16/02/2017 09:10 GMT+7

Dự tiệc dùng trà thay rượu

NGỌC THƠM (TP.HCM)
NGỌC THƠM (TP.HCM)

TTO - Đến Trường đại học Khoa học và công nghệ Bình Đông (TP Bình Đông, vùng lãnh thổ Đài Loan) công tác vào cuối tháng vừa qua, gặp đúng dịp trường tổ chức tiệc cho cán bộ, nhân viên toàn trường nên chúng tôi được mời chung vui.

Du học sinh Việt Nam tại Trường đại học Khoa học và công nghệ Bình Đông dùng trà chúc nhau trong bữa tiệc của trường - Ảnh: Hà Bình
Du học sinh Việt Nam tại Trường đại học Khoa học và công nghệ Bình Đông dùng trà chúc nhau trong bữa tiệc của trường - Ảnh: Hà Bình

Tiệc được tổ chức ở khoảng sân rộng trong trường, mỗi bàn tròn ngồi mười người như đi đám cưới ở ta. Phía trên sân khấu đèn nhấp nháy, các trò chơi bốc thăm trúng thưởng và nhạc sống liên tục diễn ra sôi động.

Giữa bàn tiệc để sẵn mười ly nhỏ thủy tinh kiểu hay dùng uống rượu. Cạnh đó là bình nhựa khoảng 1 lít màu như... rượu chuối hột hay rượu thuốc. Bình còn lại màu trắng đục, kiểu như rượu nếp. Vào tiệc, mấy người cùng bàn rót hai chai ấy vào và tất cả nâng ly.

Hóa ra, “rượu chuối hột” là trà và “rượu nếp” là sữa như kiểu sữa đậu nành. Khi mời nhau, thực khách nâng ly lên, hướng về người được mời rồi nhấp một ngụm... trà trong ly như kiểu mời rượu.

Giáo sư Tài Xương Hiền - hiệu trưởng nhà trường - cầm ly trà đi khắp các bàn chúc giáo sư, giảng viên, nhân viên trong trường. Ai cũng nói cười vui vẻ. Không thấy cảnh đỏ mặt đỏ tai, không có âm thanh “1,2,3 zôôô...” dài bất tận hay “rượu vào lời ra” như những bữa tiệc dùng rượu bia.

Đem chuyện “uống trà” này thắc mắc với anh Li-ying Chen - cán bộ ngành giáo dục Đài Loan - đi cùng, anh nói thật ra do tiệc tổ chức trong trường nên không thấy rượu bia. Còn tiệc ở ngoài của người dân vẫn uống rượu bia như thường.

Cô Âu Quý Hi - bí thư giáo dục Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM - kể thêm trước đây người dân ở Đài Loan uống rượu bia rất nhiều.

“Thậm chí có những trò chơi như oẳn tù tì uống rượu, ép nhau uống say bí tỉ và “luật” ai vào sau phải uống vài ly. Khi ấy, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do người uống rượu bia lái xe gây ra.

Trước tình hình đó, chính quyền đã cấm lái xe khi uống rượu bia và phạt thật nặng nếu vi phạm. Cùng với việc xử phạt, ngành giáo dục cũng đưa vào nhà trường cho học sinh từ cấp I trở lên biết tác hại của rượu bia, tuyệt đối không uống rượu bia khi lái xe.

Học sinh cũng được đưa ra đường tìm hiểu luật giao thông để các em nắm và không được vi phạm. Dần dần, không còn chuyện người uống rượu bia lái xe nữa và tai nạn giao thông cũng giảm đi” - bà Âu Quý Hi nói.

Cũng theo bà Hi, do Trường đại học Khoa học và công nghệ Bình Đông có khuôn viên rộng, cán bộ nhân viên hầu hết lái xe đi làm. Họ không uống rượu vì phải lái xe về.

“Ngoài thói quen của người dân thì các trường học, cơ sở giáo dục phải đi đầu và làm gương trong việc sử dụng rượu bia. Đó cũng là lý do trường dùng trà thay rượu trong bữa tiệc” - bà Hi nói thêm.

Dự một bữa tiệc dùng trà thay rượu bia, tôi thấy vẫn vui như thường. Đó là chưa kể không rượu bia sẽ tránh được những hành vi mất kiểm soát, rượu vào lời ra gây mất lòng, ảnh hưởng sức khỏe và cả những tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi lái xe...

Đừng bắt các em nộp vỏ bia làm “kế hoạch nhỏ”

“Cha uống nhiều bia cho con có nhiều lon!”. Câu nói trên của đứa cháu với anh trai tôi khiến tôi giật mình. Sao con lại bảo cha con phải uống nhiều bia?

Cháu tôi không ngần ngại nói: “Cha uống nhiều bia thì con mới có đủ lon bia nộp cho lớp. Không nộp đủ 25 lon bia thì con không hoàn thành kế hoạch nhỏ của mình”.

Hóa ra là cháu tôi đang thực hiện chương trình kế hoạch nhỏ của lớp.

Ngày trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, kế hoạch nhỏ của lớp chúng tôi thường là nộp vài cái đuôi chuột hay vài ký giấy vụn. Vậy nên, nay nghe chuyện làm kế hoạch nhỏ bằng nộp lon bia thì có gì đó không ổn!

Sao lại không làm kế hoạch nhỏ bằng cách khác mà cứ phải là nộp lon bia? Tôi được biết hiện nay nhiều trường học ở các tỉnh miền Trung đang duy trì việc “buộc” học sinh nộp lon bia để làm kế hoạch nhỏ hằng tháng.

Cách này vô hình trung đã gieo rắc vào đầu những đứa trẻ như cháu tôi một cách nghĩ: uống bia là tích cực, uống bia là tốt!

Một vấn đề đang được xã hội quan tâm và đáng suy ngẫm đó là: Việt Nam nằm trong nhóm các nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới. “Danh hiệu” này hoàn toàn không lấy gì làm đẹp.

Chúng ta đang nỗ lực tuyên truyền, kêu gọi hạn chế uống rượu bia. Việc các trường làm kế hoạch nhỏ bằng cách yêu cầu học sinh nộp lon bia có vẻ như đi ngược với việc tuyên truyền giảm uống rượu bia.

VÕ MINH HUY (Quảng Ngãi)

NGỌC THƠM (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên