14/05/2010 17:48 GMT+7

Tiếp tục tư vấn những bất thường ở ngực

TTO thực hiện
TTO thực hiện

TTO - Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Hồng Hạnh - phó khoa ngoại 4 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - tiếp tục tư vấn những vấn đề liên quan đến bất thường ở ngực mà bạn đọc TTO quan tâm.

14 câu tư vấn đầu tiên về những bất thường ở ngực

9GHaHtxb.jpgPhóng to
Ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị đúng mức hoàn toàn có thể chữa khỏi

1. Uống thuốc đông dược có trị dứt ung thư vú?

Tôi có người quen bị ung thư vú, đi khám bác sĩ yêu cầu phẫu thuật nhưng sợ mổ sẽ chết nhanh hơn nên không mổ, chỉ uống thuốc đông dược, uống khoảng 3 tháng lại tăng cân 4 - 5 kg. Xin hỏi BS vậy uống thuốc đông dược có trị dứt bệnh ung thư vú không và có tăng cân như vậy không? (Letan)

- Cho đến nay vẫn chưa có công trình khoa học nào chứng minh được thuốc đông dược cũng như các loại thuốc bắc, thuốc nam khác có thể chữa dứt được ung thư vú. Trong khi các phương tiện hiện đại cũng như các phương pháp điều trị ung thư vú áp dụng tại bệnh viện ung bướu cũng như mọi nơi khác trên thế giới đã được kiểm chứng rõ rệt qua rất nhiều công trình nghiên cứu và mang lại hiệu quả cao nhất.

Ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị đúng mức hoàn toàn có thể chữa khỏi chứ không phải mổ sẽ chết nhanh hơn không mổ như chị nghĩ đâu.

Tôi rất mong được giới thiệu chị gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm về điều trị ung thư vú với rất nhiều bệnh nhân đã được điều trị ở bệnh viện ung bướu từ rất lâu và cho đến giờ vẫn sống rất vui khỏe và hạnh phúc.

Đa số thuốc đông dược đều có pha corticoid, là 1 loại thuốc gây giữ nước và thèm ăn, nên gây ra tăng cân nếu dùng trong thời gian dài. Đây là tình trạng tăng cân bệnh lý chứ không phải là dấu hiệu phục hồi về sức khỏe. Ngoài ra còn gây ra nhiều tác dụng phụ đáng ngại khác và có thể đe dọa đến tính mạng.

Rất nhiều trường hợp điều trị bằng thuốc đông dược, thuốc nam, thuốc bắc, đặc biệt là đắp thuốc lên bướu, chỉ sau một thời gian ngắn khi quay lại bệnh viện ung bướu giai đoạn bệnh bị đẩy lên từ giai đoạn sớm sang giai đoạn muộn hơn rất nhiều và có khi không còn điều trị được nữa.

Chị nên suy nghĩ lại, lạc quan hơn và tiếp xúc với chúng tôi để được hướng dẫn điều trị tốt nhất.

2. Ngứa ở ngực là triệu chứng gì?

Mấy ngày gần đây, 2 đầu ngực của em bị ngứa, không có hiện tượng máu hay mủ. Em đã siêu âm ngực, kết quả bình thường. Vậy có phải nguyên nhân dẫn đến ngứa là do em bị mề đay không? Em có tiền sử bị mề đay. (Mèo con)

Ngứa ở vú, nếu chỉ xảy ra đơn độc, thường không có gì để lo lắng, cụ thể là biểu hiện của khô da, kích ứng da và dị ứng như trường hợp của em.

Trong một số trường hợp hiếm gặp và phải đi kèm nhiều triệu chứng khác, ngứa vú có thể là triệu chứng của ung thư vú. Ung thư vú dạng viêm và bệnh Paget vú là 2 loại ung thư vú có thể gây ra ngứa ở vú. Ung thư vú dạng viêm thường kết hợp với các triệu chứng khác như sưng vú, đỏ da, co rút da, đau và đa số diễn tiến nhanh. Bệnh Paget thường kèm theo mảng ngứa ở núm vú.

Nếu em chỉ bị ngứa thôi và đã đi gặp bác sĩ chuyên khoa, tôi nghĩ chỉ cần theo dõi và tái khám định kỳ. Khi có thêm các dấu hiệu bất thường khác, em nên đến khám ở cơ sở chuyên khoa.

3. Làm thế nào để tránh tái phát sau phẫu thuật u sợi bọc tuyến vú?

Cách đây 2 năm tôi đã phẫu thuật u lành với chẩn đoán của bác sĩ là u sợi bọc tuyến vú. Xin hỏi bệnh này có nguy hiểm không? Có tái phát không? Có nguy cơ biến chứng thành ung thư không? Làm thế nào để tránh tái phát? (Mai Nga)

4. Cháu đi siêu âm và thấy cục gì đó, bác sĩ bảo là do thay đổi sợi bọc tuyến vú, không có gì nguy hiểm cả. Mẹ cháu vẫn không yên tâm và bảo cháu đi siêu âm lại và xin đi sinh thiết. Vậy cháu có cần làm sinh thiết? (Hoàng Tâm)

5. Tôi 29 tuổi, đã lập gia đình và có con trai 3 tuổi. Từ khi có con tôi phát hiện có một cục u ở vú phài. Tôi đi khám ở bệnh viện ung bướu, bác sĩ chẩn đoán đó là bọc sữa vú phải và chỉ định tái khám sau khi ngưng cho con bú. Hai năm sau tôi tái khám và được chẩn đoán là thay đổi sợi bọc tuyến vú phải. Xin hỏi thay đổi sợi bọc là gì? Có cần phải điều trị? Nếu không điều trị sau này có nguy cơ chuyển thành ung thư vú không? hoanggiang_h@...

BS Huỳnh Hồng Hạnh trả lời chung cho cả 3 câu trên như sau:

Thay đổi sợi bọc là tình trạng thay đổi mô tuyến và mô đệm lành tính của vú. Đây là dạng tổn thương rất thường gặp, chiếm hơn 50% phụ nữ. Lứa tuổi cao nhất là từ 30 - 50 tuổi, tuy nhiên cũng có thể gặp ở lứa tuổi nhỏ hơn 30.

Các thay đổi này liên quan đến chu kỳ kinh và nội tiết tố Estrogen và Progesteron, do vậy các triệu chứng thường giảm đi sau khi mãn kinh trừ phi có dùng nội tiết tố thay thế.

Đây không phải là yếu tố gây nguy cơ ung thư vú, tuy nhiên thay đổi sợi bọc có thể che lấp ung thư vú, làm cho tổn thương ác tính khó được phát hiện.

Mức độ nặng nhẹ thay đổi tùy theo người. Một số phụ nữ bị đau nhẹ và không sờ thấy cục trong vú khi tự khám vú, số khác bị đau nhiều hay có cảm giác căng cứng vú và sờ thấy nhiều cục trong vú. Đa số gặp ở các góc một phần tư trên, ngoài của vú, tuy vậy có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào của vú. Các mảng hay cục trong vú có thể tròn đều, di động hay dày, giới hạn không rõ. Các mảng hay cục này có thể tăng giảm kích thước theo chu kỳ kinh.

Để xác định chẩn đoán, ngoài khám lâm sàng tuyến vú, có thể làm thêm các xét nghiệm như siêu âm, nhũ ảnh, xét nghiệm tế bào hay thậm chí sinh thiết nếu cần.

Có nhiều phương cách điều trị thay đổi sợi bọc tùy vào mức độ nặng nhẹ của mỗi người. Có thể kể ra đây một vài phương cách như: mặc áo ngực phù hợp; dùng dầu anh thảo; dùng vitamin E; giảm đau bằng Acetaminophen hay kháng viêm non steroid như Ibuprofen, dùng Tamoxifen hay Danazol trong những trường hợp nặng.

Tuy nhiên, cũng xin được khuyến cáo các bạn nên dùng thuốc theo toa bác sĩ và nên gặp bác sĩ chuyên khoa để có được những tư vấn và điều trị hợp lý, tuyệt đối đừng tự điều trị.

6. Mặc áo ngực quá chật có bị ảnh hưởng không?

Xin cho cháu hỏi nếu mặc áo ngực quá chật thì có bị ảnh hưởng gì không? Đôi lúc cháu nằm nghiêng, khoảng một lúc sau là thấy hơi ê ở ngực, khó chịu. Ngực cháu cũng rất to, 2 đầu núm hướng ra 2 hướng, vậy cháu có vấn đề gì ở ngực không? Có nên thường xuyên mặt áo nịt ngực không? Mong được bác sĩ giải đáp. (Tăng Thị Hoàng Ngân)

Để giữ bộ ngực được đẹp, đồng thời thoải mái trong sinh hoạt thường ngày, em nên mặc áo ngực phù hợp và đúng cách.

Di truyền là yếu tố quyết định hình dạng và kích thước vú. Không có loại kem nào, sự tập luyện hay loại quần áo nào có thể làm thay đổi kích thước vú. Kích thước vú có thể thay đổi khi sụt cân hay sau khi sinh xong, nhưng trong đa số trường hợp kích thước vú được giữ nguyên như sau khi dậy thì.

Không có cơ sở gì bắt buộc 2 đầu núm phải cùng nhìn về một hướng. Em chỉ nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa trong trường hợp núm vú bị đổi hướng trong 1 thời gian ngắn, ví dụ như trên mặt đồng hồ, nếu núm vú đổi hướng từ 3 giờ sang 12 giờ hay 6 giờ hay lún xuống kiểu như mặt trời lặn là những dấu hiệu bất thường.

7. Khi vận động thỉnh thoảng thấy đau nhói bên ngực phải, vì sao?

Em ngồi trên máy tính nhiều và cũng mới mổ tai giữa được 4 tháng. Nhưng dạo này em cảm thấy đau bên ngực phải, đau nhói, lúc ngồi im thì không sao, mà vận động thì đau. Vậy cho em hỏi em bị bệnh gì. Rất mong được bác sĩ tư vấn. Xin cảm ơn. (Huỳnh Thuận)

Đau vú rất thường gặp ở phụ nữ, thống kê cho thấy 70% phụ nữ từng bị đau vú trong cuộc đời mình. Đau vú có thể xảy ra ở 1 bên hay 2 bên vú, ở cả phụ nữ còn hành kinh và đã mãn kinh nhưng thường gặp hơn ở lứa tuổi 40-50. Có thể đau cách quãng, đau liên tục ở 1 vùng đặc biệt hay có khi đau cả 2 bên vú. Mức độ đau nặng nhẹ thay đổi tùy theo người nhưng không phải tất cả các trường hợp đều cần điều trị. Mặc dù đau vú thường không kết hợp với ung thư vú, khi có dấu hiệu bất thường ở vú như liệt kê dưới đây, bạn nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa ngay: một cục hay mảng ở vú; khối ở nách; tiết dịch núm vú; thay đổi da vú hay núm vú (như co rút núm vú, dấu da cam); thay đổi hình dạng núm vú (như tụt núm vú, to núm vú).

Khi bị đau vú kéo dài, bạn cần lưu ý 2 vấn đề: đau có liên quan chu kỳ kinh hay không; chỉ bị đau 1 bên hay đau cả 2 bên vú.

Cũng nên ghi nhận thêm mức độ đau nhiều hay ít và ghi nhớ ngày hành kinh cũng như ngày hết kinh.

Đau vú chia làm 2 loại: đau vú liên quan chu kỳ kinh và đau vú không liên quan chu kỳ kinh.

Đau vú không liên quan chu kỳ kinh như đa số các bạn đã đặt câu hỏi, có thể xuất phát thật sự từ vú hay ngoài vú. Đau vú xuất phát từ vú có thể do phẫu thuật trước đó như trường hợp của bạn thuythuy_le76 hay bệnh lý lành tính của vú như thay đổi sợi bọc tuyến vú, viêm vú, chấn thương, một số loại thuốc cũng gây ra đau vú, ít gặp đau vú kết hợp với bướu lành hay ung thư vú giai đoạn sớm. Thông thường đau vú không liên quan chu kỳ kinh không tìm được nguyên nhân.

Đau ngoài vú có thể do tổn thương các phần lân cận như cơ, xương, khớp như viêm sụn sườn trong hội chứng Tietze hay đau thắt ngực hay sỏi. Điều trị bao gồm: nghỉ ngơi, chế độ ăn ít chất béo, bớt muối, cử cà phê; giữ cân nặng hợp lý; có thể dùng kháng viêm non steroid, vitamin E, B1, B6, dầu anh thảo.

8. Cục thịt dư ngay đầu ngực có nguy hiểm không?

Mẹ em có 1 cục thịt dư ngay đầu ngực, cách nay 3 năm nó chỉ nhỏ bằng đầu móng tay nhưng nay to và dài cỡ 5cm, đụng vào không đau, xin hỏi mẹ em bị bệnh gì? (Nguyen Lien)

Trường hợp của mẹ em có thể là 1 dạng bướu lành và nên đi khám ở bệnh viện ung bướu để được phẫu thuật cắt bỏ. Loại bướu này có thể là 1 dạng bướu sợi hay bướu nhú và thường có cuống. Sau khi cắt bỏ thường không tái phát.

9. Chào bác sĩ Hồng Hạnh. Cháu tên Vy, năm nay 23 tuổi. Cách đây một năm cháu phát hiện trong ngực có một khối u nên đã đi khám. Bác sĩ kết luận: vú phải vị trí 12g gần quầng vú có một khối echo nghèo d=11x5x6mm, không tăng sinh mạch máu, không hạch bệnh lý hai nách. Kết luận: U sợi tuyến vú. Khi biết bệnh cháu đã giấu gia đình và một năm nay cháu chưa đi khám. Cháu nên làm gì và ăn kiêng những gì, bệnh của cháu có nguy cơ thành ung thư không. (Nguyễn Thị Vy)

Bướu sợi tuyến là một loại bướu lành tính và không liên quan đến ung thư, trừ một vài trường hợp ít ỏi. Nguyên nhân thật sự vẫn chưa biết rõ, tuy nhiên có thể liên quan đến nội tiết. Bướu sợi tuyến có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường gặp hơn ở phụ nữ trẻ và ít gặp ở người đã mãn kinh.

Trong trường hợp của em, kích thước bướu nhỏ đồng thời em còn trẻ, nếu đã được khám và làm các xét nghiệm để loại trừ tổn thương ác tính thì có thể theo dõi và tái khám định kỳ, không cần phải mổ.

Nói chung em không nên lo lắng về bệnh của mình và nếu cần tư vấn trực tiếp, em có thể gặp tôi ở khoa ngoại 4 Bệnh viện Ung bướu.

lyPZfTMf.jpgPhóng to
Bướu sợi tuyến là một loại bướu lành tính và không liên quan đến ung thư, trừ một vài trường hợp ít ỏi.

10. Là con trai nhưng ngực lại to gần giống ngực con gái, vì sao?

Em là con trai nhưng ngực của em lại to gần như các bạn gái. Em rất buồn. Em phải đi khám ở đâu và điều trị như thế nào? Có phải phẫu thuật không? Chi phí là bao nhiêu, có biến chứng gì không? Xin bác sĩ tư vấn giúp. Cảm ơn. (Lê Lam)

Lê Lam thân mến,

Tình trạng của em được gọi là nữ hóa tuyến vú, là tình trạng tuyến vú to lên bất thường ở nam giới.

Nữ hóa tuyến vú về sinh lý có thể xảy ra do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ thừa hưởng từ mẹ ở tuổi nhũ nhi.

Cần phân biệt nữ hóa tuyến vú với tình trạng tích tụ mỡ ở người béo phì hay phát triển cơ ngực ở người tập luyện thể hình. Ngoài ra, cũng cần phân biệt nữ hóa tuyến vú với ung thư vú. Nhiều người vẫn nhầm tưởng ung thư vú chỉ có ở phụ nữ trong khi thật ra ung thư vú có thể gặp ở cả 2 phái. Ung thư vú ở nam giới thường ở 1 bên vú, có thể không nằm gần núm vú, chắc hay cứng và có thể đi kèm với co kéo da, co rút núm vú, tiết dịch núm vú và hạch nách. Được gọi là nữ hóa tuyến vú thật sự nếu có sự phát triển của mô tuyến vú lớn hơn 0,5cm đường kính.

Androgen là nội tiết tố tạo ra các đặc trưng của nam giới, như phát triển lông tóc, kích thước cơ lớn và giọng trầm. Estrogen là nội tiết tố tạo ra các đặc trưng của nữ giới. Tất cả nam giới đều có cả 2 loại nội tiết tố này. Thay đổi nồng độ các nội tiết tố này cũng như đáp ứng của cơ thể có thể gây ra nữ hóa tuyến vú.

Hơn 1/2 trường hợp xảy ra ở tuổi dậy thì, đây là thời kỳ có sự xáo trộn về nội tiết tố gây ra nữ hóa tuyến vú và có thể biến mất sau 6 tháng đến 2 năm.

Thường không gây đau, trừ một số ít trường hợp. Tuy nhiên, về mặt xã hội và tâm lý lại gây xáo trộn và tổn thương rất lớn về tinh thần.

Một số bệnh lý có thể gây ra nữ hóa tuyến vú: giai đoạn hồi phục sau suy dinh dưỡng; xơ gan làm ảnh hưởng chuyển hóa nội tiết tố của cơ thể; suy thận mãn, cường giáp; một số thuốc cũng gây ra nữ hóa tuyến vú; lợi tiểu...

Nữ hóa tuyến vú không phải yếu tố tiền ung thư, nhưng người mắc bệnh cần được tái khám và theo dõi đều đặn.

Khi phát hiện nữ hóa tuyến vú phải được theo dõi và điều trị ở cơ sở chuyên khoa, tuyệt đối không nên tự điều trị. Sau đây xin giới thiệu đến các bạn một số phương pháp để tham khảo:

• Nếu xảy ra ở tuổi dậy thì nên theo dõi 6 tháng trước khi điều trị

• Testosterone thay thế

• Tamoxifen,sử dụng nhiều nhất trong trường hợp nữ hóa tuyến vú gây đau

• Ức chế Aromatase

• Điều trị thường sử dụng nhất là phẫu thuật (giảm thiểu tuyến vú hay đoạn nhũ dưới da)

Tóm lại, trường hợp của em hoàn toàn không có gì để lo lắng hay khổ sở, em nên đi khám ở bệnh viện hay tiếp xúc trực tiếp với tôi ở khoa ngoại 4, chúng tôi sẽ điều trị cho em.

11. Em năm nay 21 tuổi. Cuối năm ngoái em phát hiện ở phía trên bầu ngực trái có một khối cứng nhỏ, sờ vào thấy cộm cộm và hơi đau. Đồng thời ở vùng ngực phía nách cũng có 1 cục nhỏ hơn. Khi đi khám thì bác sĩ nói đó chỉ là tuyến vú, hơi sưng lên khi đến kỳ kinh nguyệt. Nhưng em theo dõi từ đó đến giờ thì thấy khối cộm to hơn. Sờ vào dễ thấy hơn và làm ngực có vẻ to hơn, không chỉ là lúc gần đến chu kỳ. Tuy nhiên ngoài hiện tượng xuất hiện cục cộm sờ vào có cảm giác hơi đau đó và ngực có vẻ to hơn, em không thấy bất thường gì khác. Em rất băn khoăn không biết đó là gì, chỉ là tuyến vú hay là u nang, u tuyến vú, rối loạn ở tuyến vú?

Em có thể chữa được không? Ngoài ra em còn rất nhiều lo lắng như quý báo đã đề cập: Chế độ ăn uống, tập luyện có làm giảm bớt những rối loạn ở tuyến vú? Nang hoặc u tuyến vú có tự hết không? Khi nào cần thiết phải phẫu thuật nang hoặc u tuyến vú? Làm thế nào để phân biệt nang lành tính và nang ác tính... (Dạ Như)

12. U vú lành tính cho con bú có ảnh hưởng không?

Năm 2008, tôi siêu âm (chỉ siêu âm định kỳ tổng quát), phát hiện có u bên vú trái. Năm 2009 tôi vào TP.HCM sinh thiết, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược bảo là không sao, u lành. Nhưng đến nay tôi rất lo, tôi có đi bộ 30 phút mỗi ngày, uống trà xanh (tự nấu) và ăn ít dầu mỡ, ăn nhiều rau xanh. Xin bác sĩ cho biết chế độ ăn uống và luyện tập như vậy có tốt cho vấn đề của tôi không và làm gì khi u vú không tiêu đi, có cần phải phẫu thuật không? Năm nay tôi 28 tuổi, lập gia đình năm 2009, tôi dự định năm 2010 sẽ có con như vậy có ảnh hưởng khi cho bé bú không? Xin cảm ơn bác sĩ. (Huynh Thi Hang)

Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh trả lời chung 2 câu trên như sau:

Bướu vú là dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh lý tuyến vú. Có thể là 1 khối bướu rõ ràng hay chỉ là 1 mảng dày lên. Nguyên nhân có thể là tổn thương lành tính hay ác tính, nhưng thường là bướu lành (80% trường hợp). Sau đây là liệt kê 1 vài nguyên nhân thường gặp của bướu vú: bướu sợi tuyến (thường gặp nhất); bướu diệp thể; hamartoma; chấn thương gây ra hoại tử mỡ;

Cần phân biệt bướu vú thật sự hay tổn thương giả bướu thường gặp trong thay đổi sợi bọc tuyến vú.

Việc tìm ra nguyên nhân để điều trị đúng mức là công việc của bác sĩ nên bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện khối bướu, đặc biệt khi có kèm theo các dấu hiệu sau:

• Khối bướu mới xuất hiện và khác với mô xung quanh

• Khối bướu không biến mất sau kỳ kinh kế tiếp

• Khối bướu lớn hơn, cứng hơn mô xung quanh

• Tiết dịch máu, tự phát từ núm vú

• Da tương ứng bị đỏ, co rút, nhăn

• Tụt núm vú

Trường hợp của bạn Huynh Thi Hang nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân và qua đó có xử trí thích hợp. Nếu đã có hướng xử trí đúng mức, bạn có thể cho con bú bình thường.

Về chế độ ăn, 2 bạn có thể tham khảo những câu trả lời trước của tôi.

13. Em năm nay 26 tuổi, chưa lập gia đình, em có đọc trên một số trang web thì người ta bảo rằng nhũ hoa con gái chưa có con hoặc chưa bị tác động bên ngoài (người khác sờ nắn) thì có màu hồng, nhưng nhũ hoa của em lại màu hơi thâm. Vậy có phải ngực em có vấn đề gì không? Em đang rất lo lắng, vì chẳng may lập gia đình mà chồng em phát hiện lại nghĩ em đã "tiếp xúc" với ai khác. Mong bác sĩ giải đáp thắc mắc. Xin cảm ơn my_nguyen0808@yahoo

14. Bác sĩ cho cháu hỏi sao cháu lại mọc lông cứng như sợi cước ở quầng vú (hiện cháu 19 tuổi) cháu rất lo không biết có ảnh hưởng gì không ạ? (Lê Diễm)

Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh trả lời chung cho 2 câu trên như sau:

Kích thước, hình dạng và màu sắc núm vú do yếu tố di truyền chi phối và hết sức khác biệt tùy theo cơ địa của mỗi người. Bạn đừng nên so sánh với người khác và cũng đừng nên lo lắng về vấn đề này.

Hầu hết phụ nữ đều có một ít lông vú, có thể từ 2-15 sợi đen, thẳng hay cong. Nếu bạn thấy khó chịu, có thể dùng kéo nhỏ cắt đi, không nên nhổ hay cạo vì nguy cơ nhiễm trùng.

15. Tuyến vú phụ

Em đã có hai con. Lúc sinh bé đầu cách đây 5 năm em ít sữa. Cháu bú mẹ rất ít và sau đó tự bỏ. Sau một thời gian em thấy có sưng ở gần nách phải, như là sữa bị tắc vậy. Đến lúc sinh cháu thứ hai - cách đây 1,5 năm, cục sữa trong nách cũng sưng lên. Em làm nhiều cách thông sữa nhưng không hiệu quả. Chỉ thấy sữa chảy ra từ 1 lỗ ở nách. Đến nay, mỗi khi gần có kinh là em thấy đau. Và ở đó em sờ vào thấy có từng cục, rất đau. Thưa bác sĩ, cho em hỏi là như thế có nguy hiểm không? Nếu chữa trị thì em phải đi khám ở khoa nào?

Và ở giữa nách phải em sờ vào thấy có hai cục cứng, to bằng hạt lúa, bóp không đau. Xin hỏi bác sĩ có cần phẫu thuật không? Hay nó tự nhiên sẽ hết. (Lê Thị Hưng)

Chào bạn Hưng

Trường hợp của bạn được chẩn đoán về mặt y khoa là tuyến vú phụ.

Tuyến vú phụ có tần suất khoảng 0,4-6% tất cả bệnh lý tuyến vú, nguyên nhân do tồn tại mô tuyến vú nằm ở vị trí ngoài vú, tương ứng với đường sữa, hình thành trong thời kỳ phôi thai.

Khoảng 67% nằm ở ngực hay phần bụng sát nếp dưới vú và thường nằm bên trái, 20% khác nằm ở nách.

Chia làm 8 loại: loại I có phức hợp vú hoàn chỉnh gồm núm vú, quầng vú và mô tuyến vú; loại II có núm vú, mô tuyến nhưng không có quầng vú; loại III có quầng vú, mô tuyến mà không có núm vú; loại IV chỉ có mô tuyến thôi; loại V có núm vú, quầng vú mà không có mô tuyến, loại VI chỉ có núm vú; loại VII chỉ có quầng vú; loại VIII chỉ có 1 mảng lông. Loại chỉ có núm vú nhỏ là loại thường gặp nhất.

Tuyến vú phụ đáp ứng với kích thích nội tiết và do vậy sẽ rõ hơn trong thời kỳ dậy thì, có thai hay cho con bú và có thể tiết sữa. Trước khi hành kinh cũng có thể sẽ gây căng đau giống như trường hợp của em.

Cả 2 loại tổn thương lành tính và ác tính đểu có thể gặp ở tuyến vú phụ và nếu là tổn thương ác tính thì loại thường gặp nhất là ung thư biểu mô ống tuyến vú.

Điều trị tùy thuộc tổn thương đi kèm và kích thước tuyến vú phụ, có thể can thiệp phẫu thuật để cắt bỏ.

Tóm lại, tuyến vú phụ trong đa số trường hợp là tổn thương lành tính, tuy nhiên có thể gây khó chịu trong sinh hoạt thường ngày, em nên đi khám bệnh để chẩn đoán xác định và để biết hướng điều trị.

16. Em là con trai nhưng từ hồi học lớp 6 em phát hiện ngực mình bị lép (bị lõm), xin hỏi đây có phải là do di truyền hay do cơ thể phát triển không bình thường? Nay em đã 19 tuổi, em có cần phẫu thuật không? (Bảo Châu)

Câu hỏi của em mô tả không rõ lắm nên cần phải khám lâm sàng và làm xét nghiệm mới có thể chẩn đoán chính xác được. Em nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa về lồng ngực để được khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán xác định. Cần phải phân biệt không có vú Amastia (hoàn toàn không có tuyến vú, núm vú, quầng vú) và Amazia (có núm vú nhưng không có mô tuyến vú); 1 bên hay 2 bên vú.

Trường hợp của em có thể là 1 bất thường bẩm sinh. Thường thì bất thường này không xảy ra đơn độc mà đi kèm các rối loạn khác. Không có vú 1 bên hay kèm theo không có cơ ngực cùng bên; còn nếu xảy ra 2 bên thì thường kèm theo các bất thường bẩm sinh ở các bộ phận khác của cơ thể (khoảng 40% trường hợp như vậy).

Đôi khi không có vú sẽ kết hợp với hội chứng Poland (nghĩa là không có cơ ngực, không có xương sườn từ xương sườn thứ 2 đến thứ 6, biến dạng bàn tay hay cột sống).

Tùy theo nguyên nhân và mức độ trầm trọng của bệnh, các bác sĩ sẽ bàn bạc với nhau và với em để đề ra phương pháp điều trị thích hợp.

17. Ở dưới nách cánh tay trái của em có một cục nhỏ nhưng không di chuyển khi sờ và không đau. Thời gian trước em có đi khám tại trung tâm y tế nhưng bác sĩ kết luận là viêm lỗ chân lông và cho thuốc uống, không cần mổ nhưng đến nay vẫn còn. Vậy có nguy hiểm không ạ? (sweetlove200785@...)

Trường hợp của em về mặt ngôn ngữ y khoa nên dùng từ chính xác là viêm nang lông. Em cần đi khám lại để chẩn đoán xác định và điều trị. Về phương diện chẩn đoán, cần phải phân biệt viêm nang lông với bướu bã, thường gặp ở người da nhờn và thường phải phẫu thuật cắt bỏ.

Viêm nang lông là phản ứng viêm ở phần nông của nang lông, được chia thành nhiễm trùng và không nhiễm trùng.

Lâm sàng biểu hiện bằng các mụn, bóng nước khoảng 1mm trong những trường hợp diễn biến cấp tính và đóng mài, dày sừng trong những trường hợp diễn biến mãn tính.

Về chẩn đoán, thường có thể chẩn đoán dễ dàng các trường hợp nhẹ, như trường hợp của em, đơn thuần qua khám lâm sàng, tuy nhiên trong những trường hợp nặng và lan rộng phải làm rất nhiều xét nghiệm để chẩn đoán loại trừ giang mai, nhiễm HIV...(đây là những chẩn đoán rất hiếm gặp).

Nếu do nguyên nhân nhiễm trùng, tác nhân thường gặp nhất là Staphylococcus aureus.

Tóm lại, em không nên lo lắng về bệnh lý này và chỉ cần tái khám theo dõi thôi.

18. Xin bác sĩ cho biết các bệnh nhân đang điều trị ung thư vú có nên uống các thực phẩm chức năng như hồng sâm, linh chi, yến sào và ăn các thức ăn bổ dưỡng như thịt bò, thịt heo, sò huyết... không? (Võ Thị Hoàng Mai)

Đây là câu hỏi rất thường gặp của bệnh nhân ung thư vú. Trước hết, tôi có vài lời khuyên về chế độ ăn và sinh hoạt đối với bệnh nhân ung thư vú:

• Nên ăn nhiều cá và thịt trắng (heo, gà...) nhiều hơn thịt đỏ (như thịt bò). Đạm có nguồn gốc thực vật (như ăn chay) rất tốt cho sức khỏe.

• Nên ăn nhiều chất xơ

• Ăn nhiều trái cây, rau như cà rốt, cà chua, chuối, dưa hấu, đu đủ

• Ăn nhiều đậu lăng, đậu hòa lan, đậu nành

• Hạn chế chất béo

• Không uống rượu

• Cố gắng giữ cân nặng lý tưởng và ổn định. Nếu bạn bị sụt cân nhiều trong một thời gian ngắn, bạn có nguy cơ bỏ điều trị do không đủ sức khỏe để chịu đựng hóa trị hay phẫu thuật. Nhưng ngược lại, béo phì quá mức cũng làm cho bệnh ung thư diễn biến xấu đi cũng như tăng nguy cơ bệnh tim, tiểu đường và một số bệnh lý khác

• Tập thể dục ít nhất 4 giờ/tuần, tốt nhất là đi bộ. Tập thể dục sẽ giúp cải thiện tình trạng chán ăn và mỏi mệt.

Về các loại nấm linh chi, sâm...như chị hỏi thì cho đến bây giờ, có thể khẳng định rằng các phương pháp này hoàn toàn không thể chữa khỏi bệnh ung thư và công dụng bổ trợ, tăng cường sức khỏe cho người bệnh thì vẫn đang được nghiên cứu. Và tôi cũng có vài lưu ý về một số loại trên:

• Tác dụng phụ của nấm linh chi là gây khô miệng, buồn nôn, nôn, rối loạn đường tiêu hóa

• Về tương tác thuốc,khi dùng phối hợp nấm linh chi và thuốc kháng đông sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu, khi dùng chung với thuốc hạ áp sẽ gây hạ áp nhiều hơn

• Tác dụng phụ của sâm là gây khô miệng, tim đập nhanh, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mất ngủ và kích động

• Tiêu chảy và dễ nhiễm ký sinh trùng đường ruột nếu dùng sò huyết “tái”như người bệnh vẫn truyền tai nhau để bổ máu trong quá trình hóa trị.

Trong lúc chờ đợi kết luận rõ ràng về mặt khoa học, tôi khuyên các bạn không dùng phối hợp các sản phẩm trên trong thời gian điều trị ung thư vú. Các bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của BS chuyên khoa trong từng trường hợp cụ thể.

19. Năm nay em 23 tuổi và chưa có gia đình nhưng ở đầu ngực trái của em có hiện tượng co vào trong, em cũng đã kéo nhưng chỉ được một lúc nó lại trở về ban đầu. Em không biết nó có anh hưởng gì tới việc nuôi con sau này không ? Hiện tượng như vậy dễ dẫn đến ung thư vú không? Em muốn nhờ chị tư vấn. Chân thành cám ơn chị. (Nguyen Bach Hop banmaixanh26287@...)

Trường hợp của em được gọi là tụt núm vú, tình trạng này xảy ra ở 10-20% phụ nữ, đây là tình trạng bình thường và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Thường thường, khi thuộc loại bẩm sinh như vậy, khi kéo ra núm vú sẽ nhanh chóng trở lại vị trí cũ.

Tụt núm vú cũng có thể do núm vú bị dính vào sẹo mổ hay ống tuyến sữa ngắn quá.

Tụt núm vú đôi khi có thể gây khó khăn khi cho con bú, tuy nhiên nếu cho bé bú đều 2 bên sẽ giúp núm vú bớt tụt hơn do hành động mút của bé.

Tùy vào mức độ tụt núm vú, BS sẽ bàn bạc với bệnh nhân để tiếp tục theo dõi hay can thiệp phẫu thuật, quan trọng là giữ vệ sinh tốt để tránh bị nhiễm trùng ở các nếp gấp của da. Tuy nhiên, nếu núm vú đang nằm ở ngoài bình thường, đột ngột lại bị tụt vào trong, đổi hướng thì em cũng như các chị em phụ nữ khác cần phải đi khám bệnh ngay, vì đây có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư vú.

Cuối cùng, núm vú giống như các bộ phận khác trên cơ thể, cũng thay đổi khi chúng ta lớn lên, trưởng thành và già đi. Chúng ta nên biết cảm nhận núm vú bình thường của mình bằng cách tự khám vú mỗi tháng, để từ đó phát hiện bất thường.

TTO thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên