Năm 1928, ông Hà Huy Tập sang Trung Quốc hoạt động trong tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, sau đó đi học tại Đại học Phương Đông, Liên Xô (cũ). Năm 1936, ông về nước hoạt động và giữ chức tổng bí thư. Năm 1938, ông bị Pháp bắt tại Sài Gòn. Hai năm sau, ông lại bị bắt và trước tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn, ông vẫn khẳng khái: “Nếu còn sống, tôi vẫn tiếp tục hoạt động”.
Ngày 28-8-1941, ông bị Pháp xử bắn tại Hóc Môn, Gia Định. Năm đó, Tổng bí thư Hà Huy Tập mới tròn 35 tuổi.
Phóng to |
Ông Hà Huy Tập (1906-1941) - tổng bí thư của Đảng (7-1936 - 3-1938) - Ảnh tư liệu |
Ông Hà Huy Tập sinh ngày 24-4-1906 ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Giữa năm 1926 tham gia Hội Phục Việt (sau đổi là Hội Hưng Nam, tiền thân của Tân Việt cách mạng Đảng. Cuối 1928, sang Trung Quốc hoạt động trong Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, sau đó đi học tại Đại học Phương Đông ở Liên Xô. Năm 1936, được ban chỉ huy hải ngoại của Đảng cử về nước để lập lại Trung ương cấp ủy và giữ chức tổng bí thư từ ngày 26-7-1936. Ngày 1-5-1938, ông bị quân Pháp bắt tại Sài Gòn, sau đó bị quản thúc ở quê. Ngày 30-3-1940, ông bị bắt lại và bị tuyên án 5 năm tù giam. Ngày 25-3-1941, ông bị tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn đổi thành án tử hình. Cùng bị kết án tử hình với ông còn có Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần. Ngày 28-8-1941, ông bị Pháp xử bắn tại Hóc Môn, Gia Định. |
Lần ngược lại khoảng thời gian 16 năm hoạt động cách mạng của cố Tổng bí thư Hà Huy Tập, Hóc Môn, Gia Định (TP.HCM) chính là nơi ông đã in những dấu ấn sâu đậm nhất. Nơi đây, lần đầu tiên ông đặt chân đến vào năm 21 tuổi (1927) sau khi những hoạt động tuyên truyền yêu nước trong giới học sinh, công nhân ở Trung kỳ bị lộ.
Một kỳ bộ của Việt Nam cách mạng Đảng (sau đổi thành Đảng Tân Việt, sáp nhập vào Đảng Cộng sản Đông Dương) nhanh chóng được thành lập, số đảng viên mới tăng nhanh, nhiều cuộc bãi khóa của học sinh chống chế độ giáo dục hà khắc được tổ chức. Thành công nhất là cuộc bãi công của 300 công nhân hỏa xa đang nhọc nhằn làm đoạn đường xe lửa Gò Vấp - Biên Hòa đòi tăng lương thắng lợi. Những hạt mầm cộng sản đã được ươm.
Tài liệu điều tra của nhà chức trách Sài Gòn ghi nhận “một người có dáng thấp, nhỏ, rất nhanh nhẹn, từ miền Trung vào, chuyên làm chuyện gây rối trong thanh niên và học sinh”.
Còn trong Tiểu sử tự thuật, ông Hà Huy Tập ghi lại thời kỳ này: “Trong những ngày ở Sài Gòn, tôi là bí thư của tổ chức Đảng trong vùng. Vùng này thực tế chỉ gồm vài chi bộ nhỏ và vài chục đảng viên. Vì còn thiếu kinh nghiệm trên con đường hoạt động cách mạng, tôi chưa biết làm thế nào để đạt kết quả tốt hơn, nhưng tôi cũng đã kết nạp thêm được nhiều đảng viên mới, tổ chức được nhiều lớp học chính trị do chính tôi huấn luyện...”.
Năm 1936, ông Hà Huy Tập chọn làng Tân Thới Nhứt, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định làm nơi đặt cơ quan Trung ương Đảng. Cũng chính tại Bà Điểm, ông đã được bầu làm tổng bí thư trong hội nghị cán bộ tổ chức ban chấp hành trung ương lâm thời.
Suốt hai năm, hàng trăm cuộc họp, ba lần Hội nghị ban chấp hành Trung ương Đảng đã được ông Hà Huy Tập tổ chức và chủ trì giữa những ụ rơm Bà Điểm. Hàng loạt bài báo, tác phẩm chính luận phân tích và khẳng định quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản đã được ông viết bằng bút mực, bút chì dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu thắp bởi tay những bà má vườn trầu. Những kế hoạch khôi phục tổ chức Đảng đã được bàn bạc, chỉ đạo thực hiện và thành công trong những mái nhà lá nơi đây.
Giữa năm 1938, ông đột ngột bị bắt trong một chuyến công tác. Bị trục xuất khỏi Nam kỳ, ông Hà Huy Tập về quê, phải chịu sự quản thúc gắt gao và theo dõi cẩn mật nhưng vẫn cố gắng tìm mọi cách để xây dựng cơ sở hoạt động. Thực dân Pháp chưa bao giờ quên vai trò lãnh đạo quan trọng của ông Hà Huy Tập. Hai năm sau ông lại bị bắt khi Mặt trận Bình dân không còn nắm quyền ở Pháp. Khi bị đưa ra tòa và bị kết tội “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ”, ông Hà Huy Tập vẫn ung dung: “Tôi không có gì phải hối tiếc”.
Ông bị kết án tử hình và bị đưa ra trường bắn ở ngã tư Giếng Nước, Hóc Môn, Gia Định ngày 28-8-1941. Tổng bí thư Hà Huy Tập năm ấy mới tròn 35 tuổi. Nói đến ông Hà Huy Tập trong những ngày tháng cuối đời, những người Hóc Môn nhắc đến câu nói khẳng khái trước tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn: “Nếu còn sống, tôi vẫn tiếp tục hoạt động”.
Và hôm nay, câu nhắn nhủ cuối cùng của cố Tổng bí thư Hà Huy Tập với gia đình, bè bạn dường như đã linh ứng “Nếu tôi có chết thì gia đình, bạn hữu chớ xem tôi như là người chết mà phải buồn. Trái lại, nên xem tôi như người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn... mà thôi”. Ông lại trở về sau 68 năm đi xa.
Chuyện kể về người chiến sĩ cách mạng
Nhân sự kiện ngày 1-12 lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đưa hài cốt cố Tổng bí thư Hà Huy Tập từ Hóc Môn (TP.HCM) về lại quê hương xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), PV Tuổi Trẻ trở lại vùng quê nghèo đã có công sinh thành, nuôi dưỡng người anh hùng cách mạng này. Hai bên con đường láng nhựa vào khu lưu niệm Hà Huy Tập ở thôn Hưng Thắng, xã Cẩm Hưng đã đậm không khí đón đợi di hài người con của quê hương hi sinh cách đây 68 năm ở Hóc Môn. “Tôi đi lần này là không về nữa” Ông Hà Huy Đỏ, 91 tuổi (gọi cố Tổng bí thư Hà Huy Tập là anh con dì) vui mừng nói từng lời cho chúng tôi nghe về lần được gặp Tổng bí thư Nông Đức Mạnh năm 2001: “Ông Mạnh về thăm khu lưu niệm Hà Huy Tập xong thì hỏi tôi biết những gì về anh Hà Huy Tập. Tôi thưa với ông Mạnh, tôi là hội trưởng hội phụ lão xã rồi kể chuyện đêm anh Tập về làng với bộ quần áo đen. Nơi đầu tiên anh Tập đến thăm hỏi là các cố (cụ) cao tuổi nhất trong làng. Có lần đến thăm một gia đình nghèo vừa có người qua đời, anh Tập khuyên trong thời gian để tang 50 ngày không nên liên tục để cơm trên bàn thờ mà trước mỗi bữa cơm nên xới thêm một bát. Cuối bữa, đem chia bát cơm đó cho mọi người thì ai cũng nhớ và không bị lãng phí. Mấy đêm sau đó, do mật thám đánh hơi gắt gao quá nên không thấy anh Tập ở làng nữa”. Ông Đỏ kể tiếp: “Ngày 30-3-1940 dân làng Kim Nặc bất ngờ thấy chiếc xe chở quan huyện Cẩm Xuyên Đặng Hiểu An cùng ba lính Pháp đậu trước cổng nhà dì ruột tôi là bà Nguyễn Thị Lộc (mẹ ông Hà Huy Tập). Lúc đó anh Tập đang đọc sách thì nghe một lính Pháp nói: “Ông bị bắt lại”. Anh Tập nói ngay: “Tôi biết”. Chúng sai người thợ mộc đang sửa nhà cho dì Lộc cạy cả bộ hậu sự ra để khám xét. Khi thấy bàn tay người thợ mộc do cạy hậu sự bị chảy máu, anh Tập nhìn người thợ mộc nói: “Lỗi tại tôi”. Thế rồi chúng áp giải anh đi. Hôm ấy anh mặc áo sơmi trắng cộc tay, quần soóc trắng. Trước khi ra khỏi làng, anh đưa tay vẫy dân làng: Chào bà con ở lại, tôi đi lần này chắc không về nữa đâu”. Kể đến đây, ông Đỏ lặng người, ánh mắt già nua hoe đỏ. “Phải làm được như cố Tổng bí thư Hà Huy Tập” Chúng tôi đến nhà ông Hà Huy Tữu - nguyên là chánh văn phòng Công an Nghệ - Tĩnh, người gọi cố Tổng bí thư Hà Huy Tập bằng bác. Ở tuổi 79 ông Tữu vẫn cần mẫn ngồi viết tiếp bài đăng báo về những nét đẹp truyền thống của gia đình ông Hà Huy Tập. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Tữu cho biết do cha mất khi ông Tập còn nhỏ, mẹ ốm nặng nên khi em gái ông Tập là bà Hà Thị Thước vào Nam tìm ông Tập thì ông đã bị Pháp xử tử hình. Trước đó, trong thời gian chờ hành hình, ông Hà Huy Tập bí mật gửi một lá thư tay cho em rể Nguyễn Đình Cương qua bạn tù Võ Liệt được tha. Lá thư viết bằng bút chì, có đoạn: “Cương nói với mẹ chớ có buồn rầu. Khi tôi chết rồi không cần người lập tự. Và nói với bà con họ hàng xem tôi như người đi xa chưa về”. Nhớ lại những chuyện kể về gia đình ông Hà Huy Tập, ông Tữu nhắc nhiều đến chuyện đời của bà Nguyễn Thị Lộc. Ông nói: “Cho đến bây giờ dân làng Kim Nặc vẫn truyền nhau về đức tính thủy chung, điềm đạm và lòng thương người của bà. Ngày ấy, gia đình bà Lộc cũng nghèo nhưng hễ có ai đến vay tạm bơ (lon) gạo, đồng bạc là bà Lộc cho hẳn chứ không hẹn trả lại”. Ông nội của ông Hà Huy Tập là đốc học (coi việc học trong tỉnh) Hà Huy Phẩm mỗi lần về làng là đi gặp người cao tuổi nhất trong làng, thăm và cho tiền người hoạn nạn. Ông cũng luôn dặn dò con cháu “muốn nên người thì phải chăm học dù khó khăn đến mấy”. Cố Tổng bí thư Hà Huy Tập chỉ có một người con duy nhất là bà Hà Thị Hồng, năm nay đã 71 tuổi, và một người cháu gái là bà Nguyễn Thị Kim Tiến - ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, thứ trưởng Bộ Y tế, kiêm viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, đại biểu Quốc hội khóa XII. Cuối những câu chuyện kể, ông Tữu tự hào: “Hầu hết gia đình trong họ Hà ở làng Kim Nặc đều treo di ảnh bác Hà Huy Tập. Tôi cũng đã kể chuyện này cho Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Nghe xong, ông Mạnh rất vui và nói: Đã là người họ Hà thì phải phấn đấu làm được như cố Tổng bí thư Hà Huy Tập”. |
..............
TTO - Tôi thật sự xúc động về cuộc đời hoạt động cách mạng của Cố Tổng bí thư Hà Huy Tập. Sự hoạt động của đồng chí là hình ảnh kiên cường, đấu tranh không khoan nhượng trước kẻ thù xâm lược.Tuổi trẻ và thế hệ người Viêt nam phải phấn đấu không ngừng để noi gương đồng chí.
Xin cảm tạ sự chiến đấu và hy sinh của Cố Tổng bí thư
Tôi thật cảm động về những gì mà Cố Tổng Bí Thư đã làm cho đất nước và con người Việt Nam này. Là người đi sau tôi nguyện sẽ cố gắng học tập và ra sức giúp đất nước trong khả năng của mình.
Xin gửi lời cảm ơn đến quý báo cho tôi được hiểu thêm về cố Hà Huy Tập, đã hiến dâng tuổi trẻ, công sức và tài năng của mình cho Đảng, cho nước nhà. Mong mọi người đều đóng góp một phần công sức của mình cho đất nước, cho quê hương, nhất là giới trẻ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận