Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên cho rằng tập quán này sẽ giúp nguyên lý tồn sinh trong đất trời cây cỏ hài hòa mà đi xuyên qua con người, “Trái đất thậm chí trẻ lại và chứa đầy một sức sống mới vào những ngày đầu năm” (Văn minh Việt Nam).
Ông Sơn Nam “thức thời” hơn: “Thời xưa còn gì hơn là chưng bày hoa quả để ca ngợi đất nước và sự hài hòa của thời tiết (gió thuận mưa hòa). Chưng bày “bá hoa bá quả”, tùy giàu nghèo mà cái dĩa, cái bình lớn hay nhỏ” (Nghi thức và lễ bái của người Việt).
2. Những ngày này, Tây Bắc chìm trong giá rét nhưng lại đang “lên sốt” vì những cuộc săn lùng, bứng gốc hoa đào núi. Ai đã đến và ngất ngây trước nhan sắc hoa đào mùa xuân Tây Bắc không khỏi xót lòng khi hay tin những “lão đào” có tuổi đời hàng chục, thậm chí hàng trăm năm bị phạt gốc, chở về Hà Nội phục vụ cái tết của những người giàu có...
Nghe nói xu hướng tiêu dùng năm nay, những người thừa tiền lắm bạc không dùng đào Nhật Tân nữa mà chuyển sang mốt chưng đào núi, mới xứng tầm nội thất những ngôi nhà, biệt thự sang trọng. Từ bao giờ, cái “văn hóa hoành tráng” trong máu của lớp thị dân mới nổi đã cải biến biết bao triết lý tốt đẹp trở thành kệch cỡm.
3. Rừng núi xứ Ninh Thuận nắng nôi, cằn cỗi nên dáng mai uốn éo, đẹp lạ lùng. Vậy nên, ngày trước cứ đến giáp tết bọn trẻ chúng tôi vẫn lên núi lùng tìm những nhành mai
đẹp về chưng tết. Dạo đó, người lớn có kinh nghiệm cứ dặn dò bọn trẻ săn mai rằng hễ gặp những “lão mai” thì chỉ nên tỉa nhánh nhỏ, đủ chưng thôi,
đừng tham lam đốn gốc. Nếu đốn cả gốc, đem nguyên cây xuềnh xòa ra khỏi rừng thì búp, lá cũng bị vướng víu, rụng sạch. Mặt khác, nếu tỉa cành, để lại gốc thì cây hãy còn sống, tết năm sau ghé lại, vẫn cành khác mà mang về chưng.
Vài năm gần đây, khi trở về quê vào dịp tết, tôi lại thấy cảnh người ta bứng nguyên những gốc mai lớn bán dọc bãi chợ. Nhiều người giàu mới nổi ở quê cũng sẵn sàng bỏ vài chục triệu mua một gốc mai núi, nên những “lão mai” cứ bị săn lùng, hạ gục không thương tiếc. “Đội quân săn mai” bảo rằng chỉ cần lội núi vài tuần giáp tết có khi hơn người làm rẫy một mùa.
Nhưng giờ thì mai đẹp cũng hiếm rồi, muốn “lão mai” phải lên núi cao. Chỉ vài năm nữa mai rừng sẽ không còn để săn.
4. Cây rừng bị bứng gốc về phố làm chậu kiểng. Loài hoa báo tin xuân như mai, đào cũng chung số phận.
Ngắm những cây đào, cây mai cổ thụ từng làm nên nhan sắc núi non khi xuân về một hôm trở mình buộc phải vắt hết mình nở một mùa hoa cuối nơi phố xá, để rồi sau đó bị vứt ra vỉa hè nằm chỏng chơ, có ai dám nghĩ rằng đó là những biểu hiện, hành xử đúng mực với cái đẹp, với thiên nhiên của con người?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận