26/02/2018 09:51 GMT+7

Tiền mừng tuổi của người già

Truyện ngắn của HOÀNG CÔNG DANH
Truyện ngắn của HOÀNG CÔNG DANH

TTO - Ông nội thích gì nhất? Những đứa cháu có lần ngồi chơi đố nhau. Câu trả lời được tất cả gật đầu chấp nhận là: tiền. Ông thích tiền nhất. Có lẽ thế.

Tiền mừng tuổi của người già - Ảnh 1.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Dưới gối ông kê luôn có một bọc tiền gói kỹ bằng bao nylông. Cái bao gói hẳn lúc đầu màu trắng trong, qua nhiều năm ngả đục. Tôi đã nhìn thấy cái màu bọc gói đó, duy nhất một lần lúc đánh gió cho ông.

Cô tôi thi thoảng về chơi cho ông tiền, mắt ông sáng rờ rỡ lên, tay chân khỏe khoắn ra. Cô cười bảo tiền như sâm ấy, tiếp thêm vào là ông khỏe re. Liền sau đó, cô lại bảo ông ơi ông thích gì thì đưa tiền bảo chúng nó mua cho mà ăn, chứ mai mốt chết rồi răng ngậm toàn đất cát thôi. Chúng nó mà cô nói ở đây chính là cha mẹ tôi và mấy anh em tôi.

Bà nội cũng có một cái bọc tiền đặt dưới gối. Cái sự cẩn thận của người già hóa ra cũng thật đơn giản, một kiểu đó thôi.

Nhưng bà khác ông ở chỗ được bao nhiêu đem chia cho con cháu. Đứa nào khó khăn tới hỏi mượn, bà móc bao ra, đếm luôn trước mặt cho biết để đừng nhòm ngó nữa. Mấy đứa cháu đi học xa, lâu lâu về ghé thăm bà, được bà cho tiền. Thành ra đứa nào cũng thích về thăm bà, thích nói chuyện với bà hơn.

Ngày tết, nhiều người đến chơi nhà mừng tuổi cho ông và bà. Những đứa cháu nội đi làm có lương tất nhiên cũng có bì mừng tuổi cho ông bà. Chúng tôi thấy ông có vẻ mừng hơn bà. 

Đứa đích tôn bảo vì tiền của bà đằng nào bà cũng cho chúng mình, lúc mua xe máy hay khi cưới hỏi chẳng hạn, bà sẽ ban cho một ít, hoặc đám cưới bà sẽ cho một khâu vàng. Còn tiền của ông là ông cất kỹ lắm, thành ra ông vui hơn bà vì ông được giữ của.

Tết là những ngày ông mạnh khỏe nhất trong năm, và ông vui... như trẻ con.

Bà nội hay chì chiết ông chuyện keo kiệt, cứ thắc mắc không hiểu cái ông này cất tiền làm chi, hồi xưa ông mà cẩn thận như vậy thì hay biết mấy.

Bà kể trước năm 1975, ông phục vụ cho chính quyền miền Nam, lương rất cao nhưng ông đánh bạc và cho gái bao hết, có đem về được đồng nào cho bà đâu. Ông xác nhận điều này bằng một cái gật đầu nhẹ tâng, khi bà lọm khọm đi qua giường ông và móm mém trách.

Lạ, xưa ông thoáng rộng chừng nào, nay ông trái tính chừng đó.

Có lần ông chống gậy ra cổng, tất nhiên trước khi đi ông đã nhét cục tiền vào túi áo. Ông bảo tao phải đi tìm mấy thằng con đòi tiền cái đã. 

Tôi theo ông, phòng khi ông trượt gậy, phòng khi ông sơ suất mất cục tiền. Đi một vòng qua nhà mấy bác, ông chẳng đòi được đồng nào. Về đặt mình xuống giường, ông thở dài: "Mất trắng rồi, chắc có ngày nó bán mình luôn để ăn".

Ông có thể lẫn lộn chuyện này qua chuyện nọ, riêng tiền các bác nợ ông nhớ rất dai. Tận dăm năm trước bác Cả có mượn triệu rưỡi để trả tiền nhậu ở mấy quán. Năm kia bác Ba mượn hai triệu nộp phạt tội đánh bạc. 

Bác Bốn mới mượn một triệu năm ngoái để xoa dịu cô gái nào đó bên quán hát. Vòi được tiền ông không dễ, nhưng đường cùng ông phải móc gói ra kèm câu dặn: "Tao cho mượn, nhớ trả".

Suốt buổi chiều cái hôm đòi nợ không được, ông cứ cọ quậy chân xát vào chiếu. "Mấy cái thằng đó mượn tiền đánh bạc ăn nhậu hú hí chớ có làm chi cho vợ con đâu". 

Bà nội ở giường đầu kia được dịp đay nghiến: "Chúng nó giống ông hồi trước đó thôi". Tới đoạn này ông nguôi giận, mặt giãn ra trông cũng đẹp lão. Chẳng phải vì ông xấu hổ với bà đâu, chỉ là ông cho rằng chắc ở đây có chút di truyền.

Vì từng có lần hồi xưa, vừa đi học tập cải tạo sau giải phóng trở về, ông nội kêu tất cả năm đứa con ra sắp hàng để ông xem mặt xem tướng. Không đứa nào giống đứa nào, và cũng chẳng đứa nào giống người cha đang đứng săm soi với cây roi tre trên tay. Lúc đó, bà nói tại ông về nhà như chơi du kích, chúng nó có nhìn được mặt cha đâu mà bảo phải giống. 

Nghe qua cũng có lý, cuối cùng ông quất mỗi đứa một roi, không một tiếng khóc kêu đau. Bà nói: "Lì giống cha nó". Vì mấy chữ này, chính xác chỉ vì một chữ trong đó thôi mà ông chấp nhận bỏ qua chuyện nghi ngờ.

Thỉnh thoảng bà thả chữ "giống" này rất khéo. Ví dụ có lần công an xã đến nhà nhắc nhở bác Cả hay tụ tập chơi bài xóc đĩa. Ông nổi giận đùng đùng chụp cái đòn gánh định rượt người con đầu, nhưng nghe bà nói "giống ông đúc" là ông thả đòn gánh ngay. 

Hay có lần bên nhà bác Bốn ồn ào, vợ ghen chồng đi hát ca-ra-ô-kê đèn mờ, ông nội ngồi bên này cười khúc khích bảo: "Vợ chồng lâu lâu cũng phải có chuyện chứ".

Mấy bác gái ngồi xào nấu cúng giỗ thường rỉ tai nhau rằng ông nội rất cưng mấy đứa con trai. Có lẽ vì cuộc chiến đã kéo ông đi quá lâu, tới tàn cuộc ông vẫn phải đi tiếp mấy năm, ông bỏ rơi những đứa con lúc ấu thơ, nên giờ phải thương chứ.

Lúc ông mất, bọc tiền dưới gối đem ra lo được cái hậu sự rất chu tất.

Bà nội bảo ông cất tiền mừng tuổi chỉ để đợi đến ngày này thôi, vì ông sợ mấy đứa con không phải máu mủ rất có thể sẽ bỏ rơi ông trong chuyến đi cuối cùng này, như năm xưa chiếc trực thăng hứa hẹn đưa ông đi nửa vòng Trái đất đã bỏ ông ở lại.

Người già, sống ngắn nhưng lo rất xa.

Truyện ngắn của HOÀNG CÔNG DANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên