08/05/2016 04:55 GMT+7

Tiếng nói Việt Nam từ Yale

TRẦN ĐỨC ANH SƠN (từ Đại học Yale, Connecticut)
TRẦN ĐỨC ANH SƠN (từ Đại học Yale, Connecticut)

TTO - Hội thảo “Xung đột biển Đông” của Đại học Yale (Mỹ) là một hội thảo quốc tế lớn, quy tụ những học giả uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu về địa chính trị và tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Tướng Daniel Schaeffer (Pháp) và TS Trần Đức Anh Sơn tham gia hội thảo - Ảnh: Phúc Tiến
Tướng Daniel Schaeffer (Pháp) và TS Trần Đức Anh Sơn tham gia hội thảo - Ảnh: Phúc Tiến

Có ba học giả người Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo là giáo sư Ngô Vĩnh Long (Đại học Maine, Mỹ), tiến sĩ Tạ Văn Tài (cựu giảng viên Đại học Harvard, Mỹ) và Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng, học giả Fulbright đang nghiên cứu tại Đại học Yale).

Nhà nghiên cứu độc lập Trần Thị Vĩnh Tường (California, Mỹ) được mời tham gia phản biện trong phiên thảo luận về luật ngày 7-5. Bí thư thứ nhất và ba cán bộ ngoại giao của phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc cũng tham dự hội thảo. Một số nhà nghiên cứu người Việt Nam ở các thành phố Boston, New York, Washington D.C, New Haven… và từ Việt Nam cũng đến tham dự và thảo luận tại hội thảo.

Hội thảo có ba phiên họp chính: Lịch sử, Địa chính trị và Luật pháp, đề cập đến ba nội dung chính: Tuyên bố chủ quyền và lịch sử cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông; Vị trí địa chính trị của Biển Đông; Cuộc chiến pháp lý liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và những giải pháp giải quyết xung đột ở Biển Đông hiện nay.

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, giáo sư Erik Harms (Đại học Yale) nói rằng Biển Đông đang là nơi diễn ra các tranh chấp nóng nhất trên thế giới và có khả năng diễn ra những xung đột nguy hiểm. Trong đó Việt Nam, Philippines và Trung Quốc là những bên liên quan trực tiếp.

Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và khát vọng làm chủ Biển Đông của nước này đang được hiện thực hóa từng bước, không chỉ tạo ra những căng thẳng trong khu vực này mà còn trực tiếp gây thiệt hại về nhiều mặt: chủ quyền, chính trị, môi trường biển, kinh tế… cho Việt Nam, Philippines và một số quốc gia Đông Nam Á khác, và những nước có lợi ích liên quan đến Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ...

Trong khi đó giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng do vị trí địa chính trị của mình, Việt Nam có thể dễ bị tổn thương nhất do các hoạt động của Trung Quốc gây ra không chỉ ở Biển Đông mà còn trên đất liền, trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ông cũng lý giải vì sao chính quyền Việt Nam đã khá thận trọng trong các phản ứng đối với những hành vi ngày càng hung bạo của Trung Quốc ở Biển Đông.

Từ đó, ông gợi ý một số vấn đề để các đại biểu tham gia thảo luận, cũng là những gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam và các nước liên quan giải quyết những cuộc khủng hoảng ở Biển Đông hiện nay.

Sáng 7-5 (giờ Mỹ), hội thảo tiếp tục với các tham luận của các học giả Nông Hồng (Trung Quốc), Patrick M. Cronin (Mỹ), Tạ Văn Tài (Mỹ), James Kraska (Trung Quốc), Jeremy Lagelee (Mỹ), bàn về các giải pháp giải quyết tranh chấp và giảm thiểu xung đột ở Biển Đông trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

TRẦN ĐỨC ANH SƠN (từ Đại học Yale, Connecticut)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên