Phóng to |
Nguyễn Tiến Minh sẽ tạo kỷ lục cho cầu lông VN khi ra nước ngoài đấu thuê với giá hơn nửa tỉ đồng - Ảnh: T.P. |
IBL được tổ chức với sự tham dự của sáu CLB cầu lông mạnh nhất của Ấn Độ và tiền thưởng lên đến hàng triệu USD. Giải cho phép mỗi CLB được thuê tối đa hai VĐV nước ngoài nên ban tổ chức (BTC) đã gửi thư mời hầu hết các VĐV hàng đầu thế giới tham dự. Đối với VN, ngoài Tiến Minh, còn một số VĐV khác cũng được mời. Sau khi nhận được hồi âm xác nhận chuyện tham dự từ các VĐV nước ngoài, BTC IBL sẽ phân phối VĐV nước ngoài về các CLB theo hình thức đấu giá vào cuối tháng 6.
Tiến Minh cho biết: “Tôi đã đồng ý sang Ấn Độ thi đấu nhưng phải chờ đến cuối tháng 6 mới biết mình thi đấu cho CLB nào sau cuộc đấu giá. Hình thức đấu giá là nếu có từ hai CLB trở lên ưng ý với VĐV nào đó thì CLB nào trả thù lao cao hơn sẽ có được VĐV mình muốn. Theo tôi biết, tiền thù lao quy định cho VĐV nước ngoài được phân bổ như sau: đối với VĐV hạng 1 đến hạng 5 thế giới thì tối thiểu là 50.000 USD, VĐV từ hạng 6 đến 12 sẽ được 25.000 USD, từ hạng 13 đến 20 là 20.000 USD... Tôi đang xếp hạng 9 thế giới nên sẽ nhận tối thiểu 25.000 USD nếu được chọn”.
* Nói về chuyện tài chính, gần đây nhiều người ngạc nhiên khi anh đang thương lượng với Yonex, giờ chót lại ký hợp đồng với Công ty Kawasaki?
- Sau khi kết thúc hợp đồng với nhà tài trợ cũ Victor, tôi và Yonex đã ngồi lại thương lượng. Yonex rất thiện ý khi sẵn sàng hỗ trợ chi phí cho tôi thi đấu nhiều giải quốc tế và thêm 3.000 USD/tháng. Tuy nhiên, Yonex ràng buộc tôi phải có những thành tích cụ thể ở những giải đấu lớn khiến tôi cảm thấy áp lực.
Vì thế, tôi quyết định ký hợp đồng với Kawasaki bởi họ đảm bảo cho tôi thi đấu 10 giải quốc tế/năm với mức lương cao hơn nhiều so với Yonex. Quan trọng là Kawasaki không gây áp lực thành tích mà tôi chỉ cần mặc áo của họ thi đấu. Ngoài ra, Kawasaki cũng tạo điều kiện cho tôi tập huấn cùng CLB cầu lông Kawasaki tại Malaysia (đất nước của tay vợt số 1 thế giới Lee Chong Wei) bất cứ khi nào tôi muốn. Hợp đồng với Kawasaki có thời hạn ba năm và có hiệu lực từ đầu tháng này (tháng 6-2013).
Ngoài hợp đồng với Kawasaki, tôi đã gia hạn hợp đồng một năm với Công ty Becamex. Theo hợp đồng này, tôi sẽ được 50 triệu đồng/tháng nếu đứng trong top 10 thế giới, 25 triệu đồng nếu từ hạng 11-20 và 20 triệu đồng nếu giữ được ở tốp 25 thế giới.
* Nhưng phong độ thời gian gần đây của anh không tốt như trước. Anh sẽ nỗ lực thế nào để xứng đáng với số tiền tài trợ như vậy?
- Dĩ nhiên tôi sẽ làm hết sức mình để có thành tích, tạo hiệu ứng tốt cho những nhà tài trợ của mình. Tôi thừa nhận sau hơn chục năm cống hiến cho cầu lông, tôi không còn giữ được sự nhanh nhẹn ở tuổi 30. Thêm vào đó, các tay vợt trẻ thế giới tiến bộ nhanh đến chóng mặt nhờ sự trợ giúp của đội ngũ HLV, chuyên gia hùng hậu và phương tiện khoa học.
Tôi cho rằng nếu sinh muộn 10 năm, có lẽ tôi cũng không thể leo lên vị trí hiện nay với cách đầu tư và cách làm thể thao như ở VN hiện nay. Nói vậy để người hâm mộ có thể thông cảm cho tôi. Tôi dự định giã từ nghiệp VĐV sau ba năm nữa, sau khi kết thúc hợp đồng với Kawasaki. Đã đến lúc tôi phải suy nghĩ cho tương lai và tích cóp một số tiền học làm HLV để có thể tiếp tục gắn bó với cầu lông sau khi giã từ sự nghiệp.
* Anh nghĩ gì về thế hệ VĐV kế cận mình?
- Có lẽ nhiều năm nữa cầu lông VN cũng không có ai thay thế được tôi. Đơn giản bởi VĐV ngày nay có quá nhiều chuyện phân tâm. Rất ít người chơi cầu lông vì đam mê như các thế hệ trước đây mà luôn đặt câu hỏi “chơi cầu lông, tôi sẽ được gì?” trước tiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận