Phóng to |
Vũ Anh Tuấn |
Điều giản dị
Người bạn trẻ này đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân của châu Âu (CERN) ở Geneva. CERN hiện đang xây một máy gia tốc, dự kiến vận hành vào khoảng năm 2007-2008. Đó sẽ là máy gia tốc lớn nhất thế giới, chu vi 25km với năng lượng cao nhất thế giới: khoảng vài triệu lần cao hơn nhiệt độ mặt trời.
Đây là một loại máy ly tâm dựa trên nguyên lý phá vỡ các hạt nguyên tử bên trong, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như vật lý hạt và các ngành khoa học mũi nhọn khác. Trên máy gia tốc này có bốn máy dò (detector) và Tuấn đang làm việc trên một trong bốn máy này, tên Atlas. Trong phòng thí nghiệm Atlas có khoảng 2.500 nhà vật lý đến từ khoảng 150 viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm từ 34 nước khác nhau trên thế giới.
Trước đó, Tuấn đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ mang tên “Tìm kiếm những hạt siêu đối xứng trong những phân hạch (decay) có chứa lepton, trong khuôn khổ thí nghiệm D-Zero trên máy gia tốc TeVatron”; được các giáo sư của Trường ĐH Bách khoa (Ecole Polytechnique, Pháp) nơi Tuấn giành học bổng toàn phần học thẳng tiến sĩ giới thiệu sang CERN bởi những kết quả có được từ đề tài. Khi ở VN, Tuấn là học sinh giỏi của Hà Nội. Năm lớp 10 (1994-1995), Tuấn đoạt giải nhất thành phố môn vật lý.
Năm lớp 11 Tuấn đoạt giải khuyến khích cấp quốc gia và lớp 12 “ẵm” luôn giải nhất quốc gia. Những thông tin ban đầu này làm chúng tôi hình dung một chân dung Vũ Anh Tuấn hơi khác so với anh chàng nhỏ xíu ngồi co ro trong chiếc ghế bành ở làng trẻ em mồ côi SOS Đà Lạt, trong lần về VN dịp các nhà khoa học vật lý thế giới “Gặp gỡ VN”, tháng 8-2004.
Với Tuấn, khi thành tiến sĩ là mới chỉ bắt đầu học cách nghiên cứu. Còn mục tiêu của Tuấn: biết tự đặt ra vấn đề cho mình để nghiên cứu, biết nhận ra những vấn đề và biết đưa ra những cách giải quyết. Tuấn nói: “Đó là mục tiêu, còn thực hiện nó là cả một vấn đề, cả một cuộc đời”, để đạt điều đó phải có niềm tin vào bản thân, vào con đường mình đã chọn và phải làm việc.
Và chuyện bình thường...
Nhìn Tuấn ngồi chơi với các em nhỏ trong làng SOS có lẽ ai cũng nghĩ anh chàng còn trẻ lắm, không chút dáng dấp nào của một nhà khoa học. Khi Tuấn chạy lúp xúp ngoài phố, chiếc áo gió trùm đầu che cơn mưa phùn, tiếng cười giòn tan và xuýt xoa không ngừng vì đói, các chị bảo mẫu ở làng phải cuống lên dọn cơm...
Lâu lắm chúng tôi mới lại có dịp nói chuyện với Tuấn vì anh lại đang công tác tại phòng thí nghiệm ở Thụy Sĩ. Cuộc nói chuyện trực tuyến trở nên rộn ràng hẳn khi đề cập đến chuyện... bán buôn ngoài phố của anh chàng tiến sĩ trẻ tuổi. Tuấn bảo bán thiệp ngoài đường phố rất nhiều mục đích, trong đó “tiếp thị hình ảnh VN” chỉ là một nhiệm vụ đầu tiên mà nhóm Tuấn nhắm đến.
“Điều quan trọng là mình kiếm được ít tiền để gửi về nhà giúp mấy đứa nhỏ. Ở xa quê mà làm được chút gì đó cho các em mồ côi thì mừng lắm...” - Tuấn bảo. Bốn năm trở lại đây, năm nào nhóm Tuấn cũng đi bán thiệp ở Trường Polytechnique, các khu chợ Giáng sinh... Năm nay lại tiếp tục “rủ rê” những đồng nghiệp mới ở xứ đồng hồ ra phố bán thiệp trên đường phố Geneva. Thường nhóm tranh thủ giờ nghỉ trưa hay choàng gánh công việc cho nhau để được cầm những tấm thiệp in hình quê hương mời gọi khách qua đường.
Tuấn đính chính: “Không phải dự án của bọn này, là của giáo sư Trần Thanh Vân. Khắp nước Pháp nơi nào cũng có các bạn trẻ VN đi bán thiệp, vui thật là vui. Tôi nhớ có lần đi bán trong nhà thờ, gặp một đám trẻ bán bánh ngọt rong, mua thì bọn nhóc không chịu lấy tiền, nói là mình... cùng nghề. Dân tình nguyện dễ chia sẻ và thông cảm nhau mà”.
Tết này Tuấn lại xa quê. Anh chàng gõ rất chậm: “Tôi thì ít được đón tết như bạn bè vì lúc nào cũng phải làm việc...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận