17/03/2007 11:23 GMT+7

Tìm thấy niềm vui trong công việc

LinhThoai
LinhThoai

TTO - Có một người tài xế lái xe chạy ngang qua phòng thu phí ở chân cầu bắc ngang vịnh San Francisco. Đột nhiên, anh ta nghe thấy văng vẳng tiếng nhạc. “Tiếng nhạc phát ra từ đâu vậy nhỉ?” - Người tài xế tự hỏi. Đoạn, anh ta đưa mắt nhìn qua cửa kính của phòng thu phí, anh nhân viên ngồi bên trong đang lắc lư và nhịp chân theo điệu nhạc, miệng không ngừng huýt sáo. “Này, ông đang làm việc đấy chứ?” - Người tài xế hỏi. “Tôi đang tham dự một buổi dạ tiệc!” - Anh nhân viên nở một nụ cười hóm hỉnh, vui vẻ đáp.

“Trong đời mình, chưa có ngày nào tôi khổ sở vì công việc cả! Tất cả đều là niềm vui.”

Thomas Edison

6wkdkTWL.jpgPhóng to
TTO - Có một người tài xế lái xe chạy ngang qua phòng thu phí ở chân cầu bắc ngang vịnh San Francisco. Đột nhiên, anh ta nghe thấy văng vẳng tiếng nhạc. “Tiếng nhạc phát ra từ đâu vậy nhỉ?” - Người tài xế tự hỏi. Đoạn, anh ta đưa mắt nhìn qua cửa kính của phòng thu phí, anh nhân viên ngồi bên trong đang lắc lư và nhịp chân theo điệu nhạc, miệng không ngừng huýt sáo. “Này, ông đang làm việc đấy chứ?” - Người tài xế hỏi. “Tôi đang tham dự một buổi dạ tiệc!” - Anh nhân viên nở một nụ cười hóm hỉnh, vui vẻ đáp.

Anh nhân viên thu phí ấy quả thật là một người rất lạc quan, vui vẻ trong công việc. Không phải mọi nhân viên thu phí đều có thái độ tích cực như vậy. Rất nhiều người tỏ ra ngán ngẩm công việc hàng ngày của mình, vì lúc nào họ cũng bị giam cầm trong phòng kính chật hẹp giống như một chiếc quan tài dựng đứng, bất động. Mỗi buổi sáng, cứ đến 8 giờ 30, họ phải chui vào “chiếc hộp” đó, chết lặng trong tám tiếng đồng hồ liên tục, đến 4 giờ 30 chiều mới được “giải thoát” và lao vội về nhà. Trong suốt thời gian tám tiếng mỗi ngày đó, đầu óc họ như bị mụ mẫm vì công việc, thậm chí có người còn không có thời gian để vào nhà vệ sinh… “Tôi đang tận dụng thời gian” - Anh nhân viên thu phí thổ lộ - “Chắc chắn tôi sẽ giảm cân được nhờ những động tác lắc lư này. Anh biết đó, những người ngồi một chỗ hết ngày này qua ngày khác như chúng tôi rất dễ bị béo phì”. Đoạn, anh ta nói tiếp: “Tôi không hiểu tại sao nhiều người cứ cho rằng nghề thu phí là nhàm chán. Thật ra, công việc có thú vị hay không là tùy thuộc ở bản thân mình thôi! Này nhé! Tôi có thể vừa làm việc vừa nghe nhạc, vừa có thể chuyện phiếm với cánh tài xế. Như tôi đang nói chuyện với anh đây, cũng có nhiều điều thú vị…”.

Công việc, phải chăng đang là áp lực lớn nhất đè nặng lên chúng ta mỗi ngày? Chúng ta dành nhiều thời gian cho công ty, công sở hơn là ở nhà mình. Càng ngày, khối lượng công việc càng nhiều và chúng ta cảm thấy mình có bỏ ra bao nhiêu thời gian đi nữa cũng không đủ để giải quyết hết mọi việc. Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế, hiện nay, trung bình một người Mỹ làm việc đến 1.979 giờ/năm, nhiều hơn đến 400 giờ so với người châu Âu và 100 giờ so với người Nhật. Theo số liệu khảo sát của Viện Quốc gia về Nghiên cứu Giấc ngủ của Mỹ, 38% số người được hỏi đã trả lời rằng, họ làm việc hơn 50 giờ mỗi tuần. Còn đối với những người làm nghề quản lý hoặc lao động trí óc chuyên nghiệp, thì hầu như chẳng có lúc nào họ nghỉ cả, vì đầu óc luôn phải bận tâm về công việc cả ngày lẫn đêm.

Khi bỏ ra quá nhiều thời gian và công sức để làm việc như vậy, liệu chúng ta có cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc trong công việc không? Và khi thời gian làm việc càng nhiều thì niềm vui có tăng lên tương ứng không?

Thực ra, vấn đề không phải ở mức độ thời gian làm việc nhiều hay ít, mà điều cần quan tâm ở đây là chất lượng và hiệu quả của công việc như thế nào? Và nhất là công việc có thực sự mang lại cho bạn niềm vui, niềm hạnh phúc hay không?

Bạn không nhất thiết phải gánh vác một công việc quan trọng, lớn lao hay có được một vị trí cao tại công sở. Ngay cả những công việc giản dị, bình thường nhất như: rửa chén, lau nhà… cũng có khả năng mang lại cho bạn rất nhiều niềm vui. Chỉ cần làm công việc mình yêu thích với tất cả tấm lòng, bạn sẽ tìm được sự mãn nguyện ngay cả trong lúc đang làm việc.

Vậy, “làm với tất cả tấm lòng” có ý nghĩa như thế nào? Hãy thử một lần dồn tất cả tâm huyết, sức lực và lòng nhiệt thành vào một công việc mà bạn yêu thích, bạn sẽ tìm được câu trả lời cho chính mình. Đôi khi, chúng ta không thể cảm nhận được niềm vui trong công việc chỉ vì chúng ta làm việc với một tâm trạng bất ổn, thờ ơ, “đứng núi này trông núi nọ”. Giả sử, một giáo viên nọ trong suốt quãng đời dạy học của mình chưa hề cảm nhận được một ngày mãn nguyện với công việc. Đó không phải vì các em học sinh không ngoan, cũng không phải vì đồng lương ít ỏi, mà chính là bởi người giáo viên ấy không nhận ra được lý tưởng cao đẹp của nghề giáo. Chỉ có những người thiết tha yêu nghề, gắn bó và trải nghiệm với nghề qua nhiều năm, mới có thể cảm nhận hết được biết bao ý nghĩa cao đẹp, biết bao điều thú vị và niềm hạnh phúc mà nghề nghiệp mang lại. Một khi không tìm thấy chút ý nghĩa nào của công việc mình đang làm, chắc chắn bạn sẽ chẳng bao giờ “làm việc với tất cả tấm lòng”, sẽ chẳng bao giờ tìm thấy niềm vui trong công việc!

Tôi là một biên tập viên. Tôi có thể cảm nhận hạnh phúc của mình trong từng khoảnh khắc khi tôi tiến hành biên tập từng trang bản thảo. Tôi hiểu rằng, từng câu từng chữ mà tôi khổ công cân nhắc, chỉnh sửa sẽ đem lại cho bạn đọc rất nhiều ích lợi. Tôi tin tưởng rằng, từng trang sách được biên tập kỹ lưỡng không chỉ giúp bạn đọc vươn tới nhận thức đúng đắn, mà còn vươn tới cái tốt, cái thiện và cái đẹp… Tôi sẽ cảm thấy trống vắng, nhớ nhung, nếu như một ngày, vì lý do nào đó, mà tôi không được ngồi vào chiếc bàn làm việc quen thuộc của mình, gõ “lách cách” lên bàn phím để chỉnh sửa từng trang bản thảo. Tôi cũng sẽ cảm thấy áy náy không yên, nếu một ngày trôi qua mà thành quả công việc đạt được quá ít ỏi. Bản thân tôi lúc nào cũng muốn mình làm việc được nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa, và tôi thường ước ao rằng: tất cả những ai đang được rảnh rỗi trên thế gian này hãy xén cho tôi mỗi người một ít thời gian để tôi có thể thỏa mãn niềm say mê công việc của mình.

Thêm một cách nữa để chúng ta tìm thấy niềm vui trong công việc của mình, đó là: hãy suy nghĩ về ý nghĩa công việc của mình trong mối liên hệ với sự tồn tại và phát triển chung của cuộc sống. Dù công việc của chúng ta có nhỏ bé đến đâu đi chăng nữa thì cũng tạo ra được một ảnh hưởng, tác động nhất định đến cuộc sống chung của toàn xã hội. Công việc của những người hộ lý trong bệnh viện rất vất vả, nhưng nếu mỗi người đều ý thức được rằng mình đang góp một phần sức lực nhỏ bé để gián tiếp giúp đỡ các bệnh nhân thoát cơn hiểm nghèo, hồi phục sức khỏe; rằng công việc của mình tuy nhỏ bé nhưng rất cần thiết và quan trọng để giúp bệnh viện phục vụ bệnh nhân ngày một tốt hơn. Hay những người quét rác trên đường phố cũng vậy, công việc của họ tuy thầm lặng, giản dị nhưng vô cùng hữu ích và có ý nghĩa xã hội lớn lao. Suy nghĩ được như vậy, chắc chắn những con người ấy sẽ cảm nhận được mục đích cao đẹp trong công việc của mình, gánh nặng vất vả sẽ giảm đi rất nhiều, và họ không còn cảm giác tự ti, mặc cảm hoặc nản lòng…

Khi nghĩ về ý nghĩa công việc của mình, chúng ta chẳng những tìm thấy niềm vui trong công việc mà còn rèn luyện cho bản thân những đức tính tốt đẹp, những kỹ năng sống thiết yếu như: kiên nhẫn, hăng hái, nhiệt tình, độ lượng… Từ đó, niềm vui trong công việc mỗi ngày sẽ càng được nhân lên bội phần!

Nguồn: Hạnh phúc không khó tìm - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

530x4ZrC.jpgPhóng to
LinhThoai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên