Phóng to |
Khu mộ Tôn Quyền rợp bóng hoa đào |
Dựa vào những sự kiện lịch sử, những câu chuyện, những tác phẩm có trước, bằng tài năng sáng tạo của mình, La Quán Trung đã biến bộ sách thành một sản phẩm tinh hoa trong tâm hồn người Trung Quốc.
Ngược dòng lịch sử, sau những chính sách khắc nghiệt, đi ngược lại lòng dân của Tần Thủy Hoàng; Lưu Bang, theo truyền thuyết, đã chém rắn khởi sự nhà Hán. Nhà Hán đã trải qua rất nhiều thăng trầm qua các biến cố lịch sử. Đến khoảng thế kỷ thứ III, Trung Quốc chia làm ba nước: nước Thục của Lưu Bị, nước Ngô của Tôn Quyền và nước Ngụy của Tào Tháo. Đó là thời Tam Quốc, kéo dài từ năm 220 đến năm 280. Mang danh nghĩa khôi phục nhà Hán, ba nước này đã hỗn chiến qua hơn sáu thập niên với ý đồ thống nhất Bắc - Nam.
Nước Thục nay
Phóng to | |
Thành Đô hôm nay | Nam Kinh |
Chúng tôi cũng làm như nhà “tiên thơ” Lý Bạch từng làm: viếng Thành Đô, thăm đền Vũ Hầu. Người điều hành công ty du lịch địa phương, với vẻ mặt nửa đùa nửa nghiêm túc, hỏi chúng tôi muốn tham quan đền Vũ Hầu nào. Sau này mới biết, Khổng Minh Gia Cát Lượng được đông đảo nhân dân yêu quý và kính trọng nên chỉ riêng tỉnh Tứ Xuyên đã có đến 40 đền thờ Khổng Minh. Nếu tính thêm Vân Nam và Quý Châu, thì con số lên đến hơn 90 đền. Khổng Minh xứng đáng dược mọi người quý trọng như vậy, ông là một thừa tướng thanh liêm, tài trí của nước Thục xưa. Ông cương quyết hạn chế việc bóc lột dân chúng và rất cổ vũ sản xuất...
Đền được gọi là Vũ Hầu vì lúc còn sống, Khổng Minh được phong Vũ Hương Hầu và sau khi chết, ông được phong làm Trung Vũ Hầu. Đền Vũ Hầu chúng tôi muốn đến chính là “Hán Chiêu Liệt Miếu” hay Huệ Lăng (mộ của Lưu Bị). Nghe đâu, trước đây, đền Vũ Hầu và Huệ Lăng nằm riêng biệt. Đến thời nhà Minh, vua Chu Xuân (con thứ 11 của Thái tử Chu Nguyên Chương) đã “mời” Khổng Minh vào phía Đông của Chiêu Liệt Miếu (phía Tây dành cho Quan Vân Trường và Trương Phi, em kết nghĩa của Luu Bị) nhưng người dân vốn quen gọi đền này là Vũ Hầu. Chúng tôi đã tham bái tượng của Lưu Bị và Khổng Minh mà không khỏi miên man suy nghĩ về họ.
Theo lời tiên đoán trước đây của Tư Mã Huy, cả Lưu Bị và Khổng Minh đều không gặp thời vận tốt. Đúng như lời tiên đoán, họ không được cơ đồ hay giang sơn thống nhất, nhưng bù lại đã được lòng nguời. Bằng chứng là sau đó 18 thế kỷ, vẫn có rất nhiều người, nhiều du khách như chúng tôi ngậm ngùi tham bái cho đấng minh quân và vị trung thần.
Rời nước Thục “nhân hòa” chúng tôi đến nước Ngô của Tôn Quyền, nơi được Khổng Minh đánh giá là “địa lợi” trong thế chân vạc bình thiên hạ vào một ngày xuân.
Đông Ngô - địa lợi
Trời vẫn còn se lạnh trong tiết tháng tư, hoa nở rất nhiều hai bên đường. Ấn tượng đầu tiên về một Giang Đông xưa rất đẹp, không phồn hoa như Bắc Kinh, không hối hả như Thượng Hải, Nam Kinh mà có những khoảng xanh cần thiết, có hồ Huyền Vũ, có dãy núi Tử Kim phía sau và có dòng Dương Tử chảy qua. Ngày xưa, lo sợ phong thủy tốt ở đây sẽ sinh họa sau này, Tần Thủy Hồng cho đào một con sông nhỏ chảy qua thành phố để trừ hậu họa. Con sông về sau được đặt tên là Tần Hoàng.
Phóng to | |
Thuyền của Đông Ngô | Hồ Huyền Vũ |
Chúng tôi dành một buổi sáng đi viếng mộ Tôn Quyền, mộ nằm trên đồi có hoa đào nở hồng cả lối đi. Tôn Quyền xưng vương và dựng nước Đông Ngô năm 221, sau đó ông cho dời đô về Nam Kinh. Ngày nay du khách có thể tham quan khu di tích cổ thành nằm giữa hồ Huyền Vũ và sông Tần Hoàng. Có lẽ Tôn Quyền cũng vui lòng nơi chín suối khi thấy con cháu của ông đã làm dược nhiều kì tích cho nước Ngô xưa. Kỳ tích lớn nhất là chiếc cầu đầu tiên bắc qua sông Dương Tử do Trung Quốc xây năm 1968, một công trình được đánh giá không thể thực hiện được vào thời dó.
Đứng trên chiếc cầu vững chãi nhìn xuống dòng Trường Giang cuộn chảy, đỏ ngầu phù sa như dòng Cửu Long mà chạnh xót xa khi nhớ vế những chiếc cầu quá cũ kỹ ở quê mình. Chúng tôi tranh thủ thời gian ít ỏi còn lại để tham quan Triển lãm Quy hoạch thành phố Nam Kinh năm 2010. Sự bài bản ngay từ trong cách thể hiện, với tượng của Tôn Quyền như một người khai quốc được đặt kính cẩn ở gian đầu tiên của triển lãm. Lịch sử của thành phố như dần tái hiện, những viên ngói, giếng nước, những mái nhà xưa… Phần cuối của triển lãm, mô hình của thành phố Nam Kinh năm 2010 hiện ra thật diễm lệ bên dòng Dương Tử.
Còn ai nhớ về nước Ngụy
Phóng to | |
Thủy trại của Tào Tháo được tái hiện trong phim trường | Toàn cảnh phim trường Tam Quốc |
Nước Ngụy của Tào Tháo nằm ở phía Bắc, xung quanh sông Hoàng Hà. Tào Tháo bị nhiều người ghét vì sự gian hùng và tính đa nghi nhưng thật ra đấy là một nhân vật xuất sắc. Ông là người thao lược, giỏi cả văn lẫn võ. Theo Tam Quốc Diễn nghĩa, ông luôn là một nhân vật phản diện. Người Trung Quốc cũng không thích nhân vật này, nhiều người cản chúng tôi khi nghe ý định tìm những gì còn lại của nước Ngụy xưa. Họ nói, không có người Trung Quốc nào lập đền hay tưởng nhớ đến Tào Tháo đâu, tìm chi cho vô ích. Ngay cả mộ của mình, Tào Tháo phải giấu thật kỹ để tránh người đời sau ganh ghét đập phá.
Chúng tôi đến Lạc Dương, Trịnh Châu (thuộc tỉnh Hà Nam), Tây An (tỉnh Thiểm Tây), những gì liên quan đến nước Ngụy xưa còn lại quá ít. Đành chuyển hướng tìm lại nước Ngụy trong phim trường, tuy trong lòng vẫn ấm ức, mong có ngày quay lại tìm những di tích của nước Ngụy kỹ hơn.
Đến Vô Tích (tỉnh Giang Tô) để tìm đếnn phim trường Tam Quốc Chí, nơi đây được gọi là Tam Quốc Thành vì phim trường rộng đến 35 hecta giống như một thành phố đời Hán, xây dựng năm 1993. Sau khi mua vé vào cửa và vé xe điện, khách được chở thẳng vào thủy trại của Tào Tháo. Những nhà trại hai tầng thật đẹp được thiết kế bằng gỗ dọc mé nước của Thái Hồ làm người xem liên tưởng đến câu khen ngợi của Chu Du khi nhìn trộm thủy trại này trước trận Xích Bích: “Thật là đạt mức tuyệt diệu của quân thủy!”.
Tại đây khách được ngồi thuyền của Đông Ngô để có thể nhìn toàn cảnh nơi diễn ra trận Xích Bích đầy gió lửa trong phim. Nhờ kế hỏa công mà Chu Du đã phá hơn tám mươi vạn quân của Tào Tháo. Và có lẽ con cháu chúng ta sau này cũng sẽ tìm thấy Xích Bích ở những nơi tương tự như ở đây thôi, bởi Xích Bích thật đã không còn được ai nghĩ đến khi mà công trình thủy điện Tam Hiệp (hoàn thành năm 2009) sẽ nhận chìm Xích Bích trong biển nước mênh mông.
Sau hơn 60 năm tranh giành đẫm máu, kẻ chiến thắng cuối cùng không phải là Thục, Ngô hay Ngụy mà làTư Mã Viêm. Tư Mã Viêm con của Tư Mã Ý, tướng tài của nước Ngụy chiến thắng, lập ra nhà Tây Tấn. Dù có cố gắng tìm, chúng tôi vẫn không thấy bằng chứng người đời sau thờ ông ta. Hình ảnh anh em kết nghĩa Lưu Bị - Quan Vũ - Trương Phi, Khổng Minh, Từ Nguyên Trực... vẫn sống mãi trong suy nghĩ của người Trung Quốc. Thiển nghĩ, đối với người làm tướng, phẩm chất con người là bất tử. Đừng vì lợi ích trước mắt mà hại dân hại bán nước, lịch sử sẽ luôn là người phán xét công minh nhất. Đúng như Ferdowsi nói trong Sử thi của các đấng quân vương: Người tốt kẻ xấu đều không thể sống mãi; đẹp đẽ nhất là để lại những việc tốt cho đời ghi nhớ.
Xin mượn lời của dịch giả Bùi Kỷ trong Tam Quốc Chí để thay cho lời kết:
Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông,Sóng dập dồn đãi hết anh hùng,Được thua, phải trái, thoắt thành không.Non sông nguyên vẻ cũ,Mấy độ bóng tàn hồng,Bạn bạc đầu ngư tiều trên bến,Mảng trăng thanh gió mát vui chơi.Gặp nhau hồ rượu đầy vơi,Xưa nay bao nhiêu việc phó mặc cuộc nói cười.
(Tam Quốc Chí - Trần Thọ)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận