31/03/2022 06:17 GMT+7

Tin sáng 31-3: COVID-19 để lại 203 di chứng, 52% người gặp vấn đề về trí nhớ sau khi khỏi bệnh

L.ANH - X.MAI - TTXVN
L.ANH - X.MAI - TTXVN

TTO - Đây là báo cáo của ông Nguyễn Văn Kính, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, tại hội nghị do Hội Đông y Việt Nam tổ chức ngày 30-3 về di chứng hậu COVID-19.

Tin sáng 31-3: COVID-19 để lại 203 di chứng, 52% người gặp vấn đề về trí nhớ sau khi khỏi bệnh - Ảnh 1.

Y, bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu hậu COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo ông Kính, COVID-19 để lại 203 di chứng ở nhiều người mắc, trong đó có 80% người gặp di chứng hậu COVID-19 thấy mệt mỏi, 61% có xơ phổi, 52% gặp vấn đề về trí nhớ, 45% mất ngủ, 33% tổn thương thận cấp...

Ông Kính khẳng định giới chuyên môn đánh giá trường hợp gặp di chứng hậu COVID-19 nếu rối loạn xảy ra ở bệnh nhân có tiền sử mắc COVID-19, kéo dài thông thường trong 3 tháng kể từ ngày khởi phát triệu chứng và tồn tại kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác.

Triệu chứng hậu COVID-19 bao gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức và một vài triệu chứng khác như rụng tóc, ho kéo dài, thay đổi giọng nói, đau cơ, mất vị giác hoặc rối loạn cảm giác, vị giác... có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.

Ông Kính cũng cho rằng hậu COVID-19 là bệnh lý mới nổi, chưa được hiểu biết đầy đủ. "Một số lượng lớn người lớn và trẻ em có các bệnh lý hậu COVID-19 nhưng con số chính xác thì khó để xác định" - ông Kính cho biết thêm.

Tin sáng 31-3: COVID-19 để lại 203 di chứng, 52% người gặp vấn đề về trí nhớ sau khi khỏi bệnh - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tỉ lệ tử vong/tổng ca nhiễm đã giảm 0,6% trong vòng 1 tháng

Cùng với số ca mắc COVID-19 giảm (dưới 100.000 ca/ngày), số ca bệnh nặng và tử vong cũng giảm theo. Hiện cả nước đang điều trị 3.635 ca bệnh nặng và trong ngày 30-3 có 41 ca tử vong. Tỉ lệ ca tử vong trên tổng số ca nhiễm là 0,5%.

Cách đây khoảng một tháng, số ca bệnh nặng trung bình mỗi ngày cần điều trị lên gần 4.000 ca, và ca tử vong trên dưới 100 ca/ngày. Tỉ lệ ca tử vong trên tổng ca nhiễm thời điểm đó là 1,1%.

Như vậy, có thể thấy chỉ trong vòng 1 tháng, tỉ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm của cả nước đã giảm 0,6%, xuống mức 0,5% hiện nay.

Theo thống kê Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế, tính đến chiều 30-3), TP.HCM ghi nhận thêm 984 ca bệnh COVID-19 mới, tăng 250 ca so với ngày hôm trước. So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới giảm 0,055%, số ca khỏi giảm 0,11%, số ca tử vong giảm 0,22%, số ca đang điều trị giảm 0,27%, số ca nặng giảm 1%.

Còn tại Hà Nội, trong vòng 24 giờ có thêm 8.143 ca, giảm 850 ca so với ngày hôm trước. Trong số ca đang điều trị tại bệnh viện có 222 ca phải thở oxy, 25 ca phải thở máy. So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới giảm 0,23%, số ca khỏi giảm 0,2%, số ca tử vong giảm 1%, số ca đang điều trị giảm 0,18%, số ca nặng giảm 0,27%.

Tin sáng 31-3: COVID-19 để lại 203 di chứng, 52% người gặp vấn đề về trí nhớ sau khi khỏi bệnh - Ảnh 3.

Tình nguyện viên nhập thông tin người tiêm vắc xin tại quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sau mũi 3, có thể nghiên cứu tiêm vắc xin COVID-19 dịch vụ 

Bộ Y tế và các địa phương tiếp tục triển khai bảo đảm tiến độ tiêm vắc xin COVID-19; tăng cường vận động người dân tiêm vắc xin, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở; sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên.

Trước mắt tiêm vắc xin COVID-19 miễn phí cho người dân; sau khi tiêm đủ liều bổ sung, từng bước nghiên cứu cơ chế tiêm vắc xin dịch vụ sau khi tiêm đủ 3 mũi.

Bộ Y tế cũng cho biết một số tỉnh, thành phố có số tiêm mũi 1, mũi 2 cao hơn dân số từ 18 tuổi trở lên và số tiêm mũi 2 cao hơn mũi 1 do di biến động dân cư.

Đến hết ngày 28-3, đã tiêm được cho 81% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm mũi 3; số còn lại chưa tiêm mũi 3 vì:

- Số lượng người mắc COVID-19 tăng cao, trùng với thời điểm cần tiêm mũi 3, do đó có sự trì hoãn tiêm chủng; 

- Một bộ phận người dân đã tiêm 2 liều vắc xin COVID-19 sau khi mắc COVID-19 và bình phục có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh.

Tin sáng 31-3: COVID-19 để lại 203 di chứng, 52% người gặp vấn đề về trí nhớ sau khi khỏi bệnh - Ảnh 4.

Hà Nội xét nghiệm sàng lọc ngoài cộng đồng cho người dân - Ảnh: NAM TRẦN

Sẽ xử lý nghiêm nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh

Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định.

Có biện pháp xử lý mạnh với các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, Twitter…, các nền tảng quảng cáo trên Google ads như YouTube, Coccoc, Chrome và yêu cầu chủ thể các nền tảng này thực hiện nghiêm túc pháp luật của Việt Nam về quảng cáo.

Rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm. Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.

Đề nghị Bộ Công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh thực phẩm chức năng. Có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, đặc biệt là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật.

Đề nghị Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.

Tin sáng 31-3: COVID-19 để lại 203 di chứng, 52% người gặp vấn đề về trí nhớ sau khi khỏi bệnh - Ảnh 5.

Y, bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 6, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tình hình dịch bệnh ở Hà Nội 

Hà Nội tối 30-3 thông tin vừa ghi nhận thêm 8.143 ca COVID-19 mới, giảm hơn 900 ca so với ngày 29-3. Với hơn 1,46 triệu ca COVID-19 được báo cáo, tỉ lệ nhiễm trên tổng số dân ở thủ đô khoảng 18%. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.275); Sóc Sơn (882); Hai Bà Trưng (762); Hoàng Mai (696); Nam Từ Liêm (404).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội đến nay là 1.467.254 ca. Tính đến hết ngày 29-3, Hà Nội có 212.817 bệnh nhân đang điều trị, theo dõi (giảm gần 14.000 ca), trong đó chỉ còn 1.455 người điều trị tại bệnh viện; 159 người điều trị tại cơ sở thu dung quận/huyện/thị xã; số còn lại 211.203 người theo dõi cách ly tại nhà.

Dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đã có dấu hiệu hạ nhiệt và được kiểm soát. Nếu đầu tháng 3-2022, số ca mắc gia tăng mạnh, thậm chí có ngày ghi nhận hơn 32.600 ca (ngày 8-3) - mức kỷ lục - thì nay đã hạ nhiệt còn khoảng 9.000 ca/ngày. Số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cũng giảm mạnh. Hôm qua (29-3) là ngày thứ hai liên tiếp Hà Nội không ghi nhận ca mắc COVID-19 tử vong trong nhiều tháng gần đây.

Đến nay, tổng số người tử vong do COVID-19 là 1.320 người.

Tin sáng 30-3: Đến nay Hà Nội gần 1,5 triệu ca COVID-19, cứ 5 người có 1 người nhiễm Tin sáng 30-3: Đến nay Hà Nội gần 1,5 triệu ca COVID-19, cứ 5 người có 1 người nhiễm

TTO - Đến ngày 29-3, Hà Nội ghi nhận gần 1,5 triệu ca COVID-19 từ đầu dịch, gần gấp 3 địa phương đứng thứ 2 là TP.HCM. Bình quân cứ hơn 5 người dân Hà Nội thì có 1 người mắc COVID-19, trong khi chỉ số này của cả nước là 10 người dân có 1 người mắc.

L.ANH - X.MAI - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên