24/10/2007 16:38 GMT+7

Tỉ giá VND/USD cao: Được ít, thua nhiều!

Theo NGUYỄN NGỌC TRINH - Sài Gòn Tiếp Thị
Theo NGUYỄN NGỌC TRINH - Sài Gòn Tiếp Thị

Đầu tư trực tiếp và gián tiếp, giải ngân ODA, kiều hối,... một lượng ngoại tệ lớn đã và đang vào Việt Nam. Làm sao để giảm áp lực ngoại tệ lên tiền đồng? Xin giới thiệu phân tích, kiến giải của các chuyên gia.

uGx99JZx.jpgPhóng to
Đồng đôla Mỹ trở nên lựa chọn nóng trong giao dịch Ảnh: SGTT
Đầu tư trực tiếp và gián tiếp, giải ngân ODA, kiều hối,... một lượng ngoại tệ lớn đã và đang vào Việt Nam. Làm sao để giảm áp lực ngoại tệ lên tiền đồng? Xin giới thiệu phân tích, kiến giải của các chuyên gia.

Trong điều kiện hiện nay, việc tiếp tục theo đuổi chính sách VND yếu một cách thái quá là điều không nên, bởi phần lợi thu được đang ngày càng nhỏ so với phần thua thiệt mà chúng ta phải gánh chịu.

Theo thống kê của Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu như tỉ giá thực tế giữa VND và USD năm 2000 là 14.157 VND/USD, thì năm 2006 vừa qua là 15.965 VND/USD. Tức là tốc độ mất giá của đồng tiền của nước ta so với đôla Mỹ là 2,02%/năm.

Với tốc độ mất giá như vậy của VND, hiển nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu được lợi, còn các doanh nghiệp nhập khẩu bị thiệt.

Đó là, ở phía xuất khẩu hàng hóa, với tổng kim ngạch năm 2000 là 14,455 tỉ USD và năm 2006 là 39,826 tỉ USD, tốc độ tăng bình quân chỉ là 18,40%/năm, nhưng nếu quy ra VND thì năm 2000 đạt 204.639,43 tỉ đồng và năm 2006 đạt 635.822,09 tỉ đồng, cho nên tốc độ tăng bình quân đã được khuếch đại lên 20,80%/năm.

Sự chênh lệch giữa tốc độ tăng xuất khẩu tính bằng USD và VND chỉ trên 2%/năm này ứng với khoản lợi khổng lồ 72.005,41 tỉ đồng mà các doanh nghiệp xuất khẩu thu được trong năm 2006 thông qua biến động của tỉ giá, bởi nếu quy về giá năm 2000, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 39,826 tỉ USD tính bằng VND chỉ là 563.816,68 tỉ đồng.

Thế nhưng, ở phía nhập khẩu hàng hóa, với tổng kim ngạch năm 2000 là 15,639 tỉ USD và năm 2006 là 44,891 tỉ USD, tốc độ tăng bình quân chỉ là 19,21%/năm. Nhưng nếu quy ra VND thì năm 2000 đạt 221.401,32 tỉ đồng và năm 2006 đạt 716.684,81 tỉ đồng. Cho nên tốc độ tăng bình quân đã được khuếch đại lên 21,62%/năm.

Sự chênh lệch giữa tốc độ tăng xuất khẩu tính bằng USD và VND chỉ trên 2%/năm này cũng ứng với khoản thiệt còn khổng lồ hơn 81.166,92 tỉ đồng mà các doanh nghiệp nhập khẩu phải chi trả thêm trong năm 2006 thông qua biến động của tỉ giá, bởi nếu quy về giá năm 2000, kim ngạch nhập khẩu 44,891 tỉ USD hàng hóa tính bằng VND chỉ là 635.521,89 tỉ đồng.

Không những vậy, vấn đề còn ở chỗ đồng đôla Mỹ trong những năm qua hầu như đã liên tục mất giá ngày càng nhiều hơn. Theo các số liệu của IMF, tốc độ lạm phát của Mỹ trong bảy năm qua lần lượt là 2,2%, 2,4%, 1,7%, 2,1%, 2,8%, 3,0% và 2,9%. Do vậy, chính sự mất giá đó của đồng đôla Mỹ đã tạo ra tác động “kép” không nhỏ cả đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lẫn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa của nước ta.

Nếu quy về giá năm 2000, thì giá mỗi đôla Mỹ năm 2006 phải là 16.428 VND, cho nên kim ngạch xuất khẩu 39,826 tỉ USD hàng hóa năm 2006 tính bằng VND phải là 654.261,53 tỉ, tức là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn được lợi thêm 18.439,44 tỉ đồng. Trong khi đó, cũng quy về giá năm 2000, kim ngạch nhập khẩu 44,891 tỉ USD hàng hóa năm 2006 tính bằng VND phải là 737.469,35 tỉ, tức là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn “dốc hầu bao” chi trả thêm 20.784,54 tỉ đồng.

Như vậy, tính chung lại, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu đã được thu lợi tổng cộng 99.444,85 tỉ đồng, hay 5,665 tỉ USD. Số này bằng 14,22% kim ngạch xuất khẩu theo giá hiện hành vừa do sự mất giá của VND so với đô la Mỹ, vừa do lạm phát của nền kinh tế Mỹ. Còn khoản thiệt “kép” mà các doanh nghiệp chịu trong nhập khẩu 44,891 tỉ USD hàng hóa trong năm này là 101.947,46 tỉ đồng, hay 6,386 tỉ USD và cũng bằng 14,22% kim ngạch nhập khẩu.

Vấn đề đặt ra hiện nay là trong khi đôla Mỹ bằng nhiều con đường khác nhau đang ùn ùn đổ vào nước ta và các nhà quản lý đang phải tìm nhiều cách khác nhau, kể cả “buộc” các ngân hàng thương mại “ôm” thêm để tránh cho nền kinh tế không bị “bội thực” đôla. Mặt khác, theo những nhận định khác nhau, đồng tiền này còn tiếp tục mất giá mạnh trong những năm tới. Liệu chúng ta có nên tiếp tục duy trì chính sách VND yếu để khuyến khích xuất khẩu hay không?

Đây là điều mà có lẽ các nhà quản lý cũng cần xem xét một cách thấu đáo. Dù vẫn tiếp tục khuyến khích xuất khẩu, nhưng với thực trạng nhập khẩu và nhập siêu ngày càng tăng tốc hết sức đáng lo ngại hiện nay, khoản lợi thu được sẽ càng nhỏ hơn khoản thua thiệt mà chúng ta phải gánh chịu như đã nói ở trên.

Bên cạnh đó, do giá nguyên liệu thế giới vẫn tiếp tục sốt nóng, cho nên việc VND tiếp tục mất giá mạnh chắc chắn cũng góp phần làm cho giá cả ở thị trường trong nước tiếp tục nóng theo, bởi nó cũng là một “tấm thấu kính lồi” góp phần làm khuếch đại sốt nóng giá nguyên liệu thế giới giống y như thuế suất nhập khẩu cao mà chúng ta đã mạnh dạn giảm mạnh trong hơn hai tháng qua.

Theo NGUYỄN NGỌC TRINH - Sài Gòn Tiếp Thị
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên