15/03/2014 10:22 GMT+7

Tìm kiếm người vắng mặt, mất tích: Luật còn nhiều bất cập

Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM
Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM

TT - Đối với những trường hợp mất tích có dấu hiệu của tội phạm (như bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, giết người, vô ý làm chết người, hiếp dâm, mua bán người, chiếm đoạt trẻ em...) thì có không ít văn bản pháp luật như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, pháp lệnh tổ chức về điều tra hình sự... đề cập khá cụ thể.

Theo đó, công dân có thể tố giác tội phạm với cơ quan tiến hành tố tụng hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác. Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho cơ quan điều tra bằng văn bản. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trong thời hạn từ 20 ngày đến hai tháng (nếu sự việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm), kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước phải được gửi viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết. Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Công an phường, xã tiếp nhận, thẩm tra, xác minh, phân loại để có biện pháp xử lý thích hợp. Nếu hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, người biết việc, tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường (nếu có), thu giữ, bảo quản hiện vật, phương tiện vi phạm theo quy định của pháp luật và báo ngay cơ quan công an cấp trên để có biện pháp xử lý kịp thời.

Hành lang pháp lý là như vậy nhưng thực tế tìm kiếm, xử lý các vụ việc mất tích có dấu hiệu tội phạm không hề đơn giản, thành công cũng nhiều mà thất bại cũng không ít vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan, khách quan, chưa kể cái tâm, cái tầm, sự tích cực hay tiêu cực của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền trong việc tìm kiếm, xử lý vụ việc, sự bất cập về pháp luật...

Trong khi đó, việc tìm kiếm người vắng mặt, mất tích mà chưa hoặc không có dấu hiệu tội phạm càng khó hơn gấp nhiều lần bởi yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là hành lang pháp lý cho vấn đề này dường như không có. Về mặt pháp lý, chưa thấy có tổ chức nào có chức năng, nhiệm vụ tìm kiếm các vụ việc này, điều kiện, trình tự, thủ tục để được tìm kiếm những vụ việc này ra sao. Do đó, những người có nhu cầu tìm kiếm rất lúng túng, không biết nhờ vào người nào, cơ quan nào là đúng pháp luật, chuyên nghiệp và có nhiều khả năng đưa lại hiệu quả. Thực tế cho thấy gia đình thường báo tin cho công an để nhờ tìm kiếm, giải quyết. Tuy nhiên, về pháp lý thì việc quy kết trách nhiệm không có. Một cách khác cũng thường được nhiều người sử dụng là đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng việc làm này có tính chất thông báo tìm kiếm, chờ đợi, thụ động, phụ thuộc vào yếu tố may mắn là chính, chứ không đảm bảo tính chất tìm kiếm chuyên nghiệp. Ở một số nước khác, đối với những trường hợp vắng mặt, mất tích mà chưa hoặc không có dấu hiệu của tội phạm thì cảnh sát cũng tiếp nhận, xử lý và dĩ nhiên có kèm theo những điều kiện luật định. Bên cạnh đó, tổ chức thám tử tư hoặc các tổ chức có chức năng tìm kiếm các trường hợp này cũng được đảm nhận căn cứ vào sự cho phép của pháp luật.

Với nhu cầu và thực trạng về việc tìm kiếm người vắng mặt, mất tích chưa có hoặc không có dấu hiệu tội phạm hiện nay và sắp tới, thiết nghĩ Nhà nước ta nên sớm thành lập các tổ chức có chức năng tìm kiếm chuyên nghiệp đối với các trường hợp này với hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để khắc phục những khoảng trống pháp lý về vấn đề này.

Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên