04/05/2010 05:03 GMT+7

Tiền cotton cũ bị chê

A.HỒNG
A.HỒNG

TT - Gần đây nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ phản ảnh khi thanh toán bằng tiền cotton (giấy) mệnh giá 10.000, 20.000 đồng bị các cửa hàng, trung tâm mua sắm từ chối.

Adjw1rlX.jpgPhóng to
Tiền đồng cotton vẫn sử dụng ở chợ - Ảnh: N.C.T.

Xung quanh vấn đề này, ông Trần Văn Hai - phó giám đốc Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM - cho biết hiện Ngân hàng Nhà Nước mới đình chỉ lưu thông tiền cotton mệnh giá 50.000, 100.000 đồng, còn tiền cotton mệnh giá 10.000, 20.000 đồng vẫn còn giá trị lưu hành song song với tiền polymer cùng mệnh giá.

Đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông ở đâu?

Người dân có nhu cầu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông có thể đến các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước. Các đơn vị này thường niêm yết công khai tiêu chí phân loại tiền không đủ tiêu chuẩn cũng như mức phí tại nơi giao dịch để làm căn cứ xác định đổi tiền.

Với tiền không đủ tiêu chuẩn do quá trình lưu thông thì đổi không giới hạn số lượng, không thu phí, cũng không đòi thủ tục và được đổi ngay. Trường hợp tiền bị hư hỏng do nguyên nhân chủ quan như để cháy, nhiễm hóa chất... thì đổi có thu phí.

Lý do các điểm bán hàng từ chối nhận tiền cotton 10.000, 20.000 đồng, theo ông Hai, có nguyên nhân do loại tiền này lưu hành ngoài thị trường không còn nhiều, từ đó một số điểm bán hàng nhầm lẫn rằng không còn giá trị sử dụng.

Bên cạnh đó, tiền cotton 10.000 và 20.000 đồng cũng đã khá cũ nát, nhiều điểm bán hàng ban đầu vẫn nhận các tờ tiền này nhưng sau đó đem đi thanh toán lại thì những nơi khác không chịu nhận nên về sau cũng từ chối nhận.

Theo ông Hồ Hữu Hạnh - giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, tiền cotton loại 10.000, 20.000 đồng hiện vẫn còn giá trị lưu thông ngang với các tờ tiền polymer cùng mệnh giá. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không phát hành thêm tờ cotton mệnh giá này mà thông qua các ngân hàng, kho bạc, Ngân hàng Nhà nước đang thu hồi bớt những tờ tiền này, đồng thời thay thế bằng tiền polymer.

Với các tờ tiền cotton mệnh giá nhỏ như 5.000, 2.000, 1.000, 500 đồng bị từ chối thanh toán là do lưu thông nhiều dẫn đến nhàu nát, phai màu hoặc hư hỏng. Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng thông qua các kho bạc, ngân hàng thu hồi để thay thế bằng tiền cotton mới. Tuy nhiên hiện nay Ngân hàng Nhà nước hầu hết chỉ thu về được các tờ tiền mệnh giá lớn để tuyển chọn, đưa trở lại lưu thông những tờ tiền đạt tiêu chuẩn.

Ngược lại, các tờ tiền mệnh giá nhỏ các đơn vị bán lẻ hầu hết giữ lại để thối cho khách. Vì vậy ngân hàng ít có điều kiện tuyển lựa, giữ lại những đồng tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông nộp về Ngân hàng Nhà nước.

Cũng theo ông Hạnh, với tiền polymer mệnh giá 10.000, 20.000 đồng “xuống sắc”, Ngân hàng Nhà nước đang thu dần để thay thế bằng các tờ tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông. Tiền polymer mệnh giá 10.000 và 20.000 đồng “xuống sắc” một phần do những đồng tiền này đã được xài quá nhiều, bị gấp nhiều lần, mực in bị mài mòn dần. Loại tiền này khi ngân hàng chi ra ít khi được khách hàng nộp về ngân hàng mà cứ “trả qua trả lại”, tốc độ quay vòng quá lớn, đến khi xuống cấp thì khó thanh toán, người nhận cuối cùng phải đưa vào ngân hàng để đổi.

Theo quy định, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông được chia ra ba loại: do quá trình lưu thông và do quá trình in - đúc thì thu đổi không thu phí, do bảo quản làm hư hỏng thì có thu phí (4% trên số tiền đổi nhưng không thấp hơn 2.000 đồng). Các ngân hàng, kho bạc trong quá trình thu chi tiền mặt với khách hàng phải tuyển chọn và thu hồi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Tuy nhiên, không ít ngân hàng chỉ nhận tiền đẹp, còn tiền cũ, xấu thì yêu cầu khách hàng... đổi tiền khác để có thể chi ngay cho khách hàng khác thay vì để tiền nằm kho chờ nộp về Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, trong quá trình giao dịch phát hiện có lẫn tiền bị hư hỏng do bảo quản như bị mất góc, cháy, thủng... đổi phải chịu phí nên ngân hàng không nhận, trừ trường hợp khách hàng muốn đổi và chịu phí.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên