![]() |
Ảnh: Flickr |
Có lẽ trong tâm thức ngàn đời của người Việt, được trở về sum họp với gia đình, quê hương của mình vào những ngày lễ, tết là niềm hạnh phúc lớn lao. Sợi dây liên kết tình cảm giữa mỗi người với quê nhà bắt nguồn từ những hình ảnh đơn sơ, kỷ niệm gần gũi nhất. Có thể đó là một món ăn, một loại cây trái dân dã, độc đáo không nơi nào có được. Đó còn là câu chuyện thời thơ bé gắn liền với đường làng, con sông, giếng nước, cây đa, mái đình... Và trên tất cả là những người thân yêu: ông bà, bố mẹ, anh em, họ hàng, thầy cô, bè bạn, xóm giềng...
Với những bạn trẻ đang du học hoặc lao động ở nước ngoài, nếu không có cơ hội về những dịp này thì mượn đỡ webcam để tâm sự cùng người thân qua mạng. Bao câu chuyện không đầu không đuôi cứ nối tiếp theo mạch cảm xúc dâng trào. Hai chữ “hồi xưa” còn ở Việt Nam... có lẽ là từ ngữ quen thuộc trong vô vàn mẩu đối thoại. Ừ, “hồi xưa” còn bé thích nhất là được thức trông nồi bánh chưng cùng mẹ. Hoặc nhớ “hồi xưa” có lần cùng lũ bạn trong xóm trèo cây ổi hái trái giữa trưa hè...
Ngoài ra, cứ trước tết khoảng nửa tháng hoặc sau tết vài ngày là lại thấy xuất hiện đều đặn những buổi gặp gỡ, giao lưu của hội đồng hương các tỉnh đang sinh sống tại những thành phố lớn trong cả nước. Chưa kể cho dù là dân thành thị chính gốc nhưng hầu như gia đình nào cũng có “dây mơ rễ má”, họ hàng thân tộc với một vùng đất nào đấy trên quê hương, không ở đồng bằng Nam bộ hoặc Bắc bộ thì cũng ở vùng cao biên giới hoặc trung du Tây nguyên.
Chỉ bấy nhiêu thôi đủ thấy cái tình quê hương có sức mạnh gắn kết con người đến dường nào.
Quê nhà luôn là động lực lớn lao thúc đẩy mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ vượt khó đi tới. Phải chăng đó là đặc trưng, tạo sự khác biệt giữa một bạn trẻ Việt Nam và phương Tây? Trong thời đại toàn cầu hóa, thế giới ngày càng phẳng ra, nhưng mối dây ràng buộc một người trẻ với gia đình, dòng tộc, với mảnh đất mình sinh ra mãi mãi là truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào!
(*): Ca từ trong bài hát Em là hoa hồng nhỏ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Áo Trắng số 3 ra ngày 15/02/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận