![]() |
Núi bên bờ đông sông Đà đã được bạt đi, hai con đê lấn sông, chỉ để lại 40m cho ngày khởi công sẽ lấp dòng hoàn toàn - Ảnh: Minh Luận |
Đã có hơn 5.000 kỹ sư, công nhân được điều động lên vùng cao này chuẩn bị cho ngày chặn sóng. Cũng có hàng chục ngàn người dân đã ra đi vì dòng điện ngày mai của đất nước. Nhiều bản làng mới đang mọc lên, nhưng nhiều thị trấn khác sẽ chìm sâu trong làn nước.
Nơi không có ngày đêm
“Đùng... ùng... ùng” - tiếng mìn nổ phá đá, bạt núi, liên tiếp nổ vang rền trên những vách núi hai bên bờ sông Đà. Ngày cũng như đêm, núi rừng Tây Bắc như rung chuyển bởi tiếng máy khoan, máy phun, máy xúc cùng hàng đoàn xe tải nặng. Để chuẩn bị việc ngăn dòng, từ hơn hai năm qua đã có 5.000 người thợ về đây.
Huyện Mường La có trên 72.000 dân, chủ yếu là dân tộc Thái, Mông, La Ha... Mường La nằm trong tam giác kinh tế của Sơn La (Mộc Châu - Mường La - Mai Sơn). Toàn huyện có 15 xã, một thị trấn, trong đó 12/16 xã, thị trấn đã có điện lưới quốc gia. Tương lai huyện sẽ có thêm thị trấn Mường Bú và Ngọc Chiến. Để xây dựng thủy điện Sơn La, 53 bản của năm xã với gần 3.000 hộ (trên 15.000 dân) đã phải di chuyển để nhường đất cho công trình thế kỷ này. |
Ngày 15-3-2004, kênh dẫn dòng - hạng mục quan trọng có tính chất quyết định đến tiến độ công trình - đã được thi công. Sông bị san lấn, núi phải “đẽo gọt” đi để thi công kênh dẫn dòng. Việc đào núi, lấp sông này như câu chuyện cổ tích bà Nữ Oa dời núi vậy!”.
Kỹ sư Thực nói: “Cuối tháng mười một này, nơi chúng ta đang đứng đây sẽ ngập chìm trong biển nước, nơi này sẽ là hồ chứa rộng gần 44.000km2, sức chứa lên tới gần 10 tỉ m3 nước”. Một con đập chính dài trên 1km bằng bêtông kiên cố từ dưới lòng sông sẽ lừng lững mọc lên, chạy suốt từ bờ đông sang bờ tây sông Đà.
Không phải bây giờ mà đã gần hai năm qua ở đoạn sông này gần như không có ngày và đêm, cứ hết toán thợ này ra về thì toán khác vào thay ca. Họ miệt mài làm việc để chuẩn bị cho ngày trọng đại nhất - ngày khởi công, chặn dòng sông Đà.
Trên vách núi dựng đứng, cô thợ trẻ Đồng Thị Trang (22 tuổi) đang đu mình trên chiếc thang dây dã chiến kiểm tra lại từng mối dây điện dẫn nguồn từ chiếc máy nổ đặt bên dưới chân núi. Kíp làm việc đầu tiên trong ngày với trên 1.000 công nhân, chỉ mỗi mình Trang là nữ. Học xong lớp 12, cô gái người Tày có khuôn mặt đẹp như một đóa hoa ban này thi vào Trường Công nhân kỹ thuật Việt - Xô (Hòa Bình), học xong cô xin lên công trường này.
Đã có nhiều đám cưới được tổ chức trên công trường, Tổng công ty Sông Đà lại đón thêm những gia đình mới ở lại với thủy điện Sơn La như hàng trăm đôi “vợ chồng thủy điện” khác ở Hòa Bình, Ia Ly, Sê San, Na Hang...
Thủy điện Sơn La có sáu tổ máy, với công suất 2.400MW (Hòa Bình là 1.920MW), sản lượng điện hằng năm gần 9,5 tỉ kWh. Tổng mức đầu tư ban đầu gần 37.000 tỉ đồng. Những lúc cao điểm số kỹ sư, công nhân lên đến 14.000 người. Hồ chứa thủy điện Sơn La rộng gần 44.000km2, dung tích chứa 9,26 tỉ m3; mực nước dâng bình thường 215m (mực nước chết là 175m). |
Cách “đại công trường” gần chục cây số, thị trấn Mường La hai năm trước hãy còn là một dãy phố huyện miền núi heo hút, nhưng nay đã mang dáng dấp phố thị của miền xuôi với quán xá, nhà nghỉ, quán karaoke, cà phê Internet… Đến Mường La hôm nay không còn phải ngủ nhờ nhà dân, không phải tá túc trong nhà khách huyện mốc meo, vắng ngắt nữa.
Thay vào đó, hàng chục khách sạn, nhà nghỉ bề thế mọc lên có thể đón tiếp vài ba trăm người một lúc. Anh Trần Thành Lâm, chủ khách sạn Hiền Lâm, cho biết: “Vài năm trước, vào đến thị trấn Mường La phải qua đò, qua phà mất một đến hai ngày cho chặng đường 43km. Những hôm núi lở, ngủ lại giữa núi rừng là chuyện bình thường. Hôm nay, từ thị xã Sơn La đến đây chỉ hơn một giờ, chạy thẳng một mạch!”.
“Trong tương lai, nơi đây sẽ thành khu du lịch sầm uất” - bí thư Huyện ủy Mường La Cầm Văn Chính khẳng định với chúng tôi như vậy. Ông giới thiệu tiềm năng du lịch của Mường La cho chúng tôi nghe như một nhà kinh doanh du lịch chuyên nghiệp: “Này nhé, sau khi thủy điện hoàn thành, du khách có thể đến tham quan thủy điện, du lịch bằng thuyền dưới lòng hồ, rồi lang thang thăm thú phố huyện Mường La.
Từ đây, du khách có thể tiếp tục hành trình vượt đỉnh Sam Sít cao trên 2.000m để vào xã Ngọc Chiến nổi tiếng với những trang trại trồng hoa và là thị trấn tương lai thứ hai của Mường La. Ngọc Chiến đẹp lắm, chỉ cách đây 40km, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm như Sa Pa vậy. Từ đây, du khách có thể sang Lai Châu, đi Lào Cai và cũng có thể ngược ra Yên Bái”.
Nhờ có dự án thủy điện Sơn La, Mường La thay đổi mọi mặt, tăng trưởng kinh tế đạt 17,3% (vượt xa so với kế hoạch 9,1%). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2,2 triệu đồng/người năm 2000 lên trên 4 triệu đồng/người năm 2005. 12/16 xã, thị trấn đã có điện lưới quốc gia. Mường La ngày trước như một cô sơn nữ mộc mạc, e ấp giấu mình trong tĩnh lặng của núi rừng Tây Bắc, bỗng chốc đã hóa thành một cô gái đẹp hiện đại như ở miền xuôi.
Chúng tôi mừng cho diện mạo mới của Mường La, nhưng cũng thấy tiêng tiếc và có điều gì đó gần như hụt hẫng khi thảng thốt nghe giọng hát một cô sơn nữ lạc nhịp vang ra từ quán karaoke ven đường, với một bản nhạc tình đang thịnh hành ở xuôi.
“Ơi noọng ơi”, câu hát thân thương đó đâu rồi...
--------------
Bài 2: Thị trấn trong ký ức
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận