Du học sinh Việt Nam tại Trường đại học Khoa học và công nghệ Bình Đông dùng trà chúc nhau trong bữa tiệc của trường - Ảnh: Hà Bình |
Tôi có sự đồng cảm khi đọc bài viết “Dự tiệc dùng trà thay rượu”. Quan trọng là chất lượng buổi tiệc - tôi nghĩ vậy và nhiều người bạn của tôi đồng ý như thế.
Do vậy, những buổi họp mặt của tôi và những người bạn vẫn thường là những buổi uống trà, ngồi nói chuyện với nhau một cách thoải mái, nhẹ nhàng với tinh thần lắng nghe, chia sẻ.
Uống trà trong những buổi gặp gỡ như vậy còn được chúng tôi gọi là “nghệ thuật sẻ chia và làm mới”, vì từ những buổi ngồi lại trong sự thanh tao, tỉnh táo với chén trà làm cầu nối đã giúp mỗi người tham gia cởi mở hơn, nói những điều mình suy nghĩ, khúc mắc... một cách chân thành và được tất cả anh em, bạn bè tham dự tập trung lắng nghe, sau đó đưa ra những ý kiến định hướng, giúp đỡ.
Và như thế, sau buổi trò chuyện ấm áp tình anh em, bạn bè đó, bước ra khỏi buổi tiệc trà (ngoài trà còn có bánh ngọt), mỗi người đều cảm nhận mình trở nên... mới mẻ, nhẹ nhàng, tin tưởng hơn vào việc mình đang làm hoặc thấy rõ những suy nghĩ của mình ở hiện tại, từ đó như tháo gỡ những nút thắt ở trong lòng.
Tính kết nối từ những buổi uống trà cùng nhau chính là ở chỗ đó, khi những người bạn, thân hữu ngồi với nhau trong sự tỉnh táo và lắng nghe nhau một cách sâu sắc. Chính vì thế mà chúng tôi duy trì những buổi “hẹn hò” bên tách trà hằng tháng.
Về các mối quan hệ xã hội khác, nếu tiệc trà thay cho tiệc rượu được mở rộng, dần trở thành quy chuẩn cho ứng xử, trong giao tế với nhau thì có lẽ con người sẽ không bị đầu độc từ từ bởi thức uống khiến trí não bị kích thích, gan ruột bị tổn hại.
Nếu ai cũng suy nghĩ đến chất lượng của những buổi gặp gỡ, giao lưu, bắt đầu bằng những cái bắt tay và câu chuyện nghiêm túc, chân thành, không lấy cớ uống bia rượu cho dễ nói chuyện thì chắc chắn sức khỏe lẫn tinh thần của cả xã hội sẽ được cải thiện rất nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận