22/01/2017 12:00 GMT+7

Tiếp tục hành trình tìm huy chương Olympic

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TT- 9 năm sau khi giành HCB cho thể thao VN tại Olympic Bắc Kinh 2008, trong vai trò HLV trẻ của cử tạ Đà Nẵng, lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn mơ một ngày sẽ đào tạo nên VĐV giành được huy chương Olympic.

HCB Olympic Bắc Kinh 2008 lực sĩ Hoàng Anh Tuấn (bìa phải), võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân - HCB Olympic Sydney 2000 (giữa) trao cúp chiế thắng cho xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - HCV Olympic Rio 2016. Ảnh: NAM KHÁNH
HCB Olympic Bắc Kinh 2008 lực sĩ Hoàng Anh Tuấn (bìa phải), võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân - HCB Olympic Sydney 2000 (giữa) trao cúp chiến thắng cho xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - HCV Olympic Rio 2016. Ảnh: NAM KHÁNH

Cùng với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân, Hoàng Anh Tuấn là một trong ba VĐV giành được huy chương Olympic của thể thao VN. Sự nghiệp VĐV của Anh Tuấn tuy huy hoàng nhưng cũng có nhiều vấp ngã. Còn trên con đường HLV, mọi chuyện với anh mới chỉ bắt đầu.

Làm thầy khó hơn làm trò

Đó là khẳng định của Anh Tuấn khi được hỏi về công việc hiện tại anh đang làm. Sau khi chia tay sự nghiệp VĐV năm 2013, Anh Tuấn làm trợ lý huấn luyện cho đội cử tạ Đà Nẵng, một thời gian sau chuyển sang phòng quản lý huấn luyện và chính thức được giao nhiệm vụ HLV lứa tuổi 13- 16 đội tuyển cử tạ Đà Nẵng hơn một năm qua.

Nói về sự khác biệt giữa lúc làm VĐV với HLV, Anh Tuấn bảo ngày xưa là VĐV chỉ lo cho bản thân, còn bây giờ phải lo cho nhiều người nên khó khăn, vất vả hơn. “Khi là VĐV, tôi chỉ lo tập luyện, ăn ngủ và tính toán công việc chuyên môn cho mình, giờ thì phải làm việc đó cho rất nhiều VĐV. Bên cạnh công tác huấn luyện chuyên môn còn phải quan tâm chăm sóc các em từ miếng ăn, giấc ngủ.

Bản thân tôi phải làm gương cho VĐV để các em tôn trọng, noi theo, chăm chỉ tập luyện. Thậm chí trong phòng ngủ của các VĐV cũng được lắp camera để HLV theo dõi, 9-10g tối dù không trực tiếp ở đó tôi vẫn phải kiểm tra qua màn hình máy tính xem các em đã ngủ chưa” - Anh Tuấn chia sẻ.

Giành HCB Olympic Bắc Kinh 2008 năm 23 tuổi, Anh Tuấn là ngôi sao sáng nhất của thể thao VN lúc bấy giờ. Thế nhưng Anh Tuấn cũng vấp ngã rất nhanh khi năm 2010, anh có kết quả dương tính với chất cấm tại Giải cử tạ vô địch thế giới tại Thổ Nhĩ Kỳ. Có mặt tại Quảng Châu để tham dự Asiad tháng 11-2010, nhưng Anh Tuấn không được thi đấu bởi thời điểm đó kết quả xét nghiệm doping được công bố. Anh Tuấn bị cấm thi đấu 2 năm và giải nghệ sau khi thực hiện xong án phạt cuối năm 2012.

Đà Nẵng: quê hương thứ hai

Là VĐV quê Bắc Ninh nhưng đầu quân cho thể thao Đà Nẵng, Anh Tuấn gắn bó với thể thao thành phố biển này nhiều năm qua. Đà Nẵng cũng đã thưởng cho anh một mảnh đất có diện tích 80m2 sau tấm HCB Olympic anh mang về cho thể thao VN. Do đó Đà Nẵng không chỉ là nơi làm việc, mà còn là quê hương thứ hai của Anh Tuấn khi anh lập gia đình và sinh sống tại đây.

Ngày giáp tết ra Hà Nội công tác, Anh Tuấn tranh thủ về Bắc Ninh chúc tết bố mẹ và họ hàng rồi mới trở lại Đà Nẵng. Năm nay với anh như vậy đã là trọn vẹn bởi thăm hỏi được cả bên nội, ngoại dù xa cách.

Về cuộc sống gia đình, Anh Tuấn chia sẻ: “Vợ tôi làm việc tại Trường đại học TDTT Đà Nẵng, chúng tôi đã có hai con, một gái một trai. Vợ chồng tôi chủ yếu ở tại nhà ông bà ngoại nên được ông bà hỗ trợ chăm sóc hai cháu, tập trung cho công việc.

Với tôi, dù là VĐV hay HLV thì tình yêu với cử tạ không có gì thay đổi, đó là cuộc sống của tôi. Tôi mơ ước 5-10 năm nữa cử tạ VN sẽ lại có một Hoàng Anh Tuấn, Thạch Kim Tuấn thứ hai, có thể giành được huy chương Olympic. Rất khó khăn, phải “đãi cát tìm vàng” nhưng tôi nghĩ mình đang bắt đầu cho hành trình tìm kiếm những VĐV tài năng như vậy”.

Mong chế độ đãi ngộ cho VĐV, HLV tốt hơn

Gala Cup Chiến thắng diễn ra ngày 17-1 tại Hà Nội, người hâm mộ có dịp được gặp lại lực sĩ Hoàng Anh Tuấn, bởi anh là người công bố và trao giải cho VĐV nam của năm - xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.

Cầm phong bì kết quả trên tay, Anh Tuấn run hơn cả khi đứng trên sàn đấu. Hình ảnh xúc động nhất trong buổi lễ chính là khi hai người giành huy chương Olympic Hoàng Anh Tuấn, Trần Hiếu Ngân (HCB Olympic Sydney 2000) trao giải thưởng cho HCV Olympic Rio Hoàng Xuân Vinh.

Sau 8 năm Hoàng Anh Tuấn giành HCB Olympic 2008, phải đến năm 2016 xạ thủ Hoàng Xuân Vinh mới lại làm nên kỳ tích và đổi màu tấm huy chương của thể thao VN ở đấu trường danh giá này. Thế nhưng trăn trở của những VĐV từng giành huy chương Olympic thì chưa bao giờ thay đổi, cả Xuân Vinh, Hiếu Ngân, Anh Tuấn đều mong VĐV có đời sống tốt hơn và khi đã có huy chương Olympic thì cần đãi ngộ xứng đáng.

Lực sĩ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi mong chế độ đãi ngộ cho VĐV, HLV thể thao sẽ ngày một tốt hơn để họ không còn phải lo lắng đến cơm áo gạo tiền, mà chỉ tập trung vào công tác chuyên môn. Mức thưởng cho VĐV giành HCV Asiad, Olympic nên được nâng lên gấp 3- 5 lần hiện nay để xứng đáng với thành tích họ đạt được, giúp VĐV có thêm động lực phấn đấu. VN có hơn 90 triệu dân nhưng lịch sử chỉ có 1 chiếc HCV Olympic, thế nhưng phần thưởng cho HCV Olympic của quốc gia thậm chí còn thấp hơn cả địa phương thì chưa thể khích lệ được”.

Khó tìm học trò

Con đường trở thành một HLV cử tạ cũng không dễ dàng gì, Anh Tuấn cho biết khi đi khắp nơi tuyển VĐV, hầu như mọi người không biết anh là người giành huy chương Olympic. Tuy nhiên với anh điều này không quan trọng, khó khăn chính là việc tìm được VĐV có tố chất để tập luyện cử tạ. “Dự kiến lứa VĐV do tôi tuyển chọn, đào tạo sẽ ra mắt tại Giải cử tạ thanh thiếu niên 2017 và có thể sẽ dự Giải vô địch trẻ quốc gia 2019” - Anh Tuấn chia sẻ.

Mong cho chặng đường HLV của Anh Tuấn thành công như thành tích anh đã giành được trên con đường VĐV trước đây.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên