21/05/2017 11:11 GMT+7

Tín hiệu vui từ những cô gái trẻ TP.HCM

TỐNG ĐỨC THUẬN
TỐNG ĐỨC THUẬN

TT - Giải đấu đã chứng kiến sự kiện chưa từng có trong lịch sử bóng bàn VN: hai đội nữ cùng một địa phương đều vào trận chung kết tối 18-5 - đội TP.HCM và đội Petrosetco TP.HCM.

Mai Tú Uyên-người góp công lớn trong việc đưa đội nữ TP.HCM vào chung kết. Ảnh: T.Đ.Thuận
Mai Tú Uyên-người góp công lớn trong việc đưa đội nữ TP.HCM vào chung kết. Ảnh: T.Đ.Thuận

Đó là các tay vợt Mai Tú Uyên (17 tuổi), Hồ Phương Uyên (18 tuổi) và Nguyễn Ngọc Yến Nhi (21 tuổi). Trên con đường đi tới trận chung kết, họ đã vượt qua những đàn chị được đánh giá cao hơn mình rất nhiều.

Sau khi Mai Xuân Hằng giải nghệ năm 2011 để định cư tại Úc, năm 2013 đội Petrosetco TP.HCM ra mắt và quy tụ các tay vợt nữ xuất sắc nhất của TP.HCM, trong đó có tay vợt nữ số 1 VN Mai Hoàng Mỹ Trang. Người hâm mộ bóng bàn TP.HCM luôn trăn trở với câu hỏi: Khi nào các tay vợt trẻ của TP.HCM sẽ lấp đầy được khoảng trống mà chị em nhà họ Mai để lại? Họ hỏi bởi những Tú Uyên, Phương Uyên lúc ấy còn là những cô bé vô danh.

Nhưng câu trả lời đã có ở nội dung đồng đội nữ Giải vô địch bóng bàn toàn quốc 2017 diễn ra tại Hải Dương ngày 18-5. Trong ba cái trên kể trên có một tay vợt của dòng họ Mai danh tiếng: Mai Tú Uyên. Cô là tay vợt có hai trận thắng quyết định ở vòng tứ kết, rồi bán kết để đưa đội nữ TP.HCM vào chung kết và giúp đội nữ TP.HCM giành được chiếc huy chương toàn quốc đầu tiên thời kỳ hậu Mỹ Trang.

Tại trận tứ kết gặp đội Bộ Công An, khi trận đấu đang là 2-2, Mai Tú Uyên phải đối đầu với Thiên Kim - tay vợt kỳ cựu trong đội tuyển quốc gia. Bị Thiên Kim dẫn trước 0-2, ván thứ 3 tiếp tục bị dẫn trước 4-8 - thời điểm mà dường như tỉ số đã an bài, Mai Tú Uyên bất ngờ vùng lên và lội ngược dòng thắng lại với tỉ số 3-2 trong sự bất ngờ của tất cả khán giả tại nhà thi đấu Hải Dương, giúp đội TP.HCM giành chiến thắng kịch tính 3-2.

Bước vào trận bán kết gặp đội Hà Nội, đối thủ được đánh giá rất mạnh và có khả năng tranh chấp ngôi vô địch với Petrosetco TP.HCM, ít ai tin các cô gái trẻ TP.HCM sẽ lại làm nên bất ngờ. Thật vậy, ngoài tay vợt dày dạn kinh nghiệm Nguyễn Thị Nga, năm nay sức mạnh của Hà Nội được tăng thêm khi được bổ sung Phạm Thu Hương, tay vợt nữ số 1 của Hà Nội T&T.

Kịch bản ở trận bán kết cũng tương tự trận tứ kết. Ở tỉ số hòa 2-2, Mai Tú Uyên bước vào trận 5 gặp tay vợt được đánh giá trên cơ là Phạm Thu Hương. Một lần nữa, Tú Uyên tiếp tục gây bất ngờ lớn khi đánh bại Thu Hương để đưa đội TP.HCM vào trận chung kết với Petrosetco TP.HCM. 17 tuổi, Mai Tú Uyên hứa hẹn trở thành tay vợt nhà họ Mai tiếp bước hai đàn chị Mai Xuân Hằng và Mai Hoàng Mỹ Trang trong tương lai.

Dù thất bại trước Petrosetco TP.HCM được đàn chị Mai Hoàng Mỹ Trang dẫn dắt (đây là danh hiệu vô địch đồng đội nữ lần thứ tư liên tiếp của Petrosetco), nhưng việc lọt vào trận chung kết đồng đội nữ của các tay vợt trẻ nói trên là tín hiệu tốt cho bóng bàn nữ VN nói chung và TP.HCM nói riêng.

Phương Uyên có “độc chiêu”

Theo đánh giá của trưởng bộ môn bóng bàn TP.HCM Từ Nhân Luân: “Trong số tay vợt trẻ của TP.HCM đang nổi lên, Hồ Phương Uyên (tập bóng bàn từ 8 tuổi, cao 1,59m) là nổi bật nhất. Khác với các tay vợt nữ thường sử dụng vợt có hai mặt láng, Phương Uyên đánh vợt có mặt phải láng nhưng mặt trái gai. Những cú trái tay với mặt gai của cô khiến bóng đi với tốc độ tuy không cao bằng mặt láng nhưng có độ chùi và quỹ đạo rất khó chịu”.

Điều này được các HLV của TP.HCM học được từ các chuyên gia mỗi khi đi tập huấn nước ngoài. Nhận thấy những cú trái tay bằng vợt mặt láng của Phương Uyên không uy lực, nên ban huấn luyện TP.HCM quyết tìm thứ vũ khí khác cho cô. Và họ quyết định rèn cho Phương Uyên đánh vợt có mặt gai (mặt trái) từ đầu năm 2017.

Ông Luân cho biết: “Để đánh thuần thục vợt mặt gai, VĐV phải kiên trì tập luyện với độ khó cũng như thời gian gần gấp đôi vợt mặt láng. Vợt mặt gai tuy không phổ biến nhưng được khá nhiều VĐV của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sử dụng. Vì vậy, đối thủ rất khó chịu và lạ lẫm khi Phương Uyên đang đôi công tốc độ bằng cú đánh thuận tay ở mặt láng (mặt phải) thì bất ngờ tung những cú đánh trái tay bằng mặt gai, khiến tốc độ bóng chậm hẳn lại và đi chìm xuống”.

Điểm đặc biệt khác của Phương Uyên là cô không hề sợ trước bất cứ đối thủ nào. Ông Luân cho biết: “Đó là lợi thế nhưng cũng là điểm yếu bởi đứng trước những điểm quyết định, Phương Uyên vẫn đánh vô tư như điểm đầu tiên mà không thể tiết chế cho phù hợp với chiến thuật. Vì vậy, cô cần phải tích lũy thêm kinh nghiệm”.

Đối với Tú Uyên (tập bóng bàn từ 6 tuổi), cô đánh đều cả hai tay với mặt vợt láng. Lợi thế của Tú Uyên là thể hình cao gần 1,7m, nên những cú trái tay của cô có quỹ đạo bóng vòng cung rất khó chịu. (T.P.)

TỐNG ĐỨC THUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên