07/08/2005 09:35 GMT+7

Thực trạng giáo dục ĐBSCL: Chàng lực điền... thiểu năng

PHƯƠNG NGUYÊN
PHƯƠNG NGUYÊN

TTCN - Giáo dục ở ĐBSCL như là khối óc trong cái cơ thể cường tráng về kinh tế nông nghiệp của một chàng lực điền.

OuQGXUI1.jpgPhóng to
Phơi sách chuẩn bị đi học - Ảnh: Duy Anh
TTCN - Giáo dục ở ĐBSCL như là khối óc trong cái cơ thể cường tráng về kinh tế nông nghiệp của một chàng lực điền.

“Cái não” của ĐBSCL đã được Chính phủ, các bộ ngành, lãnh đạo 13 tỉnh thành trong khu vực và TP.HCM “mổ xẻ”, phân tích đến từng chi tiết. Một điều phải giật mình là “nơron” trong cái đầu của chàng lực điền ấy quá ít so với “cái đầu” của các vùng miền khác.

Nếu số học sinh trung học phổ thông trên 1.000 người dân của vùng Bắc Trung bộ là 43,01, vùng Đông Bắc là 39,05, đồng bằng sông Hồng là 37,86, vùng duyên hải miền Trung 36,64 và vùng Đông Nam bộ là 30,78... thì vùng ĐBSCL chỉ có 26,31 - thấp nhất cả nước. Tương tự số học sinh trung học cơ sở cũng đứng thấp nhất cả nước.

Tính bình quân tỉ lệ lao động được đào tạo cả vùng đạt khoảng 14,31%; bình quân có 24,6 học sinh trung học chuyên nghiệp và 64 sinh viên đại học, cao đẳng trên 1 vạn dân. Nếu đồng bằng sông Hồng chỉ khoảng 327.000 dân là có một trường đại học và bình quân chung cả nước là 900.000 dân thì vùng ĐBSCL lại đến 3,37 triệu dân mới có được một trường đại học.

Đó là những nơron “bậc thấp”. Còn những nơron bậc cao hơn cũng đang thiếu hụt trầm trọng. Tỉ lệ tiến sĩ, giáo sư, thạc sĩ... của ĐBSCL cũng còn quá thấp so với các vùng miền khác.

Việc để “cái đầu” ĐBSCL mụ mẫm suốt một thời gian qua được xác định là do thiếu sự quan tâm từ cấp trung ương, bộ ngành đến các địa phương. Để ngành giáo dục ĐBSCL phát triển theo kịp các vùng miền khác, Thủ tướng Chính phủ (từ năm 1999) đã quyết định đầu tư cho ĐBSCL khoảng 22% trong tổng ngân sách giáo dục quốc gia (tương đương với tỉ lệ dân số), tuy nhiên do sự quan liêu, hời hợt của một số bộ ngành nên mức đầu tư này trong năm năm qua chỉ đạt 17%.

Để “cái đầu” ĐBSCL thông minh lên phải tăng cường “tẩm bổ” một cách tập trung và quyết liệt. Không chỉ tiền bạc từ ngân sách là đủ mà phải thực hiện nhiều biện pháp (khắc phục), giải pháp (phát triển), đồng thời phải càng nhanh chóng càng tốt việc xã hội hóa giáo dục.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Lê Thanh Tâm đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét việc để lại số tiền thu ngân sách nhà nước từ việc phát hành vé số cho phát triển giáo dục và y tế tại ĐBSCL (khoảng 3.000 tỉ đồng mỗi năm). Nếu được chấp thuận thì ngành giáo dục đồng bằng như được tẩm bổ bằng “sâm nhung bổ thận hoàn”.

Trong khi các tỉnh than thiếu vốn thì Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Thị Nhân lại đưa ra một thông tin trái ngược: đã có vốn, các tỉnh cần đẩy mạnh việc xây dựng các phòng học để các ngành chức năng giải ngân.

Không chỉ xã hội hóa giáo dục trong bậc đại học mà phải tiến đến bậc THPT. Lực lượng giáo viên của cấp học này hiện nay vừa thiếu lại vừa thừa: thiếu giáo viên giỏi, thừa giáo viên dở. Không đủ giáo viên giỏi nên sinh ra dạy thêm giờ, và chính việc này đã “rút” ngân sách giáo dục đồng bằng mỗi năm từ 10-14 tỉ đồng.

GS.TS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Trường đại học An Giang, cho biết: “Phải thay đổi cách đào tạo giáo viên, nếu không sẽ hỏng một thế hệ nữa”.

PHƯƠNG NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên