09/11/2004 08:54 GMT+7

Thương nhân: anh là ai?

ĐÀ TRANG - N.V.HẢI
ĐÀ TRANG - N.V.HẢI

TT (Hà Nội) - Thương nhân là nhân vật chính của Luật thương mại nhưng cuộc thảo luận tại hội trường Quốc hội (QH) cả ngày hôm qua (8-11) lại cho thấy: gương mặt nhân vật này trong dự luật sửa đổi vẫn còn khá mờ nhạt.

FzUruPB6.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Đình Lộc: “Cần phải có qui định về thương nhân, chứ không thể lờ mờ được”

Các đại biểu (ĐB) đã cùng nhau tìm lời giải đáp cho câu hỏi: thương nhân - anh là ai?

Ở dự thảo, khái niệm thương nhân được mở rất rộng, đó là “tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên như một nghề nghiệp”. ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) băn khoăn: “Dân ta vừa sản xuất vừa bán hàng, rồi vừa bốc thuốc vừa chữa bệnh, như vậy có là thương nhân không?”. Nếu trong luật đặt điều kiện “thương nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh…” thì e rằng người dân sẽ bị hành.

Cựu bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc cho rằng cần phải có qui định về “nhân vật” thương nhân hay nhà buôn cho rõ ràng, có đăng ký hẳn hoi và “không thể lờ mờ được”.

Có điều - theo ĐB Nguyễn Đình Lộc - ngoài nhà buôn, những chủ thể khác có được tham gia vào hoạt động thương mại không thì luật này lại “chưa có lời giải đáp rõ ràng”.

Chung quan điểm với ĐB Lộc, ông Đặng Văn Xướng (ĐB Long An) xác định thương nhân là “trung tâm của hoạt động thương mại” và đề nghị ban soạn thảo nên dành hẳn một chương về thương nhân. Quy định càng rõ sẽ không những không cản trở, bó hẹp hoạt động thương mại mà còn làm cho hoạt động này “diễn ra một cách trật tự, văn minh, có hiệu quả” - ĐB Xướng lưu ý.

“Luật của chúng ta hiện chưa có nội dung nào nói lên nghĩa vụ của thương nhân trong việc thực hiện các cam kết chung để đảm bảo sức cạnh tranh chung của toàn thể cộng đồng”. Phát hiện “lỗ hỗng” ấy, Thứ trưởng bộ Thủy sản Nguyễn Hồng Minh (An Giang) dẫn chứng: trong ngành thủy sản, một hiện tượng đang phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long là việc bơm tạp chất không bảo đảm an toàn vệ sinh vào con tôm. Khi đặt vấn đề phối hợp với nhau, Hiệp hội câu lạc bộ Tôm yêu cầu mọi người cam kết không sử dụng tạp chất nữa và tất cả đều ký hết. Thế nhưng được một thời gian lại có người phá, không tin tưởng nhau và rơi vào tình trạng “mạnh ai nấy làm”.

Cho nên bà Minh đề nghị ban soạn thảo cần thiết phải tiếp thu một nguyên tắc trong hoạt động của thương nhân: tôn trọng và thực hiện các cam kết chung của cộng đồng (nếu những cam kết đó được Nhà nước công nhận). Nếu nguyên tắc này được tuân thủ, chắc chắn chúng ta sẽ hình thành được những ngành sản xuất hàng hóa lớn và chung sức với nhau cạnh tranh được trên thị trường.

Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) lên tiếng: phải có điều kiện về đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ mới được trở thành thương nhân, như “không bị tiền án trong những hoạt động thương mại” chẳng hạn. “Ở bên Nhật, kể cả anh được thừa kế ruộng của cha ông (thuộc sở hữu hẳn hoi) nhưng nếu không có chuyên môn, nghiệp vụ tối thiểu về nông nghiệp thì anh cũng không được quyền canh tác. Bây giờ chúng ta nói thương nhân là nhân vật chính trong thời buổi giao dịch với bên ngoài ngày càng sâu rộng song nếu không áp dụng một điều kiện tối thiểu nào, thương nhân sẽ dẫn nền thương mại của chúng ta đến đâu?”- GS Trân lo lắng.

Tranh luận tại Quốc hội:

Thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Thương mại đến đâu?

Một trong những điểm mới nổi bật của dự thảo Luật thương mại là việc bổ sung các qui định về “mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa”. Các ý kiến thảo luận đều đã ủng hộ điểm mới này nhằm tạo khung pháp lý hoàn chỉnh để thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa (nhất là hàng nông sản) thông qua sàn giao dịch, hình thành thị trường buôn bán nông sản một cách ổn định.

Tuy nhiên tranh luận nổ ra khi đề cập vấn đề: thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Thương mại đến đâu? Theo dự thảo, hàng hóa giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa phải được Bộ trưởng Bộ Thương mại cho phép. Trong trường hợp khẩn cấp (xảy ra hiện tượng rối loạn thị trường làm cho giao dịch không phản ánh chính xác quan hệ cung- cầu), Bộ trưởng Bộ Thương mại có quyền thực hiện một hoặc nhiều biện pháp như: tạm ngừng việc giao dịch; hạn chế các giao dịch ở một khung giá hoặc một số lượng hàng nhất định; thay đổi lịch giao dịch…

EUJON5f8.jpgPhóng toĐB Phạm Thị Thu Hòa ĐB Phạm Thị Thu Hòa (Thái Bình):“Thẩm quyền như vậy là quá lớn”

Đây là vấn đề liên quan đến nhiều ngành, thị trường rộng, nhạy cảm, rất dễ biến động. Cho nên nếu giao Bộ trưởng Bộ Thương mại quyết định tôi cho là quá sức, sẽ xảy ra tình trạng khó có thể quán xuyến được.

Như thế sẽ rất dễ có trường hợp cho phép hàng hóa giao dịch, hoặc thực hiện biện pháp quản lý trong trường hợp khẩn cấp không phù hợp, thiếu chính xác, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng hóa, nhất là những mặt hàng nông sản, tươi sống.

owAAVOaB.jpgPhóng toĐB Nguyễn Hoàng Anh ĐB Nguyễn Hoàng Anh (Hải Phòng):“Không nên kéo Chính phủ vào”

Tôi không đồng tình quan điểm của một số ĐB khi tham gia nhiều đạo luật cứ muốn kéo Chính phủ vào; nếu không cũng phải thêm vài ba bộ khác mới yên tâm.

Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể ghi thẳng cho một bộ trưởng bởi đằng sau ông bộ trưởng là cả bộ máy chuyên ngành được đào tạo bài bản. Gắn với quyền là trách nhiệm của bộ trưởng

ĐÀ TRANG - N.V.HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên