02/02/2020 16:29 GMT+7

Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản

TTO - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 214-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: TTXVN

Theo quy định được ban hành ngày 2-1-2020, các chức danh đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Theo đó, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải là tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác. Có ý thức, trách nhiệm cao, kiến thức toàn diện; tích cực tham gia thảo luận, đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương. 

Có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công quản lý, phụ trách. Có năng lực dự báo, xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, bất ngờ; có khả năng làm việc độc lập.

Có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp và tương đương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; không bị chi phối bởi sự can thiệp, sức ép bên ngoài và lợi ích nhóm. 

Hiểu biết sâu rộng tình hình đất nước, khu vực và thế giới; nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, am hiểu sâu sắc về xã hội. Có ý thức, trách nhiệm cao, có khả năng đóng góp ý kiến trong việc hoạch định đường lối, chính sách và phát hiện, đề xuất những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thảo luận, quyết định. 

Là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ; chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương. Trường hợp Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong quân đội thì phải kinh qua chức vụ chủ trì cấp quân khu.

Theo quy định, chức danh Tổng Bí thư ngoài bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cần có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". 

Tổng Bí thư phải là người tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước…

Có bản lĩnh chính trị, tư duy nhạy bén, năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất và quyết đoán; bình tĩnh, sáng suốt trước những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc. Có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm, cán bộ chủ chốt. 

Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Chủ tịch nước, ngoài bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cần có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân. 

Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp. Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. 

Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Thủ tướng Chính phủ, ngoài bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cần có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân. 

Có năng lực nổi trội toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; tư duy nhạy bén, năng động, quyết đoán, quyết liệt, quyết định kịp thời những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến lĩnh vực hành pháp. Hiểu biết sâu, rộng nền hành chính quốc gia, kinh tế - xã hội đất nước; kinh tế, chính trị thế giới và hội nhập quốc tế. 

Có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành cơ quan hành chính nhà nước và hệ thống chính trị. Có năng lực cụ thể hoá và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. 

Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Chủ tịch Quốc hội, ngoài bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng, trong Quốc hội và nhân dân. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. 

Có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và trong việc chỉ đạo thể chế hoá đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và bảo đảm mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. 

Hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế. Có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Quy định số 214-QĐ/TW cũng đưa ra tiêu chuẩn đối với các chức danh: Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban đảng Trung ương, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ...

Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng

TTO - Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 28-12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh năm 2018 chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có thể nói là toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên