm sáng cho ông. Điều khiến chúng tôi vui là ba tôi ăn được, ngủ được nên sức khỏe không quá tệ như người khác. Mỗi khi có đồng đội hay các cựu cầu thủ đàn em đến thăm, ông vui hẳn ra. Khi ấy, dường như ký ức một thời đá bóng hào hùng của ông lại có dịp tràn về khiến mọi người và chúng tôi cũng vui lây...”.
Nhìn nụ cười hiền lành của ông Nhung “con” khi lau người cho cha thấy cuộc đời thật nhẹ nhàng và đầy ý nghĩa. Và đó có lẽ cũng là điều khiến “thần mã” hạnh phúc nhất ở tuổi già bên cạnh những tấm huy chương và cúp vàng...
Ước nguyện được nhìn bóng đá VN vô địch SEA Games Hỏi ông kỷ niệm nào đáng nhớ nhất của đời cầu thủ, ánh mắt lóe sáng rồi ông hào hứng kể: “Hồi đầu những năm 1950, Nam Hoa là đội rất mạnh ở Hong Kong, vậy mà khi sang đá với AJS trên sân Tao Đàn, tụi tui “quất” họ 3-2 ngon lành. Đó là kỷ niệm vui nhất. Còn buồn nhất là chuyện cá độ, bán độ của các em cháu cầu thủ bây giờ. Riết rồi họ đánh mất lòng tin của khán giả”. “Thần mã” chia sẻ tiếp: “Cơm nước hằng ngày thì các con lo hết, chỉ mong sao bệnh tật đừng kéo tới để còn đủ sức chờ tới ngày bóng đá VN giành được HCV SEA Games. Chờ hoài mà không thấy, buồn lắm...”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận