07/11/2005 02:17 GMT+7

Tiếng hát truyền hình TP.HCM: Một cuộc chơi ít niềm vui

NGUYỄN BẮC
NGUYỄN BẮC

TT - Cuộc thi Tiếng hát truyền hình (THTH) TP.HCM năm nay đang đem đến những điều xôn xao, những xôn xao đổ dồn về các “nghi vấn” của cuộc chơi. Và những lời đồn đãi không hay về cuộc chơi này nổi cộm so với bất kỳ cuộc thi ca hát nào khác...

HF2ru6JJ.jpgPhóng to
Hoàng Hải Đăng (nam) đoạt giải ba Tiếng hát truyền hình TP.HCM 2005 - Ảnh: T.T.D.
TT - Cuộc thi Tiếng hát truyền hình (THTH) TP.HCM năm nay đang đem đến những điều xôn xao, những xôn xao đổ dồn về các “nghi vấn” của cuộc chơi. Và những lời đồn đãi không hay về cuộc chơi này nổi cộm so với bất kỳ cuộc thi ca hát nào khác...

Xem những phản hồi của bạn đọc trên diễn đàn "Xung quanh cuộc thi THTH 2005" của TTO

Đi tìm ý nghĩa của cuộc chơi này - ở đây tôi tạm gọi là cuộc chơi, vì tính thuyết phục về sự nhìn nhận chuyên môn mỗi năm của THTH không đều, đó là câu hỏi lớn cho những ai quan tâm đến cách làm của ban ca nhạc Đài truyền hình TP.HCM.

Chương trình này nhằm tìm kiếm những giọng ca giỏi, những tài năng... để bổ sung cho sân khấu ca nhạc TP và Đài truyền hình hay là hoạt động để phát hiện những gương mặt mang tính phong trào ca hát?

Nếu chiếu theo khả năng của nhiều thí sinh có thứ hạng năm nay, thì đó rõ ràng là một xếp hạng cho những khả năng rất ư... phong trào, chứ khó mà trở thành những “ngôi sao Việt” được.

Và nếu cũng chiếu theo thang điểm được dành cho người hạng nhất năm nay, ta lại làm một cuộc so sánh với những hạng nhất, hạng nhì, hạng ba... của các năm trước thì ắt sẽ có lắm các nhân vật đã đoạt giải, thậm chí những người bị loại khỏi vòng chung kết, sẽ ngậm ngùi thương cho bản thân mình: sự khác biệt quá lớn!

Việc bàn luận ai nhất, nhì dĩ nhiên là một khía cạnh đang tạo cơn “sốt” về ý kiến. Thế nhưng quan trọng hơn, vì lý do gì mà những tồn nghi tiêu cực đặt ra đối với cuộc thi Tiếng hát truyền hình?

Phân tích kỹ, đó là cơ chế hoạt động. Ai đời cả trên chục năm mà ban giám khảo phần lớn cứ “đến hẹn lại lên”, ngồi vào ghế!

Cứ nhìn qua lĩnh vực hành chính công mà luận, chẳng ai cho phép một viên chức cứ ngồi hoài một cương vị hàng chục năm, mà phải có chính sách thuyên chuyển cán bộ.

Không phải vì cán bộ đó tiêu cực (nếu có bằng cớ thì đã tống vào trại giam rồi, cần gì phải thuyên chuyển), nhưng đó là giải pháp khoa học để giảm thiểu những “quan hệ” lợi dụng vị thế để trục lợi. Nhân sự ban giám khảo quen nhẵn, tốt hay không tốt?

Hỏi tức là đã trả lời. Sẽ còn “lình xình” những điều tiếng không tốt nữa nếu cứ duy trì cơ chế tổ chức như hiện nay. Mong vài thiển ý này được ngó ngàng tới.

Làm sao để thoát khỏi những điều đó, thoát khỏi sự dị nghị cho công sức của một tập thể tổ chức cũng miệt mài nhiều ngày tháng, cũng như lấy lại hình ảnh đẹp THTH trước mắt hàng triệu công chúng?

Có lẽ chúng ta phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như liệu có nên tồn tại một ban giám khảo vừa chấm thi vừa có quá nhiều “gà”, “học trò” của mình tham gia cuộc thi.

Cụ thể như nhiều ngày trước cuộc thi, người xem đã kháo nhau về việc Hải Yến là “gà” của nhạc sĩ Nguyễn Nam, Hồng Mơ là “gà” của nhạc sĩ Tôn Thất Lập và Thanh Ngọc thì sau khi bị điểm thấp vòng ngoài đã được một cú điện thoại bí ẩn gọi đến hỏi rằng “có muốn vào giải hai, ba gì không?”...

Đó là tin hành lang, cũng cần phải kiểm chứng lại, không thể nghe một chiều, nhưng cứ đối chiếu vào thực tế thì quả có quá nhiều điều làm ban giám khảo sẽ khó trả lời hoặc khó thuyết phục được đám đông chứng kiến.

Và bản thân thí sinh Thanh Ngọc sau khi được đậu vớt đã - vẫn với khả năng và phong độ ở mức ổn định như vậy, không có gì là bứt phá - giành được hạng hai. Vậy sự bất nhất không phải nơi khả năng của thí sinh mà có phải là do ban giám khảo sai lầm trong việc nhận định con người không?

Và nếu như vậy, liệu đã có bao nhiêu con người bị loại oan uổng mà không có được một cơ may vào phút 89 như của Thanh Ngọc?

Ở đây, tôi lại gọi đó là cuộc chơi, vì là cuộc chơi thì người xem sẽ vui và tha thứ cho những sai lầm, còn cuộc thi thì khó mà tha thứ cho sai lầm, nhất là sai lầm của những người có trách nhiệm. Nhưng buồn nhất là cuộc chơi này cũng... không vui.

Trên mạng giaidieuxanh.com.vn, mạng thông tin âm nhạc mạnh nhất VN hiện nay, người ta đọc được không biết bao nhiêu những dòng phẫn nộ của người xem, thậm chí là của những học sinh trung học tuổi 16 và đặt ra những vấn đề mà tôi nghĩ ban giám khảo cũng sẽ phải toát mồ hôi để tuần tự trả lời.

Vì sao lại có một làn sóng phản ứng mạnh mẽ về kết quả của cuộc thi THTH năm nay như vậy? Đơn giản vì công chúng lại đón nhận thêm những con người mới do THTH vinh danh nhưng bàng quan trước những bất ổn của nó.

Xã hội lại buộc phải công nhận danh hiệu mà đám đông cảm giác mình không muốn công nhận. Hơn nữa, kết quả này giống như một giọt nước làm tràn ly, vỡ òa mọi thông tin và sự bất bình cho những gì đã vang vang lời xì xầm - dẫu chưa đáng tin, dẫu còn phải kiểm chứng...

Cuộc thi THTH không còn là một cuộc thi nhỏ. Mỗi năm hàng ngàn người tham dự và hàng triệu người theo dõi. Sẽ đẹp biết bao nhiêu nếu như đó là nơi sàng lọc và phát hiện những tài năng, góp nhân lực cho nền văn nghệ.

Nhưng cũng đáng sợ thật, nếu như nơi đó, hằng năm lại là cuộc hội tụ của những sự háo hức kiếm tìm danh vọng dễ dãi, thiếu thực tài và tồn tại bằng mối quan hệ hay gì gì đó - như những câu chuyện bình luận râm ran ở quán cà phê mỗi ngày.

NGUYỄN BẮC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên