F0 khai báo y tế, test COVID-19 ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Trong chiều 4-3, TP.HCM có văn bản cho biết thời gian gần đây, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt hiện nay chủng Omicron chiếm ưu thế. Dự báo trong thời gian tới có thể xuất hiện thêm chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, cơ sở sản xuất kinh doanh và trường học.
Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng nhận định Omicron đang "song hành" với Delta, bằng chứng là tình trạng lây lan rất nhanh.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, ngoài sự xuất hiện của chủng Omicron thông thường, tình trạng lây lan nhanh kể trên liên quan tới sự xuất hiện của biến thể phụ BA.2 của Omicron, biến thể này lây lan nhanh hơn Omicron thông thường khoảng 30%.
Theo Bộ Y tế, biến thể mới này cũng cản trở một số "vũ khí" đang được sử dụng để chống lại COVID-19 như vắc xin. Nhiều trường hợp đã tiêm đủ 3 mũi vẫn mắc bệnh, nhưng vắc xin vẫn có hiệu quả rất tốt trong ngăn ngừa tử vong và tình trạng chuyển nặng.
Trong ngày 4-3, cả nước ghi nhận 97 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong từ đầu mùa dịch đến nay là 40.644 ca. Do số ca nhiễm mới tăng mạnh nên tỉ lệ ca tử vong trên tổng số ca nhiễm ở nước ta giảm xuống còn 1% (cách đây 3 ngày tỉ lệ này chiếm 1,1%).
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TP.HCM dự báo có thể xuất hiện chuỗi lây nhiễm mới
Tại TP.HCM, với tình hình COVID-19 trên địa bàn có xu hướng gia tăng, chủng Omicron đang chiếm ưu thế, UBND TP vừa ban hành văn bản khẩn yêu cầu các cấp, các ngành quyết liệt thực hiện những biện pháp phòng chống dịch.
TP cũng dự báo trong thời gian tới có thể xuất hiện thêm chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, cơ sở sản xuất kinh doanh và trường học.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nghi nhiễm COVID-19 được phát hiện tại trường từ ngày 7-2 đến ngày 2-3 là 39.934 trường hợp, trong đó có 36.605 là học sinh và 3.329 là người lao động.
Đặc biệt, trong hai tuần qua (từ ngày 15-2 đến 2-3), số ca nghi nhiễm cao trong cơ sở giáo dục tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Trong đó các địa phương có số lượng phát hiện ca nghi nhiễm cao nhất bao gồm: quận 1, quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức, quận 12 và quận Tân Phú.
Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn - Ảnh: BỆNH VIỆN THANH NHÀN
TP.HCM: Việc dạy - học trực tiếp rất khó khăn trong bối cảnh dịch gia tăng
Ngày 4-3, tại phiên họp triển khai nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 3-2022, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng việc tổ chức dạy và học trực tiếp giai đoạn này là thử thách không nhỏ đối với TP.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP cùng với các sở, ngành, địa phương đã và đang có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất với nhà trường và phụ huynh để chủ động triển khai các giải pháp hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh khi trở lại trường học.
Một trong 10 nội dung trọng tâm mà Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi yêu cầu các sở - ngành, đơn vị, địa phương cần thực hiện trong tháng 3 là giám sát, kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn TP, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nhất là trong khu vực trường học, người có nguy cơ.
Đồng thời chuẩn bị tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi; tổ chức rà soát, đưa ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động quản lý phòng chống dịch và quản lý tại địa bàn.
Tiêm vắc xin Pfizer mũi 2 cho học sinh khối lớp 10, 11 Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
26 tỉnh thành ghi nhận từ 2.000 ca đến trên 21.000 ca
Trong ngày 4-3, ngày có số mắc mới cao nhất từ trước đến nay (trên 125.000 ca), có đến 26 tỉnh thành có từ 2.000 đến trên 21.000 ca, nhiều tỉnh thành trên 1.000 ca.
Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết so với trung bình 7 ngày trước, số ca mắc mới ngày 4-3 tăng 23,8%, số ca nặng tặng 3,7%.
So sánh tuần này với tuần trước, số ca mắc mới tăng hơn gấp đôi, số ca tử vong tăng 1,1%, số điều trị tại bệnh viện tăng 29,6%, số ca nặng, nguy kịch tăng 17,3%.
Nhân viên y tế lấy mẫu cho người dân phường 3, quận Bình Thạnh - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
Hà Nội thêm 21.396 ca F0; tăng cường hướng dẫn, tư vấn chăm sóc, điều trị tại nhà
Hà Nội cho biết ngày 4-3 ghi nhận 21.396 ca F0, trong đó có 8.870 ca tại cộng đồng; 12.526 ca đã cách ly. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Nam Từ Liêm có 1.117 ca; Mê Linh có 1.046 ca; Thanh Trì có 1.023 ca… Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29-4-2021 đến nay) là 343.618 ca.
Đến hết ngày 2-3, toàn thành phố có 641.242 ca F0 đang điều trị, trong đó có 634.109 người theo dõi cách ly tại nhà (chiếm gần 99%); 1.163 người cách ly tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố và của quận, huyện, thị xã; 5.970 người điều trị tại bệnh viện tầng 2 và tầng 3 của thành phố; 360 người điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Đến nay, tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi tại Hà Nội là 517.398 người.
Nhằm phục vụ tốt hơn công tác hướng dẫn, chăm sóc cho các F0 tại nhà, ngày 4-3, Sở Thông tin và truyền thông đã điều chỉnh các nhánh của Tổng đài 1022:
- Nhánh 1 (bấm phím 1) - kết nối tới đường dây nóng Sở Y tế Hà Nội để hỗ trợ thông tin F0;
- Nhánh 2 (bấm phím 2) - kết nối đến Mạng lưới thầy thuốc đồng hành để được tư vấn, chăm sóc F0 tại nhà;
- Nhánh 3 (bấm phím 3) sau đó chọn bấm tiếp: Phím 1 nếu có nhu cầu kết nối đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội để hỗ trợ, tư vấn về xét nghiệm và công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phím 2 kết nối đến Trung tâm cấp cứu 115 để được hỗ trợ cấp cứu và xe cấp cứu.
Các nhánh 4, 5, 6 và 7 của Tổng đài 1022 vẫn được giữ nguyên. Trong đó:
- Nhánh 4 (bấm phím 4) - kết nối đến Sở Thông tin và truyền thông để phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch COVID-19.
- Nhánh 5 (bấm phím 5) - kết nối đến Sở Lao động - thương binh và xã hội để được giải đáp về các vấn đề an sinh xã hội.
- Nhánh 6 (bấm phím 6) - kết nối đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội để yêu cầu giúp đỡ, hỗ trợ nhu yếu phẩm khi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
- Nhánh 7 (bấm phím 7) - kết nối đến Sở Thông tin và truyền thông để được hướng dẫn, hỗ trợ về thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của thành phố.
Bệnh viện điều trị COVID-19 ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Thái Bình đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho người lao động
Thái Bình đã ban hành kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 đợt 40 cho người lao động của các doanh nghiệp đã tiêm mũi 2. Những người từ 18 tuổi trở lên chưa được tiêm vắc xin COVID-19 hay đã tiêm mũi 1; người trên 50 tuổi hoặc mắc bệnh lý nền đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin AstraZeneca từ đủ 28 ngày trở lên và người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Vero Cell từ đủ 28 ngày trở lên đều được tổ chức tiêm cùng đợt này.
Đến 17h ngày 3-3, Thái Bình đã thực hiện được trên 3 triệu mũi tiêm; trong đó trên 2.800.000 mũi tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên; gần 300.000 mũi tiêm cho trẻ 12-17 tuổi; số người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin là 1.237.156, đạt 99,37%; số trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin là 146.159, đạt 97,44%.
Gần đây trung bình mỗi ngày tỉnh ghi nhận hơn 1.500 ca mắc mới. Dịch xuất hiện ở hầu hết các nhóm nguy cơ cao và cộng đồng, trong đó tập trung ở nhóm học sinh, người lao động. Ngày 3-3, Thái Bình ghi nhận số ca mắc mới tăng cao với 2.131 ca; trong đó 1.376 ca mắc mới tại cộng đồng đã xác định nguồn lây.
Khánh Hòa cảnh báo nguy cơ mắc hậu COVID-19 khi người bệnh tự điều trị không đúng cách
Sau một thời gian dài có số ca mắc thấp, gần đây số ca mắc đang tăng nhanh, tính đến ngày 3-3 toàn tỉnh ghi nhận 82.841 ca, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Số ca tử vong ghi nhận mỗi ngày cũng tăng cao, hiện đã có 318 ca tử vong.
Người dân lo lắng nên khi vừa có triệu chứng đã chủ động mua sắm vật tư y tế để tự kiểm tra tại nhà. Điều này khiến thị trường mặt hàng trên loạn giá, khan hiếm một số vật tư y tế, đặc biệt là tại thành phố Nha Trang.
Hiện ngày càng nhiều người đã khỏi bệnh có các biểu hiện của hội chứng hậu COVID-19. Theo các chuyên gia y tế, tình trạng này xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán, khiến cho sức khỏe của bệnh nhân giảm sút, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.
Số ca mắc tăng vọt, tỉnh Bình Phước chuyển thành vùng cam
Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tăng vọt, theo phân loại cấp độ dịch vào ngày 4-3, toàn tỉnh Bình Phước có nguy cơ dịch ở cấp độ 3 (vùng cam, tăng một cấp so với công bố ngày 25-2), 6 huyện nguy cơ dịch ở cấp độ 4 (vùng đỏ, tăng 6 huyện so với lần công bố trước) gồm: thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long, các huyện Lộc Ninh, Đồng Phú, Bù Đăng, Phú Riềng. Một huyện có nguy cơ dịch ở cấp độ 3 là Bù Gia Mập, những huyện còn lại ở cấp độ 2.
Khoảng 10 ngày trở lại đây, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn liên tục tăng cao với hơn 1.000 ca/ngày, hiện ở mức xấp xỉ 2.000 ca/ngày. Bình Phước vẫn tiếp tục duy trì 65 chốt kiểm soát trên dọc tuyến biên giới để vừa đảm bảo an ninh, an toàn vừa phòng, chống dịch COVID-19.
Trà Vinh bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19
Khoảng 1 tuần nay, số người mắc COVID-19 ở Trà Vinh đang tăng trở lại. Trong tuần (từ ngày 25-2 đến 3-3), tỉnh ghi nhận 832 ca COVID-19, tăng 533 ca so với tuần trước đó. Sáng 4-3, tỉnh Trà Vinh ghi nhận 313 ca COVID-19, tăng gần 200 ca so với mức bình quân mỗi ngày của tuần qua.
Ngành y tế phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3 cho người dân. Hiện người dân từ 18 tuổi trở lên ở Trà Vinh đã tiêm mũi 3 đạt trên 75%, tỉnh cố gắng đến cuối tháng 3-2022 hoàn thành tiêm mũi 3 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên.
Ngành y tế Trà Vinh có biện pháp bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19, đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho nhóm đối tượng này. Trường hợp những người này mắc COVID-19 phải được nhập viện điều trị kịp thời để giảm thiểu tỉ lệ tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận