Thiếu điện kéo dài: Phải nói thật với người dân
Phóng to |
Làm việc với Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) chiều 24-6, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng liên tục yêu cầu lãnh đạo EVN Hà Nội công bố nguồn cung điện cho Hà Nội để làm rõ việc cắt điện tràn lan vừa qua là do sửa chữa hay do thiếu điện.
Phóng to |
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng làm việc với lãnh đạo EVN Hà Nội và Bộ Công thương về tình hình cắt điện tràn lan ở Hà Nội - Ảnh: nguyễn Toản |
Hà Nội dừng cắt điện để chống nắng nóng
Tuy nhiên, lãnh đạo EVN Hà Nội không trả lời được con số này. Và hiện nay các nhà máy nhiệt điện vẫn chưa khắc phục xong sự cố, điện vẫn căng thẳng...
Nói vòng vo
Đang chạy thận cũng bị cúp điện Ông Nguyễn Huy Tưởng cho biết thực tế có chuyện lò nung thép, luyện gang và sản xuất sữa khi bị cắt điện là hỏng cả. Thậm chí trong bệnh viện có trường hợp đang chạy thận cũng bị cắt điện. Ông Tưởng chỉ đạo trong thời gian tới, EVN Hà Nội phải tổ chức ứng trực thường xuyên, giải quyết khắc phục kịp thời sự cố xảy ra. Đặc biệt phải đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân và hoạt động của bệnh viện. |
“Mức tiêu thụ trên, nguồn điện cung ứng cho Hà Nội có đáp ứng được không? Khả năng cung ứng của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho Hà Nội bao nhiêu? Có phải thấp hơn mức tiêu thụ nên phải cắt điện luân phiên chứ đâu chỉ có cắt điện sửa chữa? Tôi đề nghị nói rõ chứ không nên giấu” - ông Nguyễn Huy Tưởng yêu cầu. Và phó tổng giám đốc EVN Hà Nội Vũ Quang Hùng vẫn không trả lời được các câu hỏi trên. Ông Hùng nói vòng vo: “Mặc dù tình hình điện khó khăn, các hồ thiếu nước, lũ về muộn nhưng EVN vẫn ưu tiên cấp điện cho Hà Nội, tuy nhiên cũng có vận động phải tiết kiệm triệt để”.
Trong khi đó, ông Lưu Tiến Long - giám đốc Sở Công thương Hà Nội - cho biết việc cắt điện trong những ngày nắng nóng vừa qua là do phụ tải trong tháng 5 và 6-2010 tăng tới 22%, vượt hơn nguồn được cấp nên không đủ điện. Vì vậy, mặc dù Chính phủ, TP đều có văn bản chỉ đạo đảm bảo cấp đủ điện cho Hà Nội nhưng cắt điện vẫn xảy ra.
Nắng nóng không được cắt điện sửa chữa
Ông Vũ Quang Hùng cho rằng thời gian qua EVN và cả EVN Hà Nội đều “gồng mình” trong việc cung cấp điện cho người dân và cơ sở sản xuất, nhưng vẫn không tránh được thiếu sót nên rất xin lỗi về việc này. Ông Hùng cũng cho rằng việc cắt điện theo kế hoạch sửa chữa đều được lập trước hai tuần và thông báo đến khách hàng đúng theo quy định trước năm ngày.
Tuy nhiên, trái lời ông Hùng nói, phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Phương Nam cho biết chỉ có Khu công nghiệp Bắc Thăng Long khi cắt điện được báo trước, còn các khu khác đều không được thông báo, thậm chí có nơi cắt xong mới báo. Trong khi đó tại các khu công nghiệp có nhiều doanh nghiệp dùng công nghệ có tính chính xác cao, nếu mất điện hai phút thì mạng mạch sẽ hỏng.
Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lưu Tiến Long cũng phản pháo: “EVN Hà Nội nói là báo trước nhưng điện lực cấp dưới không hoàn toàn thực hiện như thế. Báo cáo của bên cấp nước nói có nhiều lần cắt điện không báo trước. Tới đây, nếu cắt điện không báo trước gây thiệt hại là chúng tôi sẽ phạt”. Ngoài ra, ông Long đề nghị EVN Hà Nội cần tính toán kế hoạch sửa chữa trước mùa hè, tránh tình trạng vào thời điểm nắng nóng lại “đè” ra cắt điện để sửa chữa.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Huy Tưởng khẳng định việc cắt điện diện rộng trong những ngày nắng nóng vừa qua với lý do sửa chữa của EVN Hà Nội là không hợp lý. “Ngày mát trời thì ngành điện có thể cắt sửa chữa, dự báo thời tiết bây giờ cũng biết trước được những đợt nắng nóng, vì vậy trong điều hành EVN Hà Nội phải linh hoạt. Dứt khoát trong những ngày nắng nóng phải dừng cắt điện sửa chữa” - ông Tưởng khẳng định.
Các nhà máy nhiệt điện chậm tiến độ, bị sự cố Một trong những nguyên nhân chính khiến thiếu điện là do các nhà máy nhiệt điện chậm tiến độ, bị sự cố. Trong đó, điển hình là Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 và Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh. Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 được khởi công tháng 11-2005. Ông Trần Hữu Nam, tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, cho biết theo hợp đồng, tổ máy 1 của nhà máy này sẽ được bàn giao trong gần ba năm (34 tháng), tổ máy 2 được bàn giao trong hơn ba năm (40 tháng) kể từ ngày ký hợp đồng với nhà thầu thi công vào năm 2005. Tuy nhiên, cả hai tổ máy này đều bị chậm tiến độ từ tám tháng đến trên một năm. Ngoài ra, sau khi phát thử nghiệm tổ máy số 2 thì tổ máy số 1 phải tạm ngừng hoạt động từ ngày 31-12-2009 do hỏng bộ quá nhiệt. Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, theo một vị trưởng phòng của Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, lẽ ra tháng 2-2009 nhà máy phải có điện phát chính thức và được xem như một giải pháp giúp bớt khó khăn về điện trong mùa khô. Tuy nhiên trong quá trình phát điện, nhà máy này nhiều lần xảy ra sự cố nên việc phát điện không liên tục và ổn định. Thừa Thiên - Huế: nhà máy điện “trùm mền” Đó là Nhà máy nhiệt điện Ngự Bình. Theo tính toán của Sở Công thương Thừa Thiên - Huế, với công suất 4.000kVA, Nhà máy nhiệt điện Ngự Bình sẽ giúp cải thiện được 10% sản lượng điện thiếu hụt trên toàn tỉnh (chỉ còn thiếu khoảng 12% thay vì 22% như hiện nay). Thế nhưng ngành điện không đồng tình với đề xuất này. Ông Phan Vinh, phó giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, nói: “Sở Công thương không hiểu nên nói vậy thôi. Nhà máy nhiệt điện Ngự Bình xây dựng khoảng năm 1972, thiết bị đã cũ kỹ, công suất không đáng bao nhiêu, chỉ chừng 3.000kVA”. Theo tính toán của một cán bộ ngành điện am hiểu về Nhà máy nhiệt điện Ngự Bình, nhà máy có công suất thực tế đạt khoảng 5.000kWh, cứ 1kWh nhà máy vận hành sẽ tốn khoảng 4.400 đồng tiền dầu diesel (khoảng 0,33 lít/kWh). Như vậy mỗi giờ nhà máy phải tiêu tốn 22 triệu đồng, đó là chưa tính hư hao máy móc, nhân công... Trong khi đó 1kWh điện bán cho khách hàng chẳng đáng là bao nên ngành điện không muốn vận hành nhà máy này. Hiện nay tình hình cung cấp điện ở Thừa Thiên - Huế vẫn tiếp tục căng thẳng. Ngày 21-6, Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế thông báo với UBND tỉnh là sẽ có tình trạng cắt điện đột xuất không thông báo trước với khách hàng vì đây là “trường hợp bất khả kháng”. Theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh, điều này không thể chấp nhận được bởi tất cả đều phải có phương án để khách hàng chủ động kế hoạch kinh doanh, sản xuất. Đà Nẵng: 3 tổ máy phát điện dự phòng vẫn nằm im Những ngày nắng nóng vừa qua, người dân Đà Nẵng tiếp tục chịu cảnh cắt điện theo kiểu “hai ngày có, một ngày không”. Theo Công ty Điện lực Đà Nẵng, bình quân mỗi ngày TP Đà Nẵng thiếu khoảng 1 triệu kWh điện. Mặc dù thiếu điện gay gắt nhưng tại phân xưởng điện Cầu Đỏ (Cẩm Lệ, Đà Nẵng), ba tổ máy phát điện dự phòng chạy bằng dầu diesel thuộc Công ty Điện lực Đà Nẵng vẫn đang nằm im. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuy có công suất lắp đặt tổng cộng 15,4 MW nhưng do máy móc cũ kỹ nên các tổ máy này chỉ có thể phát lên lưới điện khoảng 10MW. Theo ông Lê Ngọc Chính - trưởng phòng tổ chức Công ty Điện lực Đà Nẵng, với công suất 10MW, nếu có phát ba tổ máy nói trên cũng không thấm vào đâu so với 1 triệu kWh điện đang thiếu mỗi ngày ở Đà Nẵng. Từ 26-6, Phú Yên giảm thời gian cắt điện còn 2 ngày/tuần Ngày 25-6, Công ty Điện lực Phú Yên cho biết từ ngày 26 đến 30-6, công ty sẽ điều chỉnh lịch cắt điện luân phiên với số ngày được giảm xuống còn hai ngày/tuần, từ 5g đến trước 18g hằng ngày. Đây là kết quả làm việc giữa công ty với đoàn công tác của Tổng công ty Điện lực miền Trung về việc điều chỉnh sản lượng điện thương phẩm phân phối cho Phú Yên trong ngày 24-6 vừa qua. Theo Công ty Điện lực Phú Yên, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã thống nhất tăng sản lượng điện phân phối cho Phú Yên từ 1,195 triệu kWh lên 1,3 triệu kWh/ngày (tăng 105.000 kWh/ngày) kể từ ngày 26-6. Được biết trước đó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự đã ký văn bản số 1281/UBND gởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Trung đề nghị ngành điện có những giải pháp hợp lý hơn trong việc phân bổ sản lượng - tiết giảm điện đối với Phú Yên, đảm bảo phục vụ hoạt động sản xuất thiết yếu và sinh hoạt của người dân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận