Cái chết của bé Võ, trách nhiệm xã hội
![]() |
Bé Võ (nhỏ nhất, đứng giữa) biểu diễn trò xoay đĩa trên mũi dao tại Vũng Tàu hồi tháng 9-2008 (ảnh chụp lại từ ảnh của gia đình) |
Cảnh đời éo le
![]() |
Mâm cúng bé Võ được đặt ngoài cửa là hẻm đi lại của mọi người - Ảnh: L.TH.H. |
Chúng tôi đến Công an P.2, Q.Phú Nhuận hỏi nơi ở của bé. Tìm đến nhà tang lễ Bệnh viện An Bình, nơi đang bảo quản thi thể bé, gia đình đã về hết. Đến 21g chúng tôi mới tìm được nhà của bé Võ. Căn nhà ở hẻm 83 Lê Văn Lương (P. Tân Hưng, Q.7) hiện đã xuống cấp, tuềnh toàng, ngột ngạt, rộng khoảng 8m2 nằm sâu trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo đầy ổ gà và nước đọng. Chỉ nhỏ hẹp như thế nhưng tiền thuê nhà và điện nước mỗi tháng cũng hết hơn 700.000 đồng.
Ngoài anh em bé Võ còn có dì ruột, bốn người con của dì và thêm một người quen chen chúc nhau ở. Không có chỗ, người dì quanh năm suốt tháng phải nằm võng để ngủ, nhường sàn nhà chật hẹp cho con và hai cháu ngủ. Và đêm nay, người dì ruột đành phải đặt mâm cúng nhỏ cho cháu trên một xô nhựa ngoài đường hẻm. Mâm cúng chỉ có bánh bao, chai nước ngọt, ly nước trắng, ngọn đèn cầy leo lét và mấy nén nhang. Bánh và nước ngọt do chính bé Văn mua về cho em. Hai mắt Văn nhìn chúng tôi đỏ hoe, bảo bé Võ rất thích mấy món này, đêm nào đi làm xiếc về cũng muốn được ăn.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, 81 tuổi - bà cố của bé Võ - khóc kể cha bé Võ bị xử tù 7 năm vì tội tàng trữ ma túy, mới được tha về hồi tháng chín năm rồi, chưa có việc làm, đang ở tận Long Khánh (Đồng Nai). Mẹ của bé là Nguyễn Thị Mỹ Phượng cũng bị xử tù 6 năm vì tội tàng trữ ma túy, còn đang thi hành án ở Hàm Tân (Bình Thuận). Từ bé, anh em Võ đã phải xa cha mẹ, về ở với dì ruột Ngô Thị Mỹ Linh. Chị Linh và chồng đã chia tay. Một mình chị nuôi bốn đứa con, cha mẹ già và hai cháu. Hai đứa nhỏ gọi dì bằng mẹ Hai. Bé Văn và bé Võ đều không có giấy khai sinh, hộ khẩu. Hai bé đã đến tuổi đi học nhưng không được đến trường nên vẫn chưa biết chữ.
Trước đây, chị Linh và các con, cháu sống bằng việc lột vỏ tỏi. Một ký tỏi lột xong được trả 1.000 đồng. Cả nhà xúm nhau làm, mỗi ngày chỉ kiếm được 50.000 - 60.000 đồng. Vài năm gần đây, thấy nhiều người biểu diễn xiếc ở các quán nhậu có thu nhập nên chị cho hai con và hai cháu theo học nghề của một ông thầy. Bé Võ bắt đầu theo các anh đi biểu diễn được hai năm nay. Trung bình mỗi đêm chúng kiếm được khoảng 100.000 đồng và đều đưa hết cho dì.
Kể lại tai nạn thương tâm của cháu mình, chị Linh lại nức nở. Tối 31-12, như thường lệ chị chở hai anh em bé Võ qua mấy quán nhậu dọc bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè biểu diễn xiếc mua vui cho khách nhậu. Lúc Văn biểu diễn thì bé Võ ra ngoài. Tới chừng biểu diễn xong thì không thấy Võ đâu. Chị tá hỏa đi tìm dọc bờ kênh, vào các quán nhậu vẫn không thấy. Tìm đến sáng hôm sau cũng không thấy. Linh tính mách bảo cháu mình bị rớt xuống hố ga, chị nhờ người lội xuống tìm nhưng ai cũng sợ hố sâu không dám xuống, mãi đến chiều hôm sau thì bé Võ nổi lên...
Vất vả mưu sinh
![]() |
Bé Văn (anh bé Võ) khóc thương em trai - Ảnh: L.TH.H. |
“Thằng Võ rất lanh, rất ngoan và hiếu thảo. Tôi thương nó còn hơn con ruột của mình. Không có nó làm sao tôi chịu nổi” - chị Linh khóc sưng húp cả hai mắt. Khi biểu diễn, ai thương cho tiền thì Võ nhận chứ không bao giờ xin. Thường mỗi quán chỉ có vài khách cho vài ngàn đồng. Có khi diễn xong không ai cho đồng nào. Hôm nào may mắn, gặp khách sộp cho 30.000 - 50.000 đồng, hai đứa nhỏ mừng lắm. Diễn xong quán này, anh em Võ lại được dì tức tốc đưa sang quán khác diễn tiếp.
Trước đây diễn ở mấy quận gần nhà, sau này phải đi xa vì khách ở gần coi riết đã chán, không cho tiền nữa. Hôm nào về sớm cũng 24g đêm, có lúc 1g-2g sáng hôm sau mới về. “Vậy mà về đến nhà nó còn chưa chịu đi ngủ mà chạy qua siêu thị mới mở để lượm vỏ chai nước suối, nước ngọt... về bán ve chai. Bán được 1.000 - 2.000 đồng nó cũng đưa cho tôi, bảo để dành tiền đi thăm cha mẹ nó. Bữa nào khách cho nhiều tiền, nó lại cho bà cố 10.000 đồng bảo là để cố mua thuốc trị bệnh. Có bữa tôi bệnh, sợ mượn người chở đi, tiền biểu diễn phải chia ba, anh em nó lén tôi, mặc áo mưa chở nhau đi diễn một mình”. Kể đến đây, chị Linh lại nghẹn ngào tức tưởi.
Đôi mắt Văn mọng đỏ, đau đớn, tay gầy guộc, run run đưa khăn chậm nước mắt. Mãi nó mới lôi cái bọc nilông nhăn nhúm, đựng đồ nghề biểu diễn là trái banh, dao, đĩa và cái xô để hai con rắn lục... Hằng đêm, hai anh em thay nhau biểu diễn trò ngậm dầu phun lửa, ngậm rắn trong miệng, xoay bóng trên đầu ngón tay, xoay đĩa trên mũi dao nhọn. Tiền mua một con rắn lục hết 15.000 đồng. Còn dầu lửa hết nhiều hay ít tùy theo số lần biểu diễn. Hên thì biểu diễn được hai ba ngày rắn mới chết. Xui thì chỉ được một đêm. Hôm sau lại phải tốn tiền mua con khác. Cứ thế, anh em Văn hằng ngày tự mưu sinh, tự có trách nhiệm với cuộc đời mình, dù chúng chưa đầy mười tuổi.
Chúng tôi cứ nhớ mãi hai dấu hỏi rất lớn do người thợ cắt tóc nào đó hớt trên mái tóc của bé Văn và bé Võ. Hai dấu hỏi này cứ như hai dấu hỏi day dứt về trách nhiệm...
Có thể khởi tố hình sự Theo luật sư Lê Đình Phạt (Đoàn luật sư TP.HCM), tai nạn của bé Ngô Hoàng Võ xảy ra là do lỗi của nhà thầu đã bất cẩn, vi phạm nguyên tắc an toàn khi thi công công trình. Việc nhà thầu sau khi tháo dỡ các “lô cốt” đã không thu gọn vật tư, để hố ga mất nắp như một cái bẫy là cực kỳ nguy hiểm đối với người đi đường, nhất là khi trời tối. Đây không phải là tai nạn đầu tiên mà có rất nhiều nhà thầu, chủ đầu tư trong quá trình thi công đã không làm tròn trách nhiệm, dẫn đến hậu quả cho người đi đường. Nếu phát hiện người có trách nhiệm đã có hành vi bất cẩn, cẩu thả, biết rõ hố ga không có nắp nhưng vẫn để mặc, không có biện pháp khắc phục hoặc cảnh báo người đi đường dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì phải bị khởi tố về tội “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”. |
___________________
Một số vụ tai nạn do thi công hạ tầng ở TP.HCM
* Ngày 25-6-2007, tại hố nước thuộc công trường thi công đại lộ đông - tây trên đường Trần Văn Kiểu, P.1, Q.6, cháu Vương Khải Nghĩa (sinh 1995, ngụ P.3, Q.8) khi đi tắm với bạn đã bị hụt chân chết đuối. Tại hiện trường, hố nước rộng khoảng 500m2 nhưng chỉ được rào sơ sài bằng vài sợi dây.
* Chiều 7-6-2008, tại hố nước thuộc công trình thi công lắp đặt tuyến ống cấp nước từ Nhà máy nước BOO Thủ Đức tại P.Tân Thuận Đông, Q.7, bốn cháu bé gồm Lê Hoàng Thông (13 tuổi), Lê Thị Châu (12 tuổi), Lê Ngọc Phương (8 tuổi) và Lê Thị Duyên (6 tuổi) xuống tắm và chết đuối. Nơi xảy ra tai nạn thuộc phạm vi thi công của Công ty TNHH Đầu tư và tư vấn xây dựng quốc tế (ICCI) nhưng đơn vị thi công bỏ dở giữa chừng mà không lắp đặt rào chắn hoặc biển báo cảnh báo nguy hiểm.
* Ngày 13-7-2008, em Phạm Nguyễn Nguyên Phát, 4 tuổi, khi nhặt quả bóng bị rơi xuống hố ga thoát của công trình thoát nước chống ngập trên đường 65, khu phố 5, P.Thảo Điền, Q.2 đã bị sẩy chân chết đuối. Hố ga này rộng 0,97m, dài 1,09m, sâu 1,47m và nước trong hố ga lúc nào cũng đạt 1,12m nhưng đơn vị thi công công trình (Xí nghiệp công trình công cộng thuộc Công ty Quản lý và phát triển nhà Q.2) không đậy nắp lại.
* Chiều 15-7-2008, anh Trịnh Ngọc Quý Tiên đi xe máy chở em gái trên đường Nguyễn Thái Sơn, P.5, Q.Gò Vấp bị sụp xuống hố ga cũ do đơn vị thi công lắp đặt cống thoát nước lấp lại sơ sài. Hậu quả là anh Tiên bị thương nặng, phải đưa đi cấp cứu.
* Chiều 26-7-2008, em Tiêu Khánh Chương, 14 tuổi, khi chơi đá banh với bạn đã lọt xuống và chết đuối tại hố nước của công trình thi công dự án đại lộ đông - tây dọc bờ kè đường Ba Đình, P. 9, Q.8.
Trách nhiệm chính là đơn vị thi công Theo Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (chủ đầu tư dự án khu vực xảy ra tai nạn), sáng 2-1 tại Bệnh viện An Bình - nơi quàn thi thể em Ngô Hoàng Võ, liên danh nhà thầu thi công gói thầu số 7 TMEC-CHEC 3 (Trung Quốc) đã thỏa thuận với gia đình nạn nhân bồi thường 86 triệu đồng, trong đó có 46 triệu đồng tiền mai táng. Thân nhân gia đình em Võ đã đồng ý làm giấy bãi nại, không khiếu nại về sau với nhà thầu TMEC - CHEC 3. Trước đó, tối 1-1 các đơn vị liên quan đã đến tận gia đình nạn nhân để chia buồn cùng gia đình. Cũng sáng 2-1, Công ty tư vấn CDM (Hoa Kỳ) đã có cuộc họp khẩn với nhà thầu TMEC-CHEC 3 về vụ tai nạn này. Đại diện nhà thầu cho rằng đã biết mối nguy hiểm này, nhưng các phương tiện an toàn như rào chắn và nắp cống luôn bị mất trộm. Tuy nhiên, theo ông John G. Dryburgh - kỹ sư trưởng CDM, nhà thầu vẫn phải chịu trách nhiệm vì đã không bảo đảm an toàn cho người đi đường. Theo CDM, đã có ít nhất 23 văn bản gửi nhà thầu đề cập các “hố sâu nguy hiểm” và yêu cầu phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Mới đây nhất, ngày 29-12-2008, CDM đã yêu cầu nhà thầu thực hiện ngay bảy biện pháp bảo đảm an toàn nhưng nhà thầu chưa thực hiện. Ông Đặng Văn Nhơn - phó giám đốc Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè - cho biết trách nhiệm chính là nhà thầu vì công trình vẫn chưa được bàn giao. Liệu ban quản lý dự án có khởi kiện nhà thầu? Ông Đặng Văn Nhơn cho rằng theo hợp đồng, nhà thầu phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị nạn. Như vậy, nhà thầu đã thực hiện trách nhiệm này và không để xảy ra những tranh chấp khiếu nại với người bị nạn thì ban quản lý dự án không thể khởi kiện nhà thầu. Theo ông Nhơn, có một thực tế là nhà thầu đã đậy nắp cống, nhưng tình trạng mất nắp cống vẫn thường xuyên xảy ra. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận