![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & môi trường Đặng Hùng Võ |
Thứ trưởng Đặng Hùng Võ cho biết: Đa số ý kiến nhận xét phần thu hồi đất của dự thảo chưa đạt yêu cầu, không hơn gì luật hiện hành. Chúng tôi cũng nhận thấy như vậy, và sẽ tiếp thu theo hướng: không phải đất nào cũng do Nhà nước đứng ra thu hồi.
Cụ thể Nhà nước chỉ thực hiện đối với đất phục vụ các dự án lớn (khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế...), còn lại sẽ khẳng định luôn trong luật: Nhà nước không làm mà cho phép vận dụng cơ chế các doanh nghiệp vừa và nhỏ tự đàm phán với dân theo hình thức chuyển nhượng đất.
* Nếu hai bên không thỏa thuận được thì sao?
- Dự luật mới sẽ nhấn mạnh hai giải pháp chính: một, khi có qui hoạch mà phải chuyển mục đích sử dụng đất thì cho tiến hành thu hồi đất ngay; hai, các dự án phải xây dựng một cách tổng thể, không chỉ riêng lẻ mỗi con đường mà phải bao gồm cả khu vực bao quanh.
Để đảm bảo hai giải pháp này, một mô hình rất mới cần được đẩy mạnh: hình thành các doanh nghiệp công ích, đơn vị sự nghiệp kinh tế... có chức năng phát triển quĩ đất, trực tiếp đứng ra thực hiện thu hồi đất và quản lý đất thu hồi. Doanh nghiệp này có thể vay tiền ngân hàng để thu hồi đất, sau đó giao đất “sạch” cho nhà đầu tư với giá chênh lệch nhất định.
![]() |
Đất nông nghiệp qui hoạch thành khu dân cư ở P.Thạnh Mĩ Lợi. Q2 |
- Tư tưởng của dự luật mới sẽ vận hành đúng cơ chế thị trường, đưa bồi thường hiện vật lên hàng chính yếu và chuyển bồi thường vật chất xuống thứ yếu. Trung Quốc đã và đang rất thành công với cách làm này: tôi thu hồi của anh một sào, tôi sẽ bồi thường hẳn sào hai. Điều kiện đường sá, hạ tầng ở nơi mới không thua kém gì nơi cũ, hoàn toàn do nhà nước đầu tư.
* Người dân phàn nàn “những điều khoản liên quan trực tiếp đến dân thì có phần mờ nhạt, nhưng giữa các cơ quan nhà nước với nhau lại hơi bị đậm nét”, thứ trưởng nghĩ sao?
- Vì thế dự thảo tới đây sẽ “tuyên bố”: áp dụng cơ chế “một cửa”, nhân dân không phải chạy ngược chạy xuôi nữa. Hồ sơ cần có giấy tờ gì, nộp ở đâu, sau bao nhiêu ngày phải hoàn tất... được nói rất rõ, vừa đơn giản vừa gọn gàng. Cơ quan thuế tính thuế trên cơ sở số liệu địa chính do cơ quan quản lý đất đai cung cấp, không được yêu cầu dân cung cấp bất kỳ cái gì khác.
|
- Việc cụ thể hóa sẽ do Chính phủ đảm nhận bằng văn bản dưới luật. Hiện bộ trưởng của chúng tôi đã có chủ trương và ý kiến chung của bộ cũng thống nhất nên hình thành mô hình văn phòng đăng ký đất đai. Văn phòng có thể đặt tại Sở Tài nguyên & môi trường và tại UBND xã, phường, thị trấn. Người dân chỉ cần đến “gõ” cửa này.
Tùy loại thủ tục, sau thời hạn tương ứng ghi trong luật, người dân cứ việc đến lấy kết quả (chẳng hạn chuyển đổi quyền sử dụng đất hoặc giao đất, cho thuê đất thì mất 10 ngày, cấp sổ đỏ cho người đang sử dụng đất 60 ngày...).
* Thưa thứ trưởng, nhiều người cho rằng dự thảo cho phép qui hoạch “treo” tới năm năm là quá dài?
- Chúng tôi đã nhất trí đưa xuống ba năm. Đáng lẽ có thể rút xuống nữa bởi ba năm tôi cho là vẫn dài. Nhưng với hoàn cảnh nước ta nếu để thời hạn ngắn quá, khi nhà đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, ta cũng khó xử lý kịp.
Cũng có ý kiến đề nghị cho phép “treo” dài hơn để có thêm thời gian thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, song nếu vậy người dân lại là người chịu khổ. Tính đi tính lại ba năm là hợp lý, vừa phù hợp nguyện vọng của dân, vừa phù hợp yêu cầu gọi vốn đầu tư.
* Cơ chế tự đăng ký giá đất - một ý tưởng hoàn toàn mới - đã vấp phải sự phản ứng của người dân. Thứ trưởng nghĩ sao?
- Vấn đề ở chỗ đăng ký để làm gì? Câu trả lời hiện nay đang bí. Vì khi nào dùng giá nhà nước, khi nào dùng giá của dân còn chưa rõ. Ở Đài Loan, người ta chủ yếu dùng giá người dân đăng ký để xác định mức thuế, nhưng cái khác cơ bản là hệ thống pháp lý đi kèm của họ rất đồng bộ và ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng đất rất cao.
Còn ở ta, cả hai yếu tố này đều ở mức thấp và chưa phù hợp vận dụng cơ chế mới. Cho nên cơ quan thẩm tra và ban soạn thảo thống nhất “bỏ”, hi vọng lần sửa sau có thể đưa được vào luật.
* Dự án luật ban đầu từng đề cập những nguyên tắc đánh thuế đất đai nhưng đến khi trình xin ý kiến nhân dân, nội dung quan trọng này đã được loại ra. Dự thảo tới đây xử lý thế nào, thưa thứ trưởng?
- Cuộc tranh luận hiện thời chưa ngã ngũ. Luồng ý kiến thứ nhất đề nghị đưa vào luật để làm cơ sở xây dựng luật thuế sau này. Nguyên tắc là đánh thuế lũy tiến: càng nhiều đất ở, anh càng bị áp thuế cao; khoản thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất càng lớn, anh càng chịu mức thuế lớn.
Ngược lại, luồng ý kiến thứ hai cho rằng lĩnh vực này cần qui định sau ở luật thuế liên quan. Đây là vấn đề còn chờ xin ý kiến Thường vụ QH, nhưng với quan điểm cá nhân tôi ủng hộ phương án một.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận