24/02/2013 19:07 GMT+7

Tiến sĩ làm tour: đi hành hương, học văn hóa

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Từ điểm đầu đến điểm cuối của tour chính là lịch sử hình thành Sài Gòn - Gia Định và vùng đất Nam bộ. Đó là một tour trong chương trình “du lịch học thuật nhân văn” do Công ty TNHH MTV dịch vụ khoa học, truyền thông và du lịch Văn Khoa tổ chức.

iN2h13KH.jpgPhóng to
Khách đi tour chăm chú nghe giới thiệu lịch sử hình thành Hội quán Tuệ Thành (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: Tự Trung

Tết Nguyên tiêu, miếu Thiên Hậu, chùa Ngọc Hoàng, lăng Ông, chùa Bà Bình Dương... vào mùa lễ hội đông nhất trong năm. Từng đoàn múa lân, múa rồng rộn ràng trống nhạc, rực rỡ màu sắc; người người theo nhau ra vào nườm nượp, khói hương nghi ngút; những mâm lễ vật ngút đầy, chim cá phóng sinh ào ạt.

Trong đám đông, một đoàn khách cũng thành tâm chắp tay lễ Phật, cũng tỉ mẩn chiêm ngắm những bức tượng, hoành phi, câu đối nhưng không đèn nhang, không lễ vật, không xếp hàng xin xăm. Tay sổ, tay bút, rồi máy ảnh, quay phim... tất cả chăm chú nghe, ghi chép từng lời của hướng dẫn viên, chụp lại từng chi tiết chạm trổ trên mái ngói, cột gỗ, đọc đi nhẩm lại, hỏi lui hỏi tới...

Thì ra là vậy...

Cũng chọn những địa điểm có tiếng linh thiêng “cầu được ước thấy” nhưng tour du lịch được hướng dẫn bởi tiến sĩ văn hóa học Nguyễn Ngọc Thơ đặt ra mục tiêu cho du khách: tìm hiểu lịch sử văn hóa TP.HCM và vùng đất Nam bộ. Nghe khô khan nhưng rồi câu chuyện về những tộc người Việt, người Hoa đầu tiên đặt chân đến mảnh đất đầy thử thách và cũng đầy hứa hẹn của phương Nam như được sống lại. Người xưa đã đến phương Nam với tâm thế chọc trời khuấy nước “Ra đi gặp vịt cũng lùa/Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu” thì hôm nay các du khách của đoàn cũng ngâm nga “Ra chùa gặp văn thì cũng học”.

Dấu tích người xưa vẫn còn đó: miếu Tuệ Thành, đình Minh Hương ở Q.5, chùa Ngọc Hoàng ở Q.1, lăng Tả quân Lê Văn Duyệt ở Q.Bình Thạnh, chùa Bà, chùa Hội Khánh, chùa Tây Tạng ở Bình Dương... Chẳng xa lạ gì, nhiều du khách trong đoàn cho biết ngày nào, tuần nào cũng đi ngang qua những địa điểm này. Nhưng sau khi chăm chú nghe tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ dẫn giải, phân tích, ai cũng hồ hởi: “A, bây giờ mới biết”. Mỗi nét điêu khắc, mỗi bức tượng, mỗi màu sắc trước mắt đã hiển hiện lên một ý nghĩa mới.

Chỉ sau 30 phút ở miếu Tuệ Thành, hai bạn Kiều Tiên, Mai Trinh (khoa Hàn Quốc học) đã biết cách phân biệt sự khác nhau khi thể hiện hình tượng “lưỡng long tranh châu” giữa người Hoa và người Việt. Được thầy Thơ ra một bài tập nhỏ: tìm những nét điêu khắc Việt trong đình Minh Hương, cả hai mau chóng tìm thấy những hình ảnh con cua, con cá đặc trưng của miền Nam. Người Hoa đã dần dần hòa vào cộng đồng Việt như thế.

Và rồi những dấu ấn đặc sắc của nền văn minh lúa nước, quan hệ làng xã, triết lý nhân sinh trong văn hóa Việt đã mau chóng được giải mã ngay qua những nét điêu khắc, những truyền thuyết, cổ tích được phát hiện lần lượt trên đường tham quan: người Việt luôn đặt thực tiễn, tính nhân bản lên hàng đầu, vượt mọi giáo điều, khuôn mẫu. Nên hình ảnh “ông tơ” ở Trung Hoa và các nước phương Đông khác là một vị phúc thần chuyên xe duyên, ban phúc cho thiên hạ, khi du nhập vào Việt Nam, “ông tơ” lập tức được người Việt xe duyên cho “bà nguyệt”. Nên câu chuyện Thường Nga lấy trộm thuốc tiên cho Hậu Nghệ bị phạt giam ở cung trăng lập tức được người Việt hóa giải bằng cách “gửi” thêm một chú Cuội để chị Hằng bớt phần lạnh lẽo...

“Ra là vậy, đã đọc đã xem hết các truyền thuyết của Việt Nam lẫn Trung Hoa rồi, vậy mà hôm nay mới hiểu rõ vì sao có những khác biệt đó” - cô Quỳnh Thi, giảng viên khoa Đông phương học, cô Lan Phương ở khoa đô thị học, cô Thu Hương ở khoa Nhật Bản học thay nhau tấm tắc. Những bài học văn hóa học không chỉ bổ ích cho sinh viên.

0yhpc7AX.jpgPhóng to
Người dân đi lễ chùa Ngọc Hoàng (Q.1, TP.HCM) dịp Tết Nguyên tiêu - Ảnh: Tự Trung

Bài học thời mở cõi

Những câu chuyện xúc động nhất về thời mở cõi được ôn lại ở lăng Tả quân Lê Văn Duyệt. Từ câu chuyện đậm chất bi tráng khi vị thế kinh tế, chính trị quan trọng của cù lao Phố bị thay thế bởi Sài Gòn - Gia Định, những đóng góp của Tả quân trong việc đào kênh mương, khai thông đường giao thương, mở mang ruộng đồng, quy tụ các dân tộc, rồi đến những khuất khúc éo le, oan khiên khi đã qua đời.

Hai bức phù điêu con kên kên - con vượn và hổ cha - hổ con đắp nổi trước mộ Tả quân được tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ giải mã thật tài tình. Mọi người xúm lại săm soi: “À, hình ảnh đức Tả quân là hổ cha đây, cái đuôi có sức mạnh mãnh liệt lại quay đi về phía núi, hổ con ở lại bơ vơ không nơi nương tựa”.

Câu chuyện về cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu của Lê Văn Khôi (con trai Tả quân Lê Văn Duyệt) hàm chứa trong đó. Hình ảnh con kên kên vươn cánh uy hiếp và con vượn co mình phía dưới lại hàm chứa câu chuyện về tư thế oai phong kiêu hùng của Tả quân trước sự đe dọa của ngoại bang. “Kinh nghiệm cho thấy đến những nơi này phải đi chậm, nhìn kỹ và... ghi chép nhiều” - Hoàng Ân, sinh viên cao học ngữ văn Anh, vừa bấm máy ảnh vừa nói với bạn bên cạnh.

“Bao giờ có tour nữa?”

Phải “thân này ví xẻ làm hai” để chạy sô qua lại hướng dẫn một lúc hai xe trên đường di chuyển qua các điểm, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ còn phải luôn miệng trả lời câu hỏi này.

Bao giờ có tour tiếp theo? Trả lời: Tùy trung tâm sắp xếp. Tour tới sẽ đi Gò Tháp để khám phá vùng Đồng Tháp Mười, đi chợ nổi Cái Bè tìm lại một thời huy hoàng của giao thương sông nước, đi Sa Đéc thăm nhà “Người tình” Huỳnh Thủy Lê, đi Óc Eo tìm hiểu nền văn minh Phù Nam một thời rực rỡ... Sẽ có các chuyên gia đang thực hiện các công trình nghiên cứu văn hóa, lịch sử, khảo cổ ở các vùng này làm hướng dẫn viên. Mới nghe, các thành viên trong đoàn hôm nay nhiều người đã háo hức đăng ký.

Nguyễn Tấn Hiếu, một hướng dẫn viên đang thực tập ở công ty, ôm sổ tay ghi ghi chép chép suốt hành trình, ngần ngừ nói: “Em đang học, không biết khi nào mới biết “dẫn đường” như thầy Thơ, nhưng phải ráng, vì đây là đặc trưng của tour này mà”.

Con đường đã mở và hành trình đã bắt đầu. Thắm thiết nói lời cảm ơn những bài học của hướng dẫn viên đặc biệt ngày Tết Nguyên tiêu hôm nay, các du khách đều đang đợi những cuộc khám phá mới ở những địa điểm tưởng chừng đã quen thuộc.

Tiến sĩ làm tour

Không có mặt trong tour đầu tiên có thành phần mở rộng và lượng khách đông như hôm nay nhưng hẳn tiến sĩ dân tộc học Nguyễn Đức Lộc - giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ khoa học, truyền thông và du lịch Văn Khoa - phải là người vui nhất.

Là người đưa ra ý tưởng “du lịch học thuật nhân văn”, tiến sĩ Lộc cho biết bản thân ông là người thích du lịch, công việc lại gắn liền với những chuyến đi điền dã, được chứng kiến và tìm ra bao nhiêu điều thú vị, bao nhiêu tầng văn hóa nằm sâu trong đời sống hằng ngày của người dân, trong những địa điểm mà mỗi ngày, mỗi người thường lướt qua.

Làm sao để khai thác? Tiến sĩ Lộc bảo ông tiếc đến xót ruột mỗi khi thấy các hướng dẫn viên du lịch dẫn du khách đi thật nhanh, lướt qua “những tầng văn hóa trầm tích”, khi thấy các cô cậu thanh niên thản nhiên chụp ảnh mà không một phút dừng chân thăm hỏi khi đi ngang những địa điểm mang nặng dấu tích người xưa.

Rồi ông nhớ đến đội ngũ chuyên gia, các nhà văn hóa học, nhà sử học, dân tộc học, nhân chủng học ở trường mình. “Mình có sẵn vậy sao không khai thác?”, câu hỏi đặt ra và thế là có câu trả lời. Các tour “du lịch học thuật nhân văn” ra đời và các tiến sĩ, thạc sĩ bắt đầu ôm theo những bụng kiến văn để làm hướng dẫn du lịch.

zgs9tJYx.jpgPhóng to
TS Nguyễn Ngọc Thơ giới thiệu lịch sử hình thành Hội quán Tuệ Thành (quận 5, TP.HCM), di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia cho du khách - Ảnh: Tự Trung

* Nhà mình ở ngay Q.5, hằng ngày đi qua đi lại miếu Tuệ Thành này hoài mà hôm nay mới nghe được những câu chuyện thật hay về lịch sử của nó. Mình sẽ phải tìm hiểu thêm.

TRẦN THỊ THẢO (giảng viên khoa nhân học)

* Bên trường mình không được học nhiều về lịch sử, văn hóa. Hôm nay nghe bạn giới thiệu tour này có thầy hướng dẫn với kiến thức rất rộng và sâu nên đi thử. Thật thú vị. Tour tiếp theo nhất định mình sẽ tham gia.

PHẠM QUANG HOÀNG HIẾU(sinh viên năm 3 Đại học Ngoại thương)

* Tình cờ được một người bạn nhường vé, mình phát hiện ra mình chẳng biết gì về lịch sử thành phố này, vùng đất này dù sống ở Sài Gòn đã lâu rồi. Mình thấy rất bổ ích.

TRẦN HOÀI ĐỨC (công nhân Khu chế xuất Tân Thuận)

* Hôm nay có quá nhiều kiến thức cần phải bổ sung. Mình sẽ về nghiên cứu tiếp và nhất định sẽ dẫn các bạn người nước ngoài của mình đến những điểm này. Từ giờ mình có nhiều điều để kể với các bạn ấy rồi.

HOÀNG ÂN (khoa ngữ văn Anh)

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên