03/06/2013 10:12 GMT+7

Tiêu tiền kiểu ấy, nên không?

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Có tới cả nghìn đại biểu được triệu tập về dự hội nghị “Tập huấn cán bộ quản lý, báo cáo viên cốt cán triển khai thực hiện thông tư số 08/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định chuẩn nghiệp vụ sư phạm giáo viên trung cấp chuyên nghiệp” theo kế hoạch do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển ký.

Chi 115.000 USD để... tập huấn thông tư

Điều khiến cán bộ trong ngành băn khoăn là vì sao lại phải tập huấn khi mục tiêu chỉ để phổ biến một thông tư hướng dẫn, một văn bản không có gì khó hiểu và bộ hoàn toàn có thể thực hiện thông qua hình thức trực tuyến? Cái mất không chỉ là 115.000 USD kinh phí tổ chức, chưa kể tiền đi lại, lưu trú theo chế độ nhà nước mà còn là nỗi vất vả của cả nghìn cán bộ chủ chốt ở các trường, hàng trăm cán bộ phục vụ khác phải lặn lội tàu xe giữa những ngày hè nóng bỏng.

Người ta đã nhiều lần nghe Bộ GD-ĐT kêu ca về chuyện thiếu kinh phí, đời sống giáo viên khó khăn, chế độ lương, phụ cấp ít ỏi. Sự thiếu thốn ấy còn hiện diện rõ nét hơn trên gương mặt khắc khổ của những giáo viên hợp đồng phấp phỏng chờ biên chế, những lớp học sơ sài trên những vùng cao heo hút gió.

Thế nhưng cũng chính ngành giáo dục lại là chỗ chi tiền mạnh mẽ và “hồn nhiên” nhất. Người ta đã chứng kiến các chương trình chi cho thiết bị giáo dục cả nghìn tỉ đồng với quyết tâm đem thí nghiệm, thực hành phủ kín các bậc học. Để rồi nhiều nơi thiết bị phơi sương, phơi gió vì chỉ chăm chăm mua máy móc mà quên kinh phí xây phòng chứa; có nơi năm học đã kết thúc, học sinh đã chia tay mùa hè rực màu hoa phượng mà thiết bị vẫn chưa đến tay người học vì thủ tục đấu thầu. Ở bậc ĐH, những năm 1990 ngân sách chắc chắn khó hơn bây giờ, thế mà ngành giáo dục đã có dự án cả trăm triệu USD cho đổi mới, nâng cao chất lượng hai đại học quốc gia. Cơ chế tốt, kinh phí không thiếu, nhưng những gì các đại học “đầu bảng” này đóng góp cho giáo dục đất nước thì còn xa mới đáp ứng kỳ vọng. VN chưa có đại học lọt vào top 1.000 trên thế giới, thậm chí Đại học Quốc gia Hà Nội lại lình xình với những chương trình liên kết kém chất lượng, thu tiền cao, “ưu tiên” các đối tác ngoại không có tên tuổi...

Trước đó không lâu, ngày 5-3-2013, chính Bộ GD-ĐT đã ban hành một văn bản thông báo kết luận của Thứ trưởng Trần Quang Quý khẳng định ưu tiên tổ chức hội nghị trực tuyến để tránh lãng phí, chỉ triệu tập về tập huấn khi cần đánh giá kết quả thực hành. Văn bản nêu rõ: “Việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn qua mạng sẽ hạn chế đi lại, giảm chi phí sinh hoạt, thời gian lưu trú của cán bộ công chức, viên chức các địa phương trong thời gian tổ chức, tiết kiệm ngân sách nhà nước...”. Thứ trưởng Quý cũng khẳng định: “Đây là một quyết tâm lớn của bộ, sự chỉ đạo kiên quyết của bộ trưởng trong việc tiếp tục đổi mới trong chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng quản lý nhà nước”.

Chẳng biết quyết tâm của bộ lớn nhường nào, sự chỉ đạo của bộ trưởng kiên quyết đến đâu, chỉ biết lại thêm một hội nghị lớn được triển khai, cán bộ được triệu tập về tập trung chỉ để nắm bắt nội dung một thông tư hướng dẫn. Rõ ràng bên cạnh nỗi lo thiếu kinh phí, ngành giáo dục còn một nỗi lo lớn hơn: sử dụng kinh phí ấy vào đâu cho đúng chỗ và có trách nhiệm.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên