09/12/2018 00:26 GMT+7

Tiêm insulin tại nhà

Nguồn: Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam
Nguồn: Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam

Người bệnh đái tháo đường type 1 nói riêng và các trường hợp có chỉ định của bác sĩ nói chung, đều cần tiêm bổ sung insulin để cân bằng lượng glucose máu.

Tiêm insulin tại nhà - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: healthandrelief.com

Người bệnh đái tháo đường type 1 nói riêng và các trường hợp có chỉ định của bác sĩ nói chung, đều cần tiêm bổ sung insulin để cân bằng lượng glucose máu. Ngoài việc đến cơ sở y tế gần nhất, bạn hoàn toàn có thể tự tiêm insulin tại nhà. Phần hỏi đáp sau sẽ giúp bạn hiểu rõ và thực hiện tiêm insulin chính xác nhất.

Sử dụng insulin tại nhà như thế nào?

Tiêm insulin trực tiếp qua da là phương pháp phổ biến và hữu hiệu nhất. Để tiêm insulin tại nhà, bạn có thể chọn một trong ba dụng cụ gồm: Kim tiêm (syringe), bút tiêm insulin (insulin pen) hoặc máy tiêm insulin tự động (insulin pump).

Dù chọn dụng cụ nào, bạn đều phải học cách xác định liều lượng để chắc chắn tiêm vừa đủ lượng insulin theo kê đơn của bác sĩ. Quy trình tái sử dụng thiết bị tiêm cũng cần cân nhắc thật kỹ. Trong một số trường hợp, người có vấn đề về hệ miễn dịch, bị vết thương hở gần chỗ tiêm sẽ đối diện với những nguy cơ tiềm ẩn khi dùng lại kim tiêm.

Có nhiều loại insulin, tôi nên tiêm loại nào?

Hiện trên thị trường có nhiều loại insulin gồm: Tác dụng nhanh, tác dụng ngắn, tác dụng trung bình và tác dụng lâu dài và loại trộn sẵn. Chúng khác nhau về công thức, thời gian hiệu lực và giá cả. Để biết rõ mình nên tiêm loại insulin nào tại nhà, bạn cần đến khám và nhận chẩn đoán, chỉ định điều trị chính xác từ bác sĩ. Đôi khi, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tiêm kết hợp hai loại insulin khác nhau để tối ưu hóa hiệu quả. Tự ý mua và tiêm insulin tại nhà có thể khiến tình trạng bệnh đái tháo đường của bạn thêm trầm trọng.  

Cần tiêm insulin ở vị trí nào trên cơ thể?

Thông thường, bạn chỉ cần tiêm insulin vào phần mô mỡ bên dưới da và insulin sẽ tự động đi vào máu. Bụng là vị trí tiêm insulin phù hợp nhất vì khả năng hấp thụ và chuyển hóa ổn định. Ngoài ra, bạn cũng có thể tiêm ở mông hoặc đùi – những bộ phận có nhiều mô mỡ.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, người bệnh đái tháo đường cần tiêm insulin ở khu vực nhất định (bụng, mông hoặc đùi) để duy trì khả năng hấp thụ cho cơ thể. Tuy nhiên, tuyệt đối không tiêm nhiều lần vào đúng một vị trí trên da. Khi bị tiêm liên tục, phần mô mỡ ngay vị trí đó có thể hình thành mô sẹo dưới da, gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng quá trình lưu thông insulin vào máu. 

Tiêm insulin có đau không?

Nhưng đã trình bày ở trên, người bệnh đái tháo đường chỉ tiêm insulin vào dưới da, không tiêm trực tiếp vào cơ bắp hay mạch máu (vein). Nhờ đó, quá trình tiêm insulin không hề đau đớn. Tất nhiên, những lần đầu mới tiêm insulin tại nhà sẽ khó tránh khỏi cảm giác khó chịu. Khi tâm trạng lo lắng vơi đi và cơ thể dần quen với chu kỳ tiêm insulin, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.

Tiêm insulin lúc nào là tốt nhất?

Phần đông người bệnh đái tháo đường type 1 cần ít nhất 2 lần tiêm mỗi ngày, và cũng có thể tiêm 3 hoặc 4 lần mỗi ngày. Người đái tháo đường type 2 bắt đầu với 1 lần tiêm mỗi ngày và sẽ điều chỉnh tùy theo chẩn đoán, đánh giá của bác sĩ. Thời điểm tiêm tại nhà sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào loại insulin bạn được kê đơn. Ví dụ nếu bạn đang sử dụng insulin tác dụng nhanh (rapid-acting insulin), thời gian tiêm có thể là 15 phút trước bữa ăn. Ngược lại, insulin tác dụng ngắn (short-acting insulin) cần nhiều thời gian hơn nên người bệnh cần tiêm ít nhất 30 phút trước khi ăn.

Nguyên tắc chung cho người tiêm insulin tại nhà là: Cố gắng điều chỉnh sao cho thời điểm insulin bắt đầu phát huy tác dụng trùng với lúc glucose từ thức ăn chuyển hóa vào trong máu./.

Nguồn: Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên