![]() |
Những viên đạn đá tròn được dùng làm vũ khí thời Mạc được tìm thấy ở khu vực Nà Lữ (Cao Bằng) ngày nay |
Hội thảo “Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam” (ngày 21-9) được tổ chức ngay tại kinh thành Thăng Long xưa “nơi tháng sáu, mùa hạ năm 1527 Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai (Hải Phòng) về Kinh sư trong không khí chào đón của thần dân” (trích Đại Việt sử ký toàn thư).
Từ những trầm tích của hàng trăm năm cũ, các nhà khoa học đã cố gắng có cái nhìn công minh và khoa học về công - tội của một Vương triều gây khá nhiều tranh cãi trong lịch sử này.
Hoang phế của “ngụy triều”!
Có lẽ lịch sử đã bất công với nhà Mạc khi hầu hết những tư liệu về vương triều này quá ít ỏi và không rõ ràng. Cái tiếng “ngụy triều” (chỉ nhà Mạc) phủ bóng xuống tư duy của các sử gia phong kiến quá vững chắc và kiên cố. Điều đó góp phần làm cho các di tích nhà Mạc đã bị tàn phá lại càng hoang phế hơn.
Đặc biệt, nhưng tư liệu về kinh đô đầu tiên của nhà Mạc cũng là kinh đô hướng biển duy nhất của Việt Nam là Dương Kinh (Hải Phòng) để lại quá nhiều khoảng trống.
![]() |
Gốm thời Mạc |
Dù trong vòng vài chục năm nay, dù cái nhìn đối với nhà Mạc ít nhiều đã công bằng hơn thì việc tiến hành khảo cổ vẫn ì ạch và chậm chạp. Năm 2004, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành khai quật ở diện tích 450 m2 tại ba địa điểm gò Gạo, gò chữ Công và gò Quan Thiệu.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Văn Chất cho thấy những hiện vật tìm thấy khiến các nhà khoa học bất ngờ về tầm vóc và quy mô của các công trình kiến trúc từng được nhắc đến trong Biên niên sử như Phúc Ý, Tường Quang, Hưng Quốc.
Ngoài Dương Kinh và Thăng Long, giai đoạn sau 1592, nhà Mạc dời đô lên Cao Bằng. Những dấu tích trong giai đoạn lụi tàn của một vương triều gần như mất dấu sau lớp bụi thời gian.
Khảo sát của Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải (ĐH Sư phạm Thái Nguyên) cho thấy toàn bộ thành Nà Lữ thuộc khu kinh đô của nhà Mạc rộng hơn 37 ha với những thành lũy được đắp bằng đá khối đã bị phá hủy hoàn toàn.
Lịch sử lại một lần nữa trớ trêu đối với nhà Mạc khi chỉ có duy nhất đền thờ vua Lê tồn tại trong đồng đổ nát của kinh thành cũ.
Dù vậy, nghiên cứu về những vết tích còn sót lại như kho vũ khí bằng đạn đá, các dấu tích thành lũy được đắp bằng đất kết hợp với các nghiên cứu về hát Then của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Cao Bằng cho thấy sức ảnh hưởng và dấu ấn của nhà Mạc đối với vùng đất này, đặc biệt là sự giao thoa văn hóa Tày - Kinh.
Nghệ thuật trong một thời đại tự do ngắn ngủi
Đã từng có một phong cách mỹ thuật Mạc cởi mở, tự do, phóng khoáng… nhưng ngắn ngủi. Phong cách đó khác với các triều đại trước và sau Mạc, nhưng vẫn giữ được truyền thống trên cơ sở tầng văn hóa Đại Việt có sức sống nghìn năm trước đó. Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Phạm Quốc Quân (Bảo tàng Lịch sử VN) đưa ra thông qua quá trình khảo sát các dấu vết gốm còn sót lại từ thời Mạc.
![]() |
Gốm thời Mạc |
Các sản phẩm gốm với minh văn được ghi tên tác giả, niên hiệu dường như chỉ tìm thấy trên gốm Mạc. Đặc biệt, vào thời Mạc đã từng tồn tại một loại gốm men vô cùng quý hiếm là men đa sắc kết hợp ba màu xanh lục, trắng, nâu được phủ trên các họa tiết đắp nổi, không theo quy luật.
Nhà nghiên cứu Phạm Quốc Quân đánh giá loại gốm này đã đánh dấu sự táo bạo, hiện đại của nghệ thuật hội họa thời kỳ đó. Sự táo bạo đó không tìm thấy ở các triều đại trước của Việt Nam lẫn Trung Quốc.
Nhắc tới nghệ thuật triều đại Mạc không thể không nhắc tới ngôi đình làng mà dấu tích tiêu biểu còn sót lại là đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang) dựng năm 1576 và đình Tây Đằng (Hà Nội). Theo PGS.TS Tống Trung Tín (Viện khảo cổ), dù thời gian xuất hiện ngôi đình làng còn là điều phải tranh cãi nhưng chắc chắn thời Mạc đã có đình làng. Thậm chí, vào thời Mạc, đình làng mới được coi là một trung tâm chính trị, hành chính của làng xã Việt Nam.
Tìm hiểu những bức tượng còn sót lại tại đình Tây Đằng (Hà Nội), GS.TS Phan Đăng Nhật đã gọi những hình ảnh trên các pho tượng thời Mạc thể hiện sự “bừng tỉnh” sau một thời gian dài bị kìm hãm. Đó là những pho tượng khắc hình nam nữ tình tự, cảnh đi thuyền, gánh con…
Thời Mạc cũng là giai đoạn các loại hình văn hóa dân gian như chèo, dân ca, tạp kỹ được cởi trói. Dù vậy, cuộc cởi trói và bừng lên chỉ tồn tại 65 năm ở đồng bằng và 90 năm ở miền núi.
Sau khi giành lại chính quyền, Lê Trịnh lại tiến hành chính sách cấm đoán như thời Lê Sơ trước đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận