![]() |
Chợ Sáy - chợ lớn ở Vientiane - nơi có nhiều người Việt buôn bán - Ảnh: K.Em |
Người Việt ở Lào đang trở thành những cầu nối về kinh tế, văn hóa giữa hai vùng đất Việt - Lào vốn có mối quan hệ truyền thống, gắn bó lâu đời.
Từ TP.HCM có thể đáp thẳng chuyến bay đến thủ đô Vientiane của Lào chỉ trong vòng vài chục phút. Nhưng cơ hội làm ăn không chỉ ở thủ đô mà ở khắp các tỉnh của Lào, do đó các cửa khẩu đường bộ luôn dài những dòng người tìm đường sang Lào từ khắp các tỉnh thành của VN.
Nhộn nhịp sang Lào
Cộng đồng người Việt tại Lào gồm người Việt đã nhập quốc tịch Lào, những người sinh ra và sinh sống lâu đời tại Lào nhưng vẫn mang hộ chiếu VN và những người Việt mới sang Lào để làm ăn. Theo ước tính của các hội người VN, hiện có khoảng 50.000 người Việt đang làm ăn sinh sống tại Lào. Nhưng trên thực tế, con số người Việt tại Lào đông hơn rất nhiều. VN hiện có 34 dự án đầu tư qui mô tại Lào với tổng vốn đăng ký gần 30 triệu USD, chủ yếu ở các lĩnh vực xây dựng đường sá, trường học, nhà ở, thủy lợi, sản xuất vật liệu xây dựng, vận tải, du lịch… Hai dự án lớn đang được VN thẩm định triển khai tại Lào là dự án thủy điện Xekaman trị giá khoảng 273 triệu USD và dự án trồng 10.000ha cao su có vốn đầu tư khoảng 25 triệu USD. Một khi hai dự án này được thực hiện, Lào sẽ trở thành đất nước thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp VN cao nhất trong số các nước có mặt doanh nghiệp VN. |
Ông Lê Viết Hưng - nhà ở Đà Nẵng, có trên mười năm buôn bán ở Lào - nhận xét rằng chưa bao giờ dòng người Việt qua xứ sở triệu voi đông đảo như hiện nay. Hầu như chuyến xe khách nào cũng đều quá tải. Bình quân một chuyến xe khách khởi hành từ Đà Nẵng đi đến thủ đô Vientiane phải mất gần một ngày rưỡi, nghỉ qua đêm tại cửa khẩu Lao Bảo, đường dài cả ngàn cây số nhưng giá vé lại khá mềm, chỉ trên dưới 200.000 đồng/hành khách nên phù hợp với nhiều người, nhất là doanh nhân bình dân. Ông Hưng cho biết có nhiều người dân cùng làng ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam... cùng qua Lào làm ăn nên vào những dịp sau tết âm lịch, có những làng thuê “trọn gói” cả mấy chuyến xe khách về tận làng quê để rước cả “làng” sang Lào làm ăn vui ra phết!
Người VN sang Lào làm ăn chia làm hai giới: giới doanh nghiệp nhận làm các công trình xây dựng, buôn bán cá biển, gỗ, hàng gia dụng, kim hoàn... và giới bình dân, đông nhất là lao động phổ thông. Họ qua Lào làm đủ thứ nghề, từ thợ hồ, thợ nề đến làm móng tay, thợ uốn tóc...
Có những người chỉ mới vài năm trước còn qua lại xứ Lào để buôn thúng bán mẹt nhưng chỉ trong vài năm nhờ siêng năng, biết làm ăn nên bây giờ đã có trong tay cả tỉ tiền kíp, tính ra cũng đến vài tỉ đồng VN. Có người là “trùm” buôn cá biển, có người là đại lý lớn mặt hàng nhựa gia dụng, có người chuyên buôn đi bán lại các máy móc xây dựng, nông ngư cơ... Như ông Lê Viết Hưng là một đầu mối cung cấp các loại vàng, nữ trang cho hầu hết các tiệm vàng lớn do người Việt làm chủ tại Vientiane. Từ hai bàn tay trắng, qua xứ Lào thử vận may với nghề kim hoàn, nhờ giỏi nghề và chịu thương chịu khó, chỉ trong mấy năm, ông Hưng trở thành “đại gia” kim hoàn được nhiều người biết tên.
Cạnh tranh với người Hoa và Thái
![]() |
Công trình xây dựng Trung tâm thương mại Pakse do người Việt bỏ vốn đầu tư - Ảnh: Vũ Bình |
Ông Hoàng Cung Thượng Nhân, trưởng văn phòng đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển thủy điện Việt - Lào, cho rằng chính những thuận lợi về nhiều mặt trong giao thương Việt - Lào đã đưa số người Việt sang Lào làm ăn chưa bao giờ nhiều như thời gian gần đây. Từ các tỉnh miền Trung sang các thành phố lớn của Lào chỉ vài trăm kilômet, đường giao thông như các tuyến đường 8, đường 9... khá thuận lợi.
Có khoảng 30% dân Lào biết nói tiếng Việt, tỉ lệ này khoảng 40-50% ở các vùng biên giới Việt - Lào. Hầu hết viên chức, cán bộ các công sở của Lào đều có thể giao tiếp bằng tiếng Việt. Theo đánh giá của Đại sứ quán VN tại Lào, nhìn chung cuộc sống người Việt tại Lào đều ổn định và có mức sống cao hơn so với mức sống của người dân địa phương. Khoảng 50-60% người Việt ở Pakse, Vientiane, Attapeu... được đánh giá là khá và giàu với mức thu nhập tối thiểu mỗi tháng trên 20 triệu đồng tiền Việt.
Nhưng Lào là “vùng đất mới” không chỉ để riêng người Việt “đánh thức”. Bà Lê Thị Hải, một đại lý cung cấp mặt hàng nhựa gia dụng của các công ty nhựa VN tại Lào, cho biết hàng nhựa Thái Lan và VN đang cạnh tranh nhau quyết liệt. Giá cả hàng Thái cao hơn hàng Việt khoảng 8-10%. Để giữ vững công việc kinh doanh của mình, nửa năm qua bà Hải đã chuyển từ làm đại lý cho các công ty nhựa các tỉnh phía Bắc VN sang đại lý nhựa cho các công ty tại TP.HCM, vì thị trường Lào đang ưa chuộng các mặt hàng nhựa sản xuất tại TP.HCM. Nhờ vậy, mặt hàng nhựa VN chiếm được ưu thế ở Vientiane, Pakse, Savannakhet... Các mặt hàng gia dụng khác của VN nếu trước đây chiếm số lượng 60-70% ở các chợ của Lào thì hiện nay đang bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng Trung Quốc và hàng Thái.
Không chỉ cạnh tranh nhau về các mặt hàng tiêu dùng, các nhà thầu lẫn thợ xây dựng Thái và Việt cũng cạnh tranh trong việc nhận các công trình xây dựng. Ông Nguyễn Văn Nhân, người Hà Tĩnh, chủ thầu xây dựng siêu thị tại trung tâm Pakse, cho biết thợ hồ, thợ mộc... người Thái cũng đổ sang Lào đông như thợ người Việt, nhưng thợ xây dựng người Việt vẫn được dân Lào chuộng hơn vì có tiếng khéo tay và kỹ tính. Người Hoa cũng sang Lào làm ăn đông đảo trong khoảng năm năm trở lại đây.
Theo nhiều Việt kiều ở Lào, đối thủ cạnh tranh số một trong làm ăn hiện nay của người Việt tại Lào chính là người Hoa. Nhiều cửa hàng lớn, khách sạn, nhà hàng và các công ty lớn tại Lào đang được người Hoa mua dần hay chiếm cổ phần. Ở ngay thủ đô Vientiane, các nhà hàng, khách sạn, cửa hiệu đồ sộ của người Việt có mặt ở các khu Wat Chăn, Wat Tay... thì người Hoa cũng đang hình thành nên những phố Hoa ở Savang, Thongkhankham... Mới đây, người Việt hành nghề buôn bán tại Vientiane, Luang Prabang... đã lên kế hoạch thành lập hội ngành nghề của từng tỉnh ở VN qua đây làm ăn để tương trợ, giúp đỡ nhau trong công việc, nhằm giữ ưu thế của người Việt và cạnh tranh lại các bang hội của người Hoa và hội nghề của người Thái.
-------------------------------------------
Làm lụng từ tay trắng, không ít người Việt đã thành đạt, giàu có, sở hữu trong tay vài chục triệu đến vài trăm triệu USD. Con số đó ngày một nhiều lên, trở thành niềm tự hào của người Việt làm ăn xa xứ.
Kỳ 2: Những “đại gia” người Việt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận