Một điểm sơ chế các loại rễ cây thuốc ở xã Mỹ Đức, Hà Tiên (Kiên Giang) - Ảnh Đ.Vịnh |
Người sử dụng thuốc thì bị biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài ra, tại các tỉnh biên giới nhiều loại thuốc viên, thuốc chai với bao bì in màu sắc sặc sỡ và đầy chữ Campuchia không rõ nguồn gốc cũng được bày bán vô tư. Nghe người bán giới thiệu là thần dược trị bá bệnh nên du khách tìm mua khá nhiều.
Tấp nập kẻ bán, người mua
Đủ loại thân, rễ, trái cây và đủ thứ thuốc viên... tự chế đựng trong túi nilông dán nhãn “thần dược Thất Sơn” được bày bán quanh các ngôi chùa, trong quán nước, quầy hàng dọc hai bên đường tại các khu du lịch núi Cấm, núi Sam (An Giang).
Người bán giới thiệu đây là những bài thuốc gia truyền trị nhiều bệnh và có cả tác dụng bồi bổ sức khỏe. Khách phương xa nghe quảng cáo vậy đổ xô mua.
Nhiều nhóm du khách “ôm” mỗi thứ cả chục ký. “Thấy giá rẻ, uống giảm đau nhức, ăn ngon, ngủ ngon nên hàng xóm gửi mua giùm” - bà Cao Thị Thanh, đến từ Tiền Giang, vừa ôm mấy túi thuốc ra xe vừa nói.
Ở thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) nhiều hàng quán thường bày bán thêm đủ loại cây được giới thiệu dùng làm thuốc. Sớm chiều từng tốp xe đẩy rảo dọc phố, đến trước cổng khách sạn đón khách du lịch rao bán các loại thân, rễ cây như hà thủ ô, bí kỳ nam, mật nhân... và những bình rượu ngâm sẵn.
Người bán tha hồ tán dương công dụng nào là trị viêm thần kinh, viêm khớp, trị được bệnh gan, thận, giúp giải độc, da dẻ hồng hào.
“Đọc trên mạng viết về công dụng chữa bệnh của mấy cây này, nay thấy giá rẻ nên mua về dùng, sẵn tặng bạn bè, người thân” - ông Trương Hòa Thành, một du khách đến từ TP.HCM, cho hay.
Cũng tại Kiên Giang, du khách dễ dàng bắt gặp ở đảo Phú Quốc đủ thứ thân rễ, lá cây như vòi voi, ván bay, huyết rồng, hà thủ ô, bìm bìm, bí kỳ nam... đóng gói trong bao nilông. Rễ cây xáo tam phân, rễ cây mật nhân giá rẻ hơn so với trong đất liền khoảng 100.000 đồng mỗi ký.
Trên mỗi gói đều có tờ giấy giới thiệu trị bệnh này bệnh nọ, bên dưới còn ghi địa chỉ nơi sản xuất, số điện thoại liên hệ giao hàng tận nơi. Tìm đến một số địa chỉ sản xuất cung ứng các sản phẩm này ở làng chài Hàm Ninh thấy đủ thứ rễ cây thu hái về, đem cắt thái phơi la liệt trên mặt đất, dọc hai bên đường.
Với loại rễ cây như mật nhân, xáo tam phân, hà thủ ô... khi đào bới về chỉ được rửa qua loa, băm nhỏ, đưa vào cối xay thành bột, sau đó dùng tay vò thành viên nhỏ rồi phơi như phơi lúa. Những viên này được cho vào túi nilông, dán nhãn rồi đem bỏ mối ở các tiệm, chợ, điểm du lịch.
Các loại thuốc y học dân tộc nhãn in chữ Campuchia bán đầy ở các khu du lịch tại An Giang, Kiên Giang - Ảnh Đ.Vịnh |
Tiền mất tật mang
Bà Cao Thị May - P.Bình Khánh, TP Long Xuyên (An Giang) - kể được bạn bè tặng mấy bịch thuốc trị viêm khớp, uống thấy bớt nên tiếp tục tìm mua uống thường xuyên.
Mới đây bị huyết áp cao bà đi bệnh viện khám, bác sĩ bảo trong thuốc có thể pha thêm thuốc tân dược nhóm corticoid, dùng kéo dài gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm. “Dùng nó rồi đâm ra nghiện, khi ngưng mình mẩy ê ẩm, bứt rứt lắm” - bà May nói.
Một lần cùng bạn bè đi Hà Tiên chơi, ông Lê Văn Chi, ngụ Bình Thành, Lấp Vò (Đồng Tháp), mua năm ký mật nhân loại viên đựng trong chai, mấy ngày đầu uống bị... tào tháo rượt.
Điều trị hết tiêu chảy, ông tiếp tục uống lại bị tiêu chảy kéo dài. Mấy người bạn cùng chuyến đi ấy khi sắc cây thuốc uống cũng bị đau bụng, tiêu chảy, nổi mẩn ngứa phải đi bệnh viện điều trị. Sau đó họ mới biết thuốc bị nhiễm vi sinh, nấm mốc.
Ông Bùi Hữu Hòa, ngụ Thới An, Thốt Nốt (Cần Thơ) kể vừa rồi ra Phú Quốc tham quan thấy rễ cây xáo tam phân bán chỉ 200.000 đồng/kg, người bán bảo được lấy từ Campuchia về có giá rẻ hơn ông bèn mua cả bao.
Đến khi sắc uống chẳng ngửi thấy mùi thơm, từng sử dụng xáo tam phân thật nên ông mới biết mình mua lầm. “Gần đây tôi mới biết đấy là rễ cây cam rừng” - ông Hòa bức xúc.
Ông Trần Quang Trung, chủ tịch Hội Đông y An Giang, cho biết bất kỳ loại cây nào dùng làm thuốc đều cần được nghiên cứu và phải qua quá trình khảo nghiệm để xác định công dụng, tác dụng phụ, liều lượng dùng.
Tuy nhiên hiện nay có những loại cây thuốc chưa được nghiên cứu đầy đủ, chủ yếu sử dụng theo kinh nghiệm dân gian, truyền miệng.
Mặt khác, dù đúng là dược liệu mà khâu thu hái, sơ chế, bảo quản không đúng tiêu chuẩn thì chất lượng cũng kém đi, có nguy cơ gây ngộ độc do không đảm bảo vệ sinh.
Vùng Thất Sơn vốn có nhiều cây thuốc, người dân sử dụng chủ yếu qua truyền miệng rồi đi hái bán cho các cơ sở đông y, du khách.
Lương y Nguyễn Thiện Chung, chủ tịch Hội Đông y huyện Tịnh Biên (An Giang), cho biết từ đó một số hộ tự làm ra những loại thuốc viên, thuốc tễ bán ở các điểm hành hương, du lịch, rồi đem bỏ mối khắp nơi dù khâu sơ chế, bảo quản không đạt chuẩn, không đảm bảo vệ sinh.
* Ông PHẠM VĂN THOẠI (phó giám đốc Sở Y tế Kiên Giang): Sẽ đề nghị chấn chỉnh Việc bán các loại cây thuốc, thuốc tự chế, thuốc Campuchia tồn tại từ lâu. Những loại thuốc này không rõ nguồn gốc, không biết thật hay giả, được sơ chế, bày bán trong điều kiện không đảm bảo chất lượng rất nguy hại đến sức khỏe. Trước đây sở từng yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh nhưng sau đó... vẫn sản xuất, bán tràn lan. Tuần tới sở sẽ ra văn bản gửi ngành du lịch, các khu du lịch yêu cầu chấn chỉnh, dẹp bỏ và cảnh báo rộng rãi để người dân không mua sử dụng. Đồng thời yêu cầu các phòng y tế, trạm y tế phải thường xuyên phối hợp với địa phương kiểm tra xử lý để loại trừ tình trạng này. * Ông NGUYỄN VĂN SƠN (phó chánh thanh tra Sở Y tế An Giang): Từng thu giữ cả trăm ngàn gói thuốc Trước đây thanh tra sở thành lập đoàn đi kiểm tra thu giữ cả trăm ngàn gói thuốc các loại không rõ nguồn gốc. Trong phân cấp quản lý thì chính quyền cấp xã phải có trách nhiệm kiểm tra, xử lý, nhưng họ chưa thực hiện nên việc tự chế, mua bán những loại thuốc này vẫn tồn tại. Phòng y tế các huyện, trạm y tế các xã cần phối hợp chính quyền, một số ban ngành thường xuyên kiểm tra phát hiện, loại trừ cho được các điểm sản xuất, mua bán loại thuốc ảnh hưởng sức khỏe người dân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận