03/09/2016 10:15 GMT+7

Thương cho các cô gái đá bóng

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TT - Nhìn các cầu thủ nữ VN đang thi đấu lượt về Giải bóng đá nữ VĐQG - Cúp Thái Sơn Bắc 2016 trong cảnh lạnh vắng trên sân Thống Nhất mà không khỏi chạnh lòng...

Khán đài trống vắng trong trận Phong Phú Hà Nam - Thái Nguyên ở vòng 11 hôm 1-9. Ảnh: N.K

Sau mỗi lần đội tuyển nữ VN giành thành tích quốc tế trở về, người ta cứ nói nhiều về chuyện cần phải quan tâm hơn đến các cầu thủ nữ. Nhưng sự quan tâm đó chỉ là ra sân bay đón đội tuyển nữ VN trở về với lời chúc mừng của các quan chức cùng những cái ôm của người hâm mộ mà thôi, bởi sau đó các cô gái đá bóng lại trở về với cuộc sống im ắng của mình.

Mới nhất, các cô gái VN dù chỉ trở về nhà với ngôi á quân Giải bóng đá nữ Đông Nam Á 2016 diễn ra tại Myanmar nhưng không khỏi cảm thấy ấm lòng khi được các CĐV ra tận sân bay đón hôm 5-8. Ở cả sân bay Nội Bài (Hà Nội) lẫn Tân Sơn Nhất (TP.HCM) hôm ấy tràn ngập những chiếc áo đỏ của Hội CĐV bóng đá VN (VFS). Nhưng hơn hai tuần sau đó, chẳng ai nhớ đến các cầu thủ nữ khi họ ra sân ở lượt về Giải bóng đá nữ VĐQG - Cúp Thái Sơn Bắc 2016.

Cụ thể, trận khai mạc lượt về giữa đương kim vô địch TP.HCM I và Phong Phú Hà Nam hôm 22-8, sân Thống Nhất chỉ có khoảng 200 khán giả. Đáng nói hơn, phần lớn trong số đó là các cầu thủ nữ U-15 của TP.HCM đi cổ vũ cho các đàn chị, các cầu thủ nam U-11 và U-13 của CLB TP.HCM ăn tập tại sân rảnh rỗi lên ngồi xem cùng các cầu thủ của 6 đội bóng nữ tham dự giải còn lại. Những ngày sau đó, sân càng lúc càng vắng. Có trận chưa đến 20 khán giả, khiến người ta nói vui là lực lượng làm nhiệm vụ tại sân còn đông hơn cả khán giả.

Các nhân viên tát nước để cho trận đấu bắt đầu. Ảnh: P.H

Những trận diễn ra lúc 16g ngày thường đã vắng, nhưng ngay cả những trận diễn ra lúc 18g30 cũng không khá hơn khi người ta có thể nhẩm đếm được số lượng người có mặt trên sân. Chứng kiến điều này, một nhân viên cứu thương trên sân Thống Nhất không khỏi cám cảnh. Hỏi về thu nhập của cầu thủ nữ, và khi được biết thu nhập của họ trung bình chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng, nhân viên cứu thương này nói: “Như vậy thì làm sao họ đủ lo cho cuộc sống bởi ngay cả tiền mua kem chống nắng đã mất không ít. Đời cầu thủ nữ ngắn, kết thúc sự nghiệp thi đấu thì biết làm gì?”.

Nếu so với lượt đi Giải nữ VĐQG 2015 diễn ra trên sân Thống Nhất, số lượng khán giả cũng ít hơn hẳn khi vắng các CĐV đến từ nhà tài trợ của CLB Phong Phú Hà Nam vốn từng vẫy cờ, gióng trống tưng bừng trên sân Thống Nhất mùa trước. Cựu tuyển thủ nữ nổi tiếng và hiện là HLV trưởng CLB Phong Phú Hà Nam Văn Thị Thanh không khỏi tiếc rẻ: “Chắc các anh chị ấy bận công việc. Có sự cổ vũ trên sân khách, chúng tôi sẽ thi đấu sung hơn. Nhưng biết làm sao được, ngay cả CLB nữ TP.HCM đá trên sân nhà mà còn không có nhiều CĐV đến sân ủng hộ”.

Các cầu thủ Hà Nội II tranh thủ ăn bánh mì cho đỡ đói trong lúc chờ trận đấu diễn ra vì mưa lớn. Ảnh: P.H

Có nhiều lý do đưa ra để giải thích cho sự vắng khán giả ở sân chơi bóng đá nữ dù là giải đấu VĐQG. Đó là bóng đá nữ không hấp dẫn bằng bóng đá nam, lịch thi đấu diễn ra ngày thường, công tác truyền thông cho giải không tốt, trời mưa... Dù nói rằng “chúng tôi quen rồi” nhưng các cầu thủ nữ đều không giấu được nỗi buồn khi được hỏi cảm giác của mình khi thi đấu trước những khán đài vắng lặng. Do đó, được thi đấu trên sân đông khán giả cũng là mơ ước của thủ môn Kiều Trinh (TP.HCM) cùng các cầu thủ nữ khác.

Dù vậy, các cô gái vẫn cứ đá bóng với niềm đam mê của mình trong những trận vừa qua. Thi đấu lúc 16g, họ bôi kem chống nắng dày trắng cả mặt rồi ra sân thi đấu. Trời mưa, quần áo lấm lem, họ vẫn quần thảo với bóng. Rồi bất chấp cái lạnh thấm vào người trong lúc chờ trận đấu diễn ra tiếp tục vì mưa lớn phải tạm hoãn, sau đó họ vẫn “cháy” hết mình khi ra sân.

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên