18/10/2012 07:48 GMT+7

Tìm mô hình cho "hiệp sĩ" đường phố

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Chiều 17-10, báo Người Lao Động đã tổ chức tọa đàm - giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tìm mô hình và thiết chế hoạt động cho hiệp sĩ đường phố”.

Tham dự có các chuyên gia pháp luật, xã hội, cộng đồng, đại diện Bộ Công an, Công an TP.HCM, thành viên CLB phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương và nhóm “hiệp sĩ” ở TP.HCM.

Các ý kiến tại tọa đàm đều thống nhất cho rằng tinh thần và việc làm của các “hiệp sĩ” đường phố hiện nay là cần thiết, được xã hội nhìn nhận, tôn vinh. Tuy nhiên, đã đến lúc các cơ quan chức năng, các nhà làm luật, cơ quan quản lý nhà nước phải ngồi lại để tính toán và đưa ra một mô hình để hoạt động của các “hiệp sĩ” được chính danh hơn, tránh rơi vào tình huống vi phạm pháp luật.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, trưởng bộ môn đô thị học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đặt vấn đề: “Hiện nay, chuyện “hiệp sĩ” đường phố đã không còn là hoạt động tự phát của một nhóm người mà đã thành một mô hình cả nước đều biết tới. Do vậy, cần có sự quản lý của Nhà nước, không thể để mặc cho các anh làm và tự đón nhận rủi ro. Thử tưởng tượng nếu hơn 60 tỉnh thành đâu đâu cũng nở rộ các nhóm “hiệp sĩ” thì chắc chắn sẽ có chuyện biến tướng. Bản thân các “hiệp sĩ” với mục đích động cơ trong sáng cũng sẽ rất khó hành hiệp vì luôn bị dư luận xã hội tạo áp lực. Và đôi khi trong quá trình làm việc nghĩa, các anh lại hồn nhiên vi phạm pháp luật mà không biết”.

Để giải quyết vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - gợi mở: “Về mặt pháp lý, hiện nay lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng bảo vệ khu phố, tổ dân phố đã là những lực lượng chính danh, có chế độ chính sách và có sự quản lý của Nhà nước. Có thể xem xét để quy hoạt động của “hiệp sĩ” về các đầu mối này. Tuy nhiên, tốt hơn hết là Bộ Công an, Bộ Nội vụ nên có sự nhìn nhận, đánh giá lại hiệu quả cũng như những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động của các nhóm “hiệp sĩ” để có thể đề xuất một mô hình phù hợp”.

Đại tá Huỳnh Ngọc Phương, phó cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Bộ Công an, khẳng định: lực lượng công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ trật tự xã hội, an ninh Tổ quốc. Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền và nghĩa vụ cùng tham gia hoạt động giữ gìn an ninh trật tự trên cơ sở phải tuân thủ đúng pháp luật.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên