22/06/2004 08:39 GMT+7

"Tiền mất tật mang"

Bài, ảnh: KIM SƠN
Bài, ảnh: KIM SƠN

TT - Tại TP.HCM trong tiến trình xã hội hóa ngành y tế, các bệnh viện tư không phải không có những đóng góp tích cực. Tuy nhiên, ở đây cũng có những câu chuyện thuộc loại “tiền mất tật mang” mà không biết kêu vào đâu.

FcdwefRQ.jpgPhóng to
Bệnh nhân B.Nh. ...
TT - Tại TP.HCM trong tiến trình xã hội hóa ngành y tế, các bệnh viện tư không phải không có những đóng góp tích cực. Tuy nhiên, ở đây cũng có những câu chuyện thuộc loại “tiền mất tật mang” mà không biết kêu vào đâu.

24 giờ, mất 8 triệu đồng, bệnh còn nguyên...

Theo phản ảnh của ông H.Q.T., 43 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình: “Lúc 15g ngày 20-5-2004, trên đường công tác về, bị đau bụng dữ dội, vào BV đa khoa quốc tế Columbia Gia Định (1 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh), tôi được BS Phan Trí Tín khám và cho lấy máu, nước tiểu xét nghiệm, siêu âm bụng.

Từ 16-17g, BS cho uống thuốc, chích thuốc và truyền dịch nhưng sau đó quá đau, BS Tín bảo phải ở lại theo dõi và vẫn cho truyền dịch. Tôi xin nằm phòng có toilet riêng, cô nhân viên cho biết giá 63 USD/ngày đêm. Đến đêm đau dữ dội nhưng BS chỉ cho thuốc uống và truyền dịch tới sáng.

tLE6YwOx.jpgPhóng to
và cái đinh được lấy ra từ chân
Sáng 21-5, đau hơn nhiều, BS khám xong cho đi nội soi dạ dày và vẫn cho thuốc uống. Đầu giờ chiều, BS bảo đi chụp CT scanner và cho xe đưa sang khu chẩn đoán hình ảnh Medicon (6 Nguyễn Huy Lượng, phường 14, quận Bình Thạnh) gần đó để chụp. Về phòng, tôi vẫn còn đau và có báo BS mà không thấy hồi âm.

Đến 15g30 BS Tín nói với tôi: “Thôi ông về đi, tôi cho toa thuốc điều trị”. Khi người nhà thanh toán viện phí mới biết tổng số tiền cho công việc của 24 giờ chạy chữa cùng một mớ thuốc hết 8.076.000 đồng. Về nhà, đêm đó tôi đau không chịu được, sáng 22-5-2004 phải đi cấp cứu và nhập viện tại BV Chợ Rẫy với chẩn đoán viêm dạ dày cấp + viêm khớp gout mãn.

Nằm tại khoa điều trị theo yêu cầu, phòng ốc khang trang với đầy đủ tiện nghi, làm các xét nghiệm và sử dụng số lượng thuốc khá nhiều, đến 5-6-2004 tôi xuất viện, nhưng tổng chi phí chỉ 7.822.000 đồng”.

Xem lại hồ sơ bệnh nhân (BN) do BV đa khoa quốc tế Columbia cấp, chúng tôi thấy giấy ra viện do BS Nguyễn Vĩnh Tường ký với phần chẩn đoán và điều trị viết toàn bằng tiếng Anh, lại viết tháu rất khó đoán. Nhờ các BS nhiều kinh nghiệm đọc, cũng chỉ giải thích được phần chẩn đoán ra viện: viêm dạ dày, viêm gan do rượu.

Còn phần phương pháp điều trị thì cả ba dòng hoàn toàn không thể đọc, suy đoán là phương pháp gì. Mặc dù trên giấy ra viện có in sẵn ô giờ, phút nhập viện và xuất viện, nhưng BS “lờ” đi không ghi, chỉ ghi ngày nhập viện: 20-5-2004, xuất viện: 21-5-2004. Như vậy, với giá 63 USD/ngày đêm được nhân lên gấp đôi, dù BN nằm chỉ 24 giờ nhưng tính hai ngày: 993.636 đồng x 2 = 1.987.272 đồng.

Ngoài ra, BN còn phải trả tiền y tá (VN) truyền dịch: 248.409 đồng/lần, BS (VN) thăm khám thông thường: 185.806 đồng/lần; nội soi dạ dày: 579.821 đồng; giá chụp CT scanner bụng có cản quang tại Medicon là 1 triệu đồng (Columbia Asia chở BN sang Medicon chụp)...

Tai biến, ai chịu trách nhiệm?

Theo phản ảnh của bà Nguyễn Thị Mai Nhung, quận Tân Bình, có con gái là B.Nh., 24 tuổi, do bị trật khớp háng bẩm sinh lúc 11 tháng tuổi dẫn đến ngắn chân trái 6cm, đi thọt. Ngày 27-5-2003, bà đưa con đến BV Sài Gòn ITO, được BS Lê Đức Tố mổ để kéo dài chân trái, nằm viện đến 8-6-2003 xuất viện, tổng chi phí 10.796.000 đồng.

Khi ra viện, gia đình được hướng dẫn cách tăng khung và chăm sóc, hẹn một tháng sau tái khám. Đúng hẹn, đến tái khám, xin gặp BS Tố, thì ở đây nói BS Tố đi nước ngoài, cứ vào ai khám cũng được.

Từ đó, tháng nào bà Nhung cũng đưa con tái khám và được BS Quách Trung Hào khám, BS Hào nói chân diễn biến tốt. Ngày 20-4-2004, BS Hào khám lần cuối cùng, cho chụp phim và nói là xương đã chắc, tháo khung được rồi. Ngày 28-4-2004, bà Nhung đưa con nhập viện, làm các xét nghiệm, đến 9g thì cô Nh. được đưa vào phòng mổ. Sau khi mổ, BS ra nói là còn gãy một chân đinh.

Gia đình rất lo lắng, nhưng BS Hào bảo không sao, người ta còn để lại mảnh đạn trong người cũng được. Sau khi về phòng điều trị hai ngày, cô Nh. thấy chân đau dữ dội, được đưa đi chụp phim thì các BS kết luận chân đã gãy, rồi bó bột cứng từ thắt lưng đến bàn chân. Nằm viện tám ngày, tổng viện phí trên 5 triệu đồng. Về nhà, cô Nh. rất lo sợ và đau nhức. Bà Nhung đi hỏi thăm ở BS khác thì được biết khi tháo khung, nên để hở cho dịch thoát ra, đằng này BS Hào may bít lại. Theo yêu cầu của gia đình, ngày 26-5-2004 BS Hào có đến nhà để cắt chỉ các vết chân đinh, nhưng không mang dụng cụ mà lấy kéo cắt giấy, cắt móng tay để cắt chỉ cho cô Nh..

Khi gia đình bà Nhung kiến nghị xem xét vấn đề thì ngày 7-6-2004, BS Hoàng Đức Quang - giám đốc BV Sài Gòn ITO - có văn bản trả lời như sau: “Ban giám đốc đề nghị gia đình đưa BN Nh. đến nhập viện lại, nếu gia đình yêu cầu GS hay BS nào khác điều trị tiếp cho BN thì BV sẽ mời, ngoại trừ BS Lê Đức Tố”.

Ngày 8-6-2004, gia đình tiếp tục đề nghị BV trả lời ngay xem cô Nh. sẽ mổ tại đâu, BS mổ là ai... trước khi mổ BV phải cam kết: sau khi mổ phải có kết quả tốt... thì BV không cam kết về đảm bảo chuyên môn. Ngày 9-6-2004 giám đốc BV có văn bản đổ lỗi cho BS Tố chỉ định kéo dài chi không đúng và đổ lỗi cho BN không nghe lời dặn của BS Hào.

Ngày 12-6-2004, bà Mai Nhung thông tin: “Tôi thấy con đau quá và chân có dấu hiệu diễn biến xấu, không chờ được nữa nên ngày 11-6-2004 đã đưa tới BV Vạn Xuân để mổ lấy đoạn đinh gãy ra và cố định xương”. Chúng tôi được biết ngày 18-6-2004 BN đã xuất viện và đang tập đi lại.

Đây không phải là một vụ, có trường hợp BV Sài Gòn ITO phải thương lượng bồi thường cho BN hàng trăm triệu đồng.

Bài, ảnh: KIM SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên